Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 48/2006/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình khuyến công giai đoạn 2006-2010 tỉnh Vĩnh Phúc do Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

Số hiệu 48/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/07/2006
Ngày có hiệu lực 05/07/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Nguyễn Ngọc Phi
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/2006/QĐ-UBND

Vĩnh Yên, ngày 05 tháng 7 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN CÔNG GIAI ĐOẠN 2006-2010 TỈNH VĨNH PHÚC.

ỦY BAN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09/6/2004 của chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XIV;
Căn cứ Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐND ngày 14/4/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình khuyến công và phát triển làng nghề giai đoạn 2006-2010;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 36/2005/TTLT-BTC-BCN của Liên bộ Tài chính – Bộ Công nghiệp hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp khuyến công;
Xét đề nghị của Sở Công nghiệp Vĩnh Phúc tại Tờ trình số 219/TTr-SCN ngày 22/5/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình khuyến công giai đoạn 2006-2010 và đề án tổ chức cán bộ khuyến công cấp huyện, xã với nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung:

Động viên và huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn và các dịch vụ khuyến công. Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, thực hiện có hiệu quả việc hội nhập kinh tế, quốc tế.

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khôi phục các làng nghề truyền thống, du nhập và phát triển nghề mới.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành công nghiệp là 18,5-20% năm cho cả thời kỳ 2006-2010 trong đó công nghiệp nông thôn tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 khoảng 35%/ năm nhằm góp phần đưa tỷ trọng công nghiệp đạt 58,4% trong cơ cấu GDP của tỉnh vào năm 2010.

- Mở rộng quy mô hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm có chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường.

- Phấn đấu đến năm 2010 có 25-30 làng đạt tiêu chuẩn làng nghề.

- Hàng năm đào tạo khởi sự doanh nghiệp từ 100-150 người. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản trị kinh doanh từ 130-200 người.

- Truyền nghề, đào tạo nghề gắn với khôi phục làng nghề truyền thống, phát triển làng nghề mới. Mỗi năm đào tạo, truyền nghề từ 1.200 đến 1.400 người, từ đó nhân cấy nghề, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn từ 6.000 đến 9.000 người.

2. Phạm vi, đối tượng áp dụng:

Phạm vi và đối tượng áp dụng của chương trình khuyến công là:

a) Các doanh nghiệp vừa và nhỏ;

b) Các hợp tác xã, tổ hợp tác thành lập hoạt động theo Bộ luật dân sự, Luật Hợp tác xã;

c) Các hộ kinh doanh cá thể;

d) Tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động dịch vụ khuyến công.

3. Các ngành nghề được ưu tiên hưởng chính sách khuyến công:

a) Công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm;

b) Cơ sở sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động như: Khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, dệt may, ươm tơ xe tơ, dệt lụa...

c) Cơ sở sản xuất TTCN, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như: Trạm khắc đá, trạm khắc gỗ, thêu ren, sơn mài, khảm trai, mây tre đan, gốm sứ...

d) Cơ sở sản xuất cơ khí nhỏ; Cơ sở sản xuất phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp;

e) Cơ sở sản xuất sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm mới (là sản phẩm nơi cơ sở sản xuất đầu tư chưa sản xuất được); sản xuất chi tiết, bán thành phẩm cho các cơ sở sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh; cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm.

[...]