Quyết định 4856/QĐ-UBND năm 2021 về Chuyên đề số 05 “Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn Thành phố Hà Nội”

Số hiệu 4856/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/11/2021
Ngày có hiệu lực 16/11/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Trọng Đông
Lĩnh vực Đầu tư,Bất động sản

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4856/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHUYÊN ĐỀ SỐ 05 “CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN CHẬM TIẾN ĐỘ, CHẬM TRIỂN KHAI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đất đai;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17/06/2020 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư;

Căn cứ Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII “Về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025”;

Căn cứ Kế hoạch số 03-KH/BCĐ ngày 28/6/2021 của Ban chỉ đạo chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về tổ chức thực hiện Chương trình số 10- CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2021-2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 8299/TTr-STNMT-TTr ngày 05/11/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chuyên đề số 05 “Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn Thành phố”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Tài chính, Cục Trưởng Cục thuế Thành phố; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, đoàn thể thuộc Thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các đơn vị, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch UBND TP;
(Đ b/c)
- BCĐ Chương trình
số 10; (Đ b/c)
- Các PCT UBND Thành phố;
- Ban Nội chính Thành ủy;
- VP UBND: CVP, PCVP V
.T.Anh;
- Các phòng; NC, ĐT, KT.
- Cổng giao tiếp điện tử
TP;
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trọng Đông

 

CHUYÊN ĐỀ SỐ 5

CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN CHẬM TIẾN ĐỘ, CHẬM TRIỂN KHAI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4856/QĐ-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2021 của UBND thành phố Hà Nội)

Triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025”; UBND Thành phố xây dựng Chuyên đề số 5: “Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn Thành phố”, với các nội dung cụ thể như sau:

Phần I

TÍNH CẤP THIẾT VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN, THỰC TIỄN

I. TÍNH CẤP THIẾT.

Thực hiện các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai,...và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành. Trong thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư được duy trì và thực hiện thường xuyên liên tục, công tác quản lý đất đai đã có nhiều chuyển biến tích cực theo quy định của pháp luật, hiệu quả sử dụng đất được nâng cao, trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại như: công tác giám sát, đánh giá đầu tư còn chưa được chú trọng, chưa hiệu quả; công tác phối hợp của các Sở, ngành, địa phương trong việc theo dõi, báo cáo tiến độ thực hiện dự án của Chủ đầu tư chưa được kịp thời; công tác xử lý dứt điểm theo kết luận thanh tra, kiểm tra còn hạn chế; nhiều dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đầu tư, Luật Đất đai đã được rà soát, đề xuất xử lý nhưng vẫn còn tình trạng không đưa đất vào sử dụng kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, đến kết quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, gây bức xúc trong nhân dân. Thực tiễn triển khai đang đặt ra những vấn đề cần được giải quyết nhằm hoàn thiện và đảm bảo tính khả thi trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn Thành phố.

Thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025”. Việc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất là một trong các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, tiết kiệm, phòng chống các tiêu cực, lãng phí. Với yêu cầu đặt ra, việc triển khai thực hiện Chuyên đề “Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn Thành phố” là thực sự cần thiết.

II. CƠ SỞ LÝ LUẬN, THỰC TIỄN CỦA CHUYÊN ĐỀ.

1. Cơ sở lý luận:

Lĩnh vực đầu tư, đất đai là các lĩnh vực pháp luật phát sinh nhiều vấn đề ở nước ta từ nhiều năm trở lại đây. Quá trình pháp điển hóa các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai được Đảng, Nhà nước ta quan tâm. Đối với lĩnh vực đầu tư, bắt đầu từ năm 1987, với mục tiêu khuyến khích đầu tư nước ngoài, Luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam ra đời. Đáng chú ý toàn bộ Luật này chỉ có một đoạn đầu nói về khuyến khích đầu tư, nói chung là quản lý doanh nghiệp đầu tư, quản trị, tổng giám đốc, cách phân chia tài chính, phân chia lợi nhuận. Đến năm 1991, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước vào năm 1991 ra đời áp dụng đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Sự ra đời của Luật Đầu tư (năm 2005) đã xoá bỏ phân biệt đối xử, tạo lập sân chơi bình đẳng cho cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích, ưu đãi và quản lý hữu hiệu các hoạt động đầu tư kinh doanh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Đến nay, Luật Đầu tư năm 2020 đang có hiệu lực thi hành, qua đó, góp phần thực hiện chủ trương phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, có những đóng góp đáng kể vào công cuộc xây dựng nền kinh tế nước ta, tạo đà và khơi dậy các tiềm năng kinh tế, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động đầu tư, tạo cơ sở cho việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư.

[...]