UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 47
/2006/QĐ-UBND
|
Phan Thiết, ngày
13 tháng 6 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC: BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA UBND TỈNH BÌNH
THUẬN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 41/NQ-TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG
THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Nghị quyết 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 của Bộ
Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại
hoá đất nước;
Căn cứ Chương trình hành động của Chính phủ
thực hiện Nghị quyết 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị;
Căn cứ Kế hoạch số 46-KH/TU ngày 19/9/2005 của
Tỉnh uỷ Bình Thuận triển khai thực hiện Nghị quyết 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 của
Bộ Chính trị;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi
trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Chương trình hành động của
Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận thực hiện Nghị quyết 41/NQ-TW của Bộ Chính trị
về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất
nước”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban
hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên
và Môi trường, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- TT. Tỉnh uỷ;
- TT. HĐND Tỉnh;
- Chủ tịch, PCT. UBND Tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh;
- Uỷ ban MTTQ Việt Nam Tỉnh;
- Đài PT-TH Bình Thuận, Báo Bình Thuận;
- Như Điều 3;
- Lưu: VT; KT; TH; (Vu-80)
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Huỳnh Tấn Thành
|
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA UBND TỈNH BÌNH THUẬN
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 41/NQ-TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ BẢO VỆ MÔI
TRƯỜNG TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: /2006/QĐ-UBND ngày /6/2006 của Ủy ban nhân
dân Tỉnh).
I. TÌNH HÌNH CÔNG TÁC BẢO VỆ
MÔI TRƯỜNG Ở TỈNH TA TRONG THỜI GIAN QUA:
Cùng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã
hội ở Tỉnh ta trong thời gian qua, đặc biệt là từ khi có Chỉ thị 36 CT/TW ngày
25/6/1998 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 50 CT/TU của Tỉnh uỷ về tăng cường công
tác bảo vệ môi trường, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Tỉnh bước đầu đã
đạt được những kết quả quan trọng. Môi trường tại các khu vực đô thị, nông
thôn, khu sản xuất công nghiệp và dịch vụ du lịch dần được cải thiện; khai thác
sử dụng hợp lý tài nguyên, đa dạng sinh học được quan tâm hơn; công tác quản lý
nhà nước về bảo vệ môi trường được tăng cường, nhận thức của cộng đồng về bảo vệ
môi trường ngày được nâng lên rõ nét, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của
nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, những tác động
xấu đến môi trường trên địa bàn Tỉnh cũng không ngừng gia tăng, gây suy giảm chất
lượng môi trường. Tình trạng phát thải gây ô nhiễm môi trường do sản xuất và
sinh hoạt xảy ra chậm được khắc phục. Điều kiện vệ sinh môi trường tại nhiều
khu vực còn thấp, nhất là các hộ dân sống ven biển. Các hoạt động khai thác
trái phép gây lãng phí, suy giảm tài nguyên rừng, biển, đất, nước còn xảy ra
nhiều nơi. Các sự cố môi trường như: hạn hán, lũ lụt, sạt lở bờ biển,… gia
tăng, gây thiệt hại về người và của, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế
và môi trường sống của nhân dân.
Nguyên nhân chủ yếu là do: Các vấn đề môi trường
xảy ra đa dạng, phức tạp, trong khi nhận thức tầm quan trọng và sự tham gia bảo
vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều ngành, địa
phương, tổ chức đoàn thể và xã hội còn thấp; ý thức bảo vệ môi trường chưa trở
thành thói quen trong nếp nghĩ và lối sống hằng ngày của cộng đồng dân cư. Bộ
máy tổ chức quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn thiếu về số lượng và năng
lực còn hạn chế, chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế. Kinh phí đầu tư cho công tác
bảo vệ môi trường còn rất thấp, chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội vào
việc bảo vệ môi trường.
II. MỤC TIÊU:
Mục tiêu chung:
Ngăn ngừa, hạn chế, khắc phục ô nhiễm, suy thoái
và sự cố môi trường; kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường biển, môi trường nước
sông, hồ, ao, kênh, rạch; phục hồi và từng bước nâng cao chất lượng môi trường
sống; sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học. Xây dựng
Bình Thuận trở thành địa phương có môi trường tốt; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và
hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường; mọi người có ý thức bảo
vệ môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên.
Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2010:
- Phấn đấu 100% các khu công nghiệp, cụm CN -
TTCN, các cơ sở sản xuất phải có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi
trường và hoàn thành di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong
khu dân cư, khu vực nhạy cảm vào khu quy hoạch;
- 100% dân cư khu vực đô thị và 85% dân cư khu vực
nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh;
- 100% các thị trấn, thị xã, thành phố trong Tỉnh
đều có bãi chôn lấp, xử lý rác thải hợp vệ sinh và quy hoạch xong các nghĩa
trang;
- Thu gom, vận chuyển và xử lý trên 90% tổng lượng
chất thải rắn đô thị, các khu du lịch và công nghiệp, xử lý 100% chất thải rắn
y tế nguy hại và chất thải nguy hại khác;
- Đạt tỷ lệ ít nhất là 80% hộ gia đình có hố xí
hợp vệ sinh;
- 80% đường phố nội thị, nội thành phố có cây
xanh; tỷ lệ đất công viên ở các đô thị tăng 75% so với năm 2000;
- Hoàn chỉnh hệ thống thoát nước tại thành phố
Phan Thiết, thị xã LaGi, các thị trấn Phan Rí Cửa, Liên Hương vào năm 2010 và
các đô thị còn lại vào năm 2015;
- Nâng độ che phủ rừng lên 52% vào năm 2010 và
nâng cao dần chất lượng rừng;
- Hoàn thành các điều tra cơ bản; quy hoạch quản
lý tốt việc khai thác, sử dụng, bảo vệ hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên:
rừng, biển, khoáng sản, đất, nước…
III. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ:
1. Bảo vệ môi trường khu vực thành phố Phan Thiết
và các thị xã, thị trấn trong Tỉnh:
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cấp nước, bảo
đảm đến năm 2010 cung cấp trên 90% nước sinh hoạt, nước sản xuất cho nhân dân tại
thành phố, thị xã, thị trấn trong Tỉnh;
- Tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống thoát và xử
lý nước thải tại các đô thị trong Tỉnh. Phấn đấu đến năm 2010 chấm dứt cơ bản
tình trạng ngập úng tại Phan Thiết, LaGi, Phan Rí Cửa, Liên Hương và các đô thị
còn lại vào năm 2015. Hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập
trung cho khu vực thành phố Phan Thiết và thị xã LaGi vào năm 2010. Kiểm soát
chặt chẽ và hạn chế dần tình trạng xả trực tiếp nước thải chưa xử lý ra môi trường
tại các đô thị;
- Lập quy hoạch quản lý và xử lý chất thải rắn
đô thị, chất thải công nghiệp cho các huyện, thị xã, thành phố. Tăng cường đầu
tư thu gom và xử lý rác hợp vệ sinh, trong đó ưu tiên tái sử dụng, tái chế, hạn
chế chôn lấp rác. Xây dựng nhà máy xử lý rác cho khu vực thành phố Phan Thiết
trước năm 2008. Toàn bộ nguồn chất thải y tế phải được thu gom, phân loại và xử
lý đạt yêu cầu trước năm 2010;
- Quy hoạch, xây dựng các khu giết mổ gia súc,
gia cầm tập trung tại thành phố, thị xã, thị trấn và các địa phương có điều kiện
trước năm 2008 để đảm bảo vệ sinh môi trường và quản lý dịch bệnh;
- Hoàn thành quy hoạch, xây dựng các công trình
vệ sinh công cộng hợp vệ sinh trước năm 2010;
- Tăng cường trồng cây xanh dọc các tuyến phố và
các công viên, hình thành các thảm cây xanh đô thị và vành đai xanh đô thị;
- Sắp xếp, di dời các nhà chồ tại các cửa sông CàTy,
sông Dinh, sông Luỹ. Nạo vét và tôn tạo cảnh quan hai bên bờ các sông chảy ra
các vùng biển du lịch. Trong đó hoàn thành kè bờ, chỉnh trang sông Cà Ty đoạn từ
khu dân cư Văn Thánh ra biển trước năm 2010;
- Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm
trọng nằm xen kẽ trong khu dân cư, gần các khu du lịch, các khu vực nhạy cảm về
môi trường vào khu quy hoạch trước năm 2010.
- Tăng cường cải tạo, nâng cấp đường giao thông;
triển khai kiểm soát giảm thải khí độc, khói, bụi từ phương tiện giao thông và
trong thi công xây dựng công trình;
- Quy hoạch, xây dựng các khu nghĩa trang đạt
các yêu cầu về bảo vệ môi trường trước năm 2008, tiến đến xây dựng nhà thiêu
xác cho khu vực thành phố Phan Thiết;
- Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ du lịch
trong các đô thị và ven biển phải thu gom xử lý chất thải (đặc biệt là nước thải)
đạt tiêu chuẩn môi trường, tránh tình trạng thải chất thải bừa bãi gây ảnh hưởng
đến môi trường xung quanh;
Trong quy hoạch, xây dựng các khu đô thị mới hoặc
mở rộng, chỉnh trang đô thị, đặc biệt chú ý kiến trúc tổng thể mỹ quan đô thị,
bố trí diện tích đất cho các nhu cầu về cảnh quan môi trường, đầu tư xây dựng
các cơ sở hạ tầng về môi trường như cấp thoát nước, xử lý nước thải, thu gom, xử
lý rác thải, công viên cây xanh…
2. Bảo vệ môi trường khu vực nông nghiệp, nông
thôn và miền núi:
- Đảm bảo triển khai đúng tiến độ, có hiệu quả
Chương trình mục tiêu quốc gia về cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường. Đa
dạng hóa các mô hình cung cấp nước sạch và hố xí hợp vệ sinh phù hợp với điều kiện
của từng vùng nông thôn, miền núi;
- Phổ biến áp dụng các biện pháp xử lý rác thải,
chất thải chăn nuôi hợp vệ sinh với chi phí thấp;
- Triển khai kiểm soát chặt chẽ việc khai thác
nước mặt, nước ngầm. Đến năm 2010, các nguồn nước sông, hồ, các nguồn nước ngầm
phục vụ cho cấp nước sinh hoạt phải được khoanh vùng bảo vệ;
- Đẩy mạnh phổ biến áp dụng biện pháp phòng trừ
dịch hại, ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt, hạn chế dần
việc sử dụng hóa chất, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vô cơ.
Thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng hóa chất trong bảo
quản, chế biến hàng nông sản, thủy hải sản;
- Đẩy mạnh quy hoạch, xây dựng các làng nghề
nông thôn có đủ các điều kiện về thu gom xử lý chất thải trước năm 2010;
- Xây dựng và phổ biến áp dụng các phương thức,
mô hình canh tác phù hợp nhằm ngăn chặn tình trạng thoái hóa đất, sử dụng tiết
kiệm nguồn tài nguyên nước;
- Bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên, đặc biệt là
đối với các khu rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, khu bảo tồn thiên nhiên; Giao
khoán đất rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng, đẩy mạnh trồng rừng, trồng cây công
nghiệp, sản xuất nông - lâm kết hợp, nâng độ che phủ rừng đạt tối thiểu 52% vào
năm 2010;
- Quy hoạch, sắp xếp các khu tái định cư, tạo
công ăn việc làm cho dân di cư tự do nhằm ổn định an ninh trật tự và hạn chế nạn
phá rừng, lấn chiếm đất rừng;
- Trong quy hoạch xây dựng các cụm, điểm dân cư
nông thôn coi trọng đầu tư ngay từ đầu cho các yêu cầu về bảo vệ môi trường,
như: cấp nước, thoát nước, thu gom xử lý chất thải và nhựa hóa hệ thống đường
giao thông trong các khu dân cư;
- Thực hiện có hiệu quả chiến lược toàn diện về
tăng cường xóa đói, giảm nghèo, chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình để
nâng dần mức sống người dân, làm giảm áp lực tới môi trường.
3. Bảo vệ môi trường đới bờ và các khu du lịch:
- Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ du lịch
ven biển phải có hệ thống thu gom, xử lý chất thải (đặc biệt là nước thải) đạt
tiêu chuẩn môi trường trước năm 2008. Các dự án đầu tư mới phải có hệ thống thu
gom, xử lý rác thải, nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi đi vào hoạt
động;
- Tăng cường thu gom, giải quyết nguồn chất thải
của các hộ dân cư ven biển, đặc biệt là khu dân cư nằm gần các khu du lịch, khu
di tích văn hóa, lịch sử… Huy động cộng đồng tại các địa bàn du lịch tham gia
giữ gìn vệ sinh chung, xoá bỏ các thói quen, nếp sống thiếu văn minh, không hợp
vệ sinh như vứt rác, nước thải và các chất thải khác xuống bãi biển và ven bờ
biển;
- Tăng cường bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo cảnh quan
môi trường tại các địa bàn du lịch, di tích văn hóa lịch sử;
- Sắp xếp, quy hoạch các bến đậu tàu thuyền tại
địa bàn đô thị ven biển và khu vực du lịch. Kiểm soát việc xả chất thải, nhất
là rác, dầu cặn ra biển và tại các vùng cửa sông ven biển;
- Đầu tư cho việc phòng, chống và ứng cứu kịp thời
sự cố tràn dầu trên biển;
- Triển khai hiệu quả chương trình bảo vệ và
phát triển nguồn lợi thủy sản; Hình thành các khu bảo tồn biển và phát triển
nguồn giống thủy sản tự nhiên;
- Tăng cường quản lý khai thác, sử dụng hợp lý
nguồn nước ngầm, chấm dứt các hoạt động khai thác suy kiệt nguồn nước ngầm đang
diễn ra tại nhiều vùng, đặc biệt là tại các khu vực nuôi trồng thủy sản, các
khu du lịch ven biển. Triển khai các giải pháp ngăn chặn có hiệu quả quá trình
bồi lấp các hồ, bàu nước ngọt khu vực ven biển (đặc biệt là hồ Bàu Trắng ở xã
Hoà Thắng, huyện Bắc Bình).
- Tăng cường triển khai các công trình, giải
pháp kỹ thuật phù hợp để hạn chế xói mòn, sạt lở tại các bờ biển, bờ sông xung
yếu, trong đó tập trung các khu vực dân cư sinh sống và các địa bàn du lịch;
- Tăng cường trồng và phục hồi rừng phòng hộ ven
biển, ngăn chặn các hoạt động gây sạt lở đất. Nghiên cứu, phổ biến áp dụng các
mô hình, phương thức, kỹ thuật canh tác phù hợp nhằm giảm thiểu tình trạng suy
thoái, sa mạc hóa đất và sử dụng hợp lý các nguồn nước.
4. Bảo vệ môi trường các khu công nghiệp, khu chế
biến, làng nghề:
- Đẩy mạnh điều tra, thống kê, quản lý các nguồn
thải. Quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp, khu sản xuất tập trung, các làng
nghề phải có hệ thống thu gom, xử lý chất thải tập trung, đặc biệt là có hệ thống
xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Tập trung quy hoạch, xây dựng các
khu sản xuất tập trung để hoàn thành di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra
khỏi các khu đông dân cư trước năm 2010;
- Thực hiện nghiêm các yêu cầu về bảo vệ môi trường
ngay từ khâu xây dựng và phê duyệt các quy hoạch, dự án đầu tư. Không đầu tư
các dự án sản xuất có khả năng gây ô nhiễm, sự cố môi trường cao nằm trong hoặc
gần khu dân cư, khu du lịch và các khu vực nhạy cảm về môi trường. Không đưa
vào vận hành các cơ sở chưa đáp ứng đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường;
- Tăng cường kiểm soát ô nhiễm tại nguồn thông
qua việc xây dựng, vận hành và kiểm tra, giám sát các hệ thống quản lý và xử lý
chất thải tại các cơ sở sản xuất;
- Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường;
kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc buộc di dời đối với những cơ sở gây ô nhiễm
nghiêm trọng trong khu dân cư nhưng không có điều kiện xử lý chất thải, nước thải.
IV. CÁC GIẢI PHÁP CHÍNH:
1. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và
trách nhiệm về bảo vệ môi trường:
- Bằng nhiều hình thức đẩy mạnh phổ biến, quán
triệt rộng rãi đến cộng đồng các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, lợi ích của việc bảo
vệ môi trường trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khỏe của
nhân dân;
- Xây dựng, đào tạo các đội tuyên truyền nòng cốt
về bảo vệ môi trường trong các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, cộng đồng làm
hạt nhân triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về
bảo vệ môi trường;
- Tăng cường tuyên truyền môi trường trên các
phương tiện truyền thông đại chúng. Trong đó, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình
Thuận, Báo Bình Thuận thực hiện thường xuyên chuyên mục tuyên truyền về bảo vệ
môi trường;
- Xây dựng và phát hành thường kỳ bản tin về tài
nguyên và môi trường. Phát hiện, xây dựng và phổ biến áp dụng rộng các mô hình
tốt về bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống tiêu chí về bảo vệ môi trường để lồng
ghép trong các phong trào xây dựng nếp sống văn hóa; các địa phương, đơn vị cụ
thể hóa thành những quy định, quy ước để tổ chức thực hiện. Đưa nội dung bảo vệ
môi trường vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa;
- Đẩy mạnh và đa dạng hóa việc thực hiện đưa nội
dung bảo vệ môi trường vào chương trình giáo dục các cấp. Chú trọng giáo dục
truyền thống yêu thiên nhiên, sống gần gũi với thiên nhiên và hình thành thói
quen giữ gìn vệ sinh nơi công cộng;
- Khen thưởng kịp thời các điển hình trong công
tác bảo vệ môi trường, đồng thời công bố công khai hành vi vi phạm pháp luật về
bảo vệ môi trường.
2. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ
môi trường:
- Triển khai thực hiện có hiệu quả quy định của
Uỷ ban nhân dân Tỉnh về phân cấp quản lý và bảo vệ môi trường cho các Sở, ban,
ngành và địa phương trên địa bàn Tỉnh. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan
ngành, địa phương và các tổ chức chính trị xã hội trong việc bảo vệ môi trường;
- Kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực của hệ thống
quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Tỉnh, huyện, thị xã, thành phố đến xã,
phường, thị trấn. Trong đó, hình thành bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường ở
cấp huyện, thị xã, thành phố. Đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực
chuyên môn quản lý về bảo vệ môi trường ở các cấp và trang bị cơ sở vật chất kỹ
thuật phục vụ công tác;
- Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch,
chương trình, dự án phát triển địa phương, ngành hiện chưa đáp ứng các yêu cầu
về bảo vệ môi trường.
- Thực hiện nghiêm các quy định về lập Báo cáo
đánh giá tác động môi trường trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương
trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, các cơ sở sản xuất kinh doanh. Tăng cường
công tác hậu kiểm như: thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội
dung của đánh giá tác động môi trường sau khi được phê duyệt và triển khai thực
hiện dự án đầu tư;
- Tăng cường năng lực giám sát, kiểm tra, thanh
tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, huy động
sự tham gia của cộng đồng trong kiểm soát ô nhiễm;
- Hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường trên
địa bàn Tỉnh, tăng cường quan trắc chất lượng môi trường, theo dõi diễn biến
môi trường. Đầu tư xây dựng các trạm quan trắc phân tích chất lượng môi trường;
- Tăng cường trách nhiệm quản lý môi trường và
hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, đổi mới công nghệ,
áp dụng công nghệ sạch để cải thiện môi trường. Thành lập bộ phận quản lý môi
trường trong các ban quản lý khu công nghiệp, các doanh nghiệp. Đẩy mạnh triển
khai thực hiện quy định tự giám sát, báo cáo định kỳ chất lượng môi trường của
các cơ sở sản xuất kinh doanh;
- Tăng cường quản lý kiểm soát ngăn chặn việc
khai thác trái phép, cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên (rừng, biển, đất,
nước, khoáng sản…). Đẩy mạnh điều tra cơ bản nắm chắc các nguồn tài nguyên
thiên nhiên, quy hoạch quản lý tổng hợp các nguồn tài nguyên.
3. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường:
- Xây dựng và triển khai "Chương trình phối
hợp hành động bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững của Tỉnh Bình Thuận”
giữa Sở Tài nguyên Môi trường với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh, Liên
đoàn lao động Tỉnh, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Tỉnh, Hội Liên hiệp
phụ nữ Việt Nam Tỉnh, Hội Nông dân Tỉnh, Tỉnh Đoàn Thanh niên để phát huy các
nguồn lực trong bảo vệ môi trường;
- Đa dạng hóa các loại hình hoạt động bảo vệ môi
trường. Khuyến khích thành lập các tổ chức tư vấn có đủ năng lực chuyên môn và
tài chính về bảo vệ môi trường. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia
các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác về
bảo vệ môi trường;
- Phát triển các phong trào quần chúng tham gia
bảo vệ môi trường; phát huy vai trò của đại diện cộng đồng dân cư trong công
tác thẩm định môi trường dự án đầu tư và kiểm tra, giám sát các nguồn gây ô nhiễm;
- Khuyến khích phát triển các mô hình tự quản và
tổ chức các dịch vụ giữ gìn vệ sinh môi trường của cộng đồng dân cư, xây dựng
và thực hiện các quy ước, hương ước, cam kết về bảo vệ môi trường.
4. Tăng cường nguồn lực tài chính, đẩy mạnh áp dụng
các biện pháp kinh tế trong đầu tư bảo vệ môi trường:
- Tăng chi ngân sách nhà nước cho các hoạt động
sự nghiệp môi trường, hàng năm bố trí không dưới l% tổng chi ngân sách cho mục
chi các hoạt động sự nghiệp môi trường và bảo đảm tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ
tăng trưởng kinh tế;
- Thực hiện tốt việc thu các phí, thuế về bảo vệ
môi trường, ký Quỹ phục hồi môi trường, buộc bồi thường thiệt hại về môi trường.
Thành lập Quỹ bảo vệ môi trường Tỉnh để hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân hoạt động
trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; khuyến khích thành lập Quỹ bảo vệ môi trường
tại các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân khác;
Đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho môi trường. Xây
dựng các danh mục các dự án trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để giới thiệu và
thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế. Khuyến khích các tổ chức và cá nhân
trong và ngoài nước đầu tư bảo vệ môi trường; huy động và sử dụng có hiệu quả
các nguồn vốn cho bảo vệ môi trường; tăng tỉ lệ đầu tư cho bảo vệ môi trường
trong nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);
- Áp dụng các chính sách, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ
về vốn, đất đai, miễn, giảm thuế, phí, trợ giá đối với các hoạt động bảo vệ môi
trường.
5. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng
dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho bảo vệ môi trường:
- Tăng cường áp dụng các luận cứ khoa học phục vụ
công tác hoạch định chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn
liền với bảo vệ môi trường;
- Đẩy mạnh nghiên cứu triển khai ứng dụng và
chuyển giao công nghệ bảo vệ môi trường, công nghệ sản xuất sạch hơn, thân thiện
môi trường, các công nghệ xử lý và tái chế tái sử dụng chất thải;
- Tăng cường công tác điều tra cơ bản, quan trắc
về tài nguyên và môi trường. Nghiên cứu giải quyết các vấn đề môi trường của địa
phương, như: hoang mạc hóa, xói lở bờ biển, kiểm soát ô nhiễm, bảo tồn đa dạng
sinh học, sử dụng hợp lý tài nguyên, quy hoạch tổng thể quản lý bảo vệ môi trường…;
- Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, đầu tư
xây dựng và chuyển giao công nghệ bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Hình thành
và phát triển các doanh nghiệp dịch vụ môi trường;
- Đẩy mạnh đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ
chuyên môn về quản lý môi trường các cấp.
6. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác về bảo vệ
môi trường:
- Hợp tác chặt chẽ với các cơ quan Trung ương,
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các trường Đại học, Viện khoa học
trong và ngoài nước trong công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường phối hợp với
các địa phương trong khu vực để giải quyết các vấn đề môi trường liên vùng,
như: quy hoạch quản lý các nguồn nước, bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác tài
nguyên, quản lý chất thải nguy hại…;
- Vận động, tranh thủ tối đa và sử dụng hiệu quả
các nguồn hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ các nước, tổ chức quốc tế và cá nhân
cho công tác bảo vệ môi trường;
- Tham gia tích cực vào các hoạt động quốc tế và
khu vực về môi trường, đặc biệt là phối hợp thực hiện các chương trình, dự án về
bảo vệ môi trường phù hợp với địa phương.
7. Triển khai các chương trình ưu tiên về bảo vệ
môi trường của địa phương giai đoạn 2006 – 2010:
Trong giai đoạn 2006 – 2010, để đáp ứng yêu cầu
phát triển đồng thời phù hợp với nguồn lực, tỉnh Bình Thuận ưu tiên triển khai
thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường theo các định hướng sau:
- Bảo vệ môi trường đới bờ và các khu du lịch;
- Quản lý chất thải; phòng ngừa và kiểm soát ô
nhiễm;
- Sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên
nhiên, tăng cường khả năng đầu tư phục hồi môi trường trong phát triển kinh tế;
- Tăng cường năng lực quản lý môi trường.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch
khung các chương trình ưu tiên trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh phê duyệt, trên cơ sở
đó các Sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các đề
án cụ thể theo kế hoạch khung để triển khai thực hiện.
2. UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Sở,
Ban, ngành có trách nhiệm nghiên cứu quán triệt, phổ biến rộng rãi các nội dung
của Nghị quyết 41 NQ/TW và Chương trình hành động này. Căn cứ chức năng, nhiệm
vụ địa phương, ngành, đơn vị theo quy định ban hành chương trình, kế hoạch hành
động, các đề án ưu tiên về bảo vệ môi trường; cụ thể hóa các quan điểm, mục
tiêu của Nghị quyết và Chương trình hành động này trong xây dựng các kế hoạch
hàng năm, kế hoạch 5 năm.
3. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh
và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức quán triệt, phổ biến rộng rãi và triển
khai chương trình hành động, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để thực hiện
có hiệu quả Nghị quyết 41 NQ/TW và Chương trình hành động này.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính có trách
nhiệm cân đối, bố trí vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch hàng năm và dài hạn
để thực hiện có hiệu quả các nội dung, chương trình, đề án, dự án của Chương
trình hành động này.
5. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách
nhiệm hướng dẫn triển khai và phối hợp, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực
hiện Chương trình này, định kỳ báo cáo kết quả cho Uỷ ban nhân dân Tỉnh để có
chỉ đạo kịp thời./.