Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 588/KH-UBND về thực hiện Nghị Quyết 04-NQ/TU về phát triển công nghiệp đến năm 2015 do tỉnh Hà Nam ban hành

Số hiệu 588/KH-UBND
Ngày ban hành 20/05/2011
Ngày có hiệu lực 20/05/2011
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Nam
Người ký Mai Tiến Dũng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 588/KH-UBND

Hà Nam, ngày 20 tháng 5 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 04-NQ/TU CỦA TỈNH UỶ VỀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2015

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 21 tháng 4 năm 2011 của Tỉnh uỷ Hà Nam về phát triển công nghiệp đến năm 2015, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện với những nội dung chủ yếu như sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tập trung chỉ đạo, phát huy cao vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các cấp các ngành, các tổ chức chính trị xã hội nhằm triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu Nghị quyết đã đề ra về phát triển công nghiệp đến năm 2015;

2. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 đạt 22,1%/năm; đến năm 2015 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 22.000 tỷ đồng (giá so sánh 1994), tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong tổng GDP đạt 54,8%;

3. Củng cố và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống, du nhập các nghề mới có giá trị kinh tế cao. Phấn đấu đến năm 2015, có thêm 25 làng nghề được công nhận. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp - làng nghề bình quân 18,8%/năm.

B. NỘI DUNG

I. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đẩy nhanh công tác xúc tiến đầu tư vào địa bàn tỉnh, trọng tâm là các khu công nghiệp:

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan:

- Rà soát điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư nói chúng và đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nói riêng, cơ chế ưu đãi đặc thù để thu hút nhà đầu tư chiến lược vào khu công nghiệp cho phù hợp với tình hình thực tiễn trong giai đoạn mới; hoàn thành trong tháng 6 năm 2011.

- Xây dựng Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và đề xuất thành lập Tổ công tác nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (thành phần, chức năng, nhiệm vụ,...) trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét trong tháng 5 năm 2011; trong đó chú trọng thực hiện tốt 9 chỉ tiêu xếp hạng, đặc biệt là các chỉ tiêu: “Gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất đai; Chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước; Chi phí không chính thức;...” phấn đấu trong những năm tới đưa chỉ số PCI của tỉnh xếp thứ hạng từ 25-30/63 tỉnh, thành.

- Lập danh mục các dự án sản xuất công nghiệp thuộc ngành lĩnh vực ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2011 - 2020 để kêu gọi đầu tư.

2. Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ngành chức năng của tỉnh, các nhà đầu tư hạ tầng thực hiện có hiệu quả Đề án đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp:

- Đa dạng hoá các hình thức quảng bá, xúc tiến đầu tư trực tiếp (tổ chức các hội nghị trong và ngoài nước); gián tiếp (gửi tài liệu, thư mời thông qua các nhà đầu tư, các nhà tư vấn...).

- Xúc tiến đầu tư tới các nhà đầu tư cả trong nước và ngoài nước;

- Xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư đối với từng ngành nghề, lĩnh vực phù hợp quy hoạch ngành công nghiệp trong các khu công nghiệp.

3. Sở Công Thương:

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách và thực hiện chức năng đầu mối thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp, chú trọng các lĩnh vực: “công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm; cơ khí sửa chữa; công nghiệp phụ trợ” hoàn thành trong quý 4 năm 2011.

4. Sở Xây dựng: Thực hiện chức năng đầu mối, đôn đốc hoàn thành đề án phát triển xi măng theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả đề án phát triển công nghiệp “hậu xi măng” theo hướng tiêu thụ ít năng lượng, đảm bảo môi trường.

5. Các Sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố theo chức năng nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh trong tỉnh; thời gian hoàn thành trong quý 3 năm 2011.

II. Tập trung củng cố phát triển mạnh các dịch vụ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp như: Cung cấp điện; cung cấp nước sạch; thu gom xử lý rác thải, nước thải; bưu chính, viễn thông, vận tải hàng hóa, cảng thông quan nội địa và các dịch vụ thiết yếu khác

1. Công ty Điện Lực Hà Nam tập trung đầu tư nâng cấp trạm biến áp, đường dây tải điện theo Quy hoạch, nhất là hệ thống điện cung cấp cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà máy sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Thực hiện nghiêm phương án cung ứng điện đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

2. Sở Xây dựng chủ trì tham mưu xây dựng quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch cung cấp nước sạch đảm bảo cho nhu cầu sản xuất và đời sống. Đôn đốc tiến độ quy hoạch và đầu tư cảng thông quan nội địa.

3. Sở Giao thông - Vận tải chủ trì xây dựng và thực hiện có hiệu quả tập đề án củng cố phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hoá kể cả đường bộ, đường sắt, đường thuỷ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa bàn tỉnh;

4. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho tỉnh huy động các nguồn lực và có cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư công trình thu gom, xử lý rác thải, nước thải nhất là các khu, cụm công nghiệp; hướng dẫn và giải quyết nhanh gọn các thủ tục về môi trường đối với các dự án đầu tư của các doanh nghiệp.

5. Bưu chính và Viễn thông Hà Nam có trách nhiệm đầu tư cơ sở hạ tầng trong và ngoài hàng rào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phục vụ cho việc thông tin liên lạc của các doanh nghiệp đảm bảo kịp thời và thuận tiện.

6. Sở Công Thương chủ trì, rà soát và xây dựng kế hoạch thu hút phát triển các lĩnh vực sản xuất phụ trợ khác đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

[...]