Quyết định 4716/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án phát triển nuôi cá lồng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 4716/QĐ-UBND
Ngày ban hành 28/12/2022
Ngày có hiệu lực 28/12/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Lê Đức Giang
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4716/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 28 tháng 12 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NUÔI CÁ LỒNG TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21/11/2017;

Căn cứ Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Kế hoạch số 125-KH/TU ngày 15/01/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ các văn bản của UBND tỉnh: Quyết định số 3805/QĐ-UBND ngày 30/9/2021 về việc Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 04/01/2022 về việc Triển khai thực hiện Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Qu yết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 22/9/2022 về việc thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2030;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 259/TTr-SNN&PTNT ngày 23/12/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển nuôi cá lồng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, gồm những nội dung sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Phát triển nuôi cá lồng phù hợp với phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng vùng huyện và quy hoạch khác có liên quan, đảm bảo hiệu quả kinh tế, an toàn, bền vững môi trường và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

2. Phát triển nuôi cá lồng thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa gắn với đổi mới và tổ chức lại sản xuất, xây dựng các chuỗi giá trị xuyên suốt cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm; khai thác, sử dụng tài nguyên mặt nước để nuôi lồng bè phải đảm bảo hài hòa với hoạt động của các ngành kinh tế khác.

3. Áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại ở các vùng tập trung theo hướng công nghiệp, sử dụng công nghệ lồng, kỹ thuật nuôi tiên tiến để tạo sản phẩm mang tính hàng hóa; đồng thời hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kỹ thuật ở các vùng nuôi nhỏ lẻ hiện có để nâng cao hiệu quả.

4. Huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nuôi cá lồng, trong đó doanh nghiệp là nòng cốt, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng nông thôn miền núi và ven biển trong tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Khai thác tiềm năng và sử dụng hiệu quả mặt nước để phát triển nuôi cá lồng thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Tăng quy mô sản xuất và chuyển đổi sang lồng nuôi công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh; giải quyết việc làm, ổn định sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là vùng nông thôn miền núi và ven biển.

2 Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025:

- Diện tích nuôi cá lồng đạt 200 ha, 3.700 lồng, thể tích lồng nuôi 335.000m3; trong đó: nước ngọt với diện tích 150 ha, 3.000 lồng, thể tích lồng nuôi 265.000 m3; nước mặn với diện tích 50 ha, 700 lồng, thể tích lồng nuôi 70.000 m3.

- Sản lượng nuôi đạt 6.650 tấn, trong đó: nuôi nước ngọt 5.250 tấn; nuôi nước mặn 1.400 tấn; giá trị sản xuất đạt 500 tỷ đồng/năm.

- Giải quyết việc làm cho trên 5.800 lao động thường xuyên, trên 20.000 lao động thời vụ và dịch vụ phục vụ nuôi cá lồng.

- 100% cơ sở nuôi cá lồng nắm được kiến thức về kỹ thuật nuôi cá lồng và bảo vệ môi trường sinh thái.

- 50% cơ sở nuôi cá lồng áp dụng quy trình sản xuất nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) hoặc tương đương.

b) Định hướng đến năm 2030:

- Diện tích nuôi cá lồng đạt 310,5 ha, 5.340 lồng, thể tích lồng nuôi 523.000 m3; trong đó: nước ngọt với diện tích 222,5 ha, 3.840 lồng, thể tích lồng nuôi 373.000 m3; nước mặn với diện tích 88 ha, 1.500 lồng, thể tích lồng nuôi 150.000 m3.

[...]