Quyết định 478/QĐ-UBND Kế hoạch hành động năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng năm 2017

Số hiệu 478/QĐ-UBND
Ngày ban hành 09/03/2017
Ngày có hiệu lực 09/03/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Phạm S
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 478/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 09 tháng 3 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG NĂM CAO ĐIỂM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP TỈNH LÂM ĐỒNG, NĂM 2017.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 235/QĐ-ngày 24/01/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kế hoạch Năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2017;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 18/TTr-SNN ngày 13/02/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, năm 2017.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành, địa phương: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương, Thông tin Truyền thông; Công an tỉnh; Hội Nông dân tỉnh; Hội Phụ nữ tỉnh; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Báo Lâm Đồng; Trung tâm Xúc tiến đầu tư Du lịch và Thương mại tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Bộ NN&PTNT;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- MTTQ và các đoàn thể;
- Như điều 2;
- Các PVP;
- Lưu VT, NN.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm S

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

NĂM CAO ĐIỂM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP TỈNH LÂM ĐỒNG, NĂM 2017
(Kèm theo Quyết định số 478/QĐ-UBND ngày 09/3/2017 của UBND tỉnh)

I. Mục tiêu chung: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP); giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm; đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

II. Mục tiêu cụ thể:

1. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm; thông tin về vệ sinh, ATTP nông, lâm, thủy sản và tăng cường công tác truyền thông, quảng bá nông, sản thực phẩm an toàn.

2. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; hạn chế thấp nhất để tiến tới chấm dứt việc lưu thông, buôn bán và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản; thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất xử lý cải tạo môi trường, chất bảo quản, phụ gia ngoài danh mục, kém chất lượng.

3. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản; ô nhiễm vi sinh trong thịt giảm 10%; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP (xếp loại A, B) tăng 10% so với năm 2016.

4. Vận động 60% cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ký cam kết về điều kiện đảm bảo ATTP theo Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

III. Nội dung thực hiện:

1. Tuyên truyền, vận động:

a) Tuyên truyền, phổ biến các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn cũng như các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh ATTP theo quy định của pháp luật.

b) Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng: các cơ sở xếp loại A, B, C theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT); các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, địa chỉ nơi bày bán sản phẩm nông, lâm, thủy sản được xác nhận an toàn; các cơ sở được chứng nhận quy trình thực hành sản xuất tốt (GAP, GAHP, HACCP...).

c) Vận động cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ký cam kết về điều kiện đảm bảo ATTP theo Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT).

d) Thông tin kịp thời, đầy đủ kết quả điều tra, truy xuất và xử lý các vụ việc vi phạm được phát hiện về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

2. Tổ chức sản xuất kết nối với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn:

a) Xây dựng và triển khai các đề án, chương trình xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn.

[...]