Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Chỉ thị 36/1998/CT-TW về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước do Bộ Chính trị ban hành

Số hiệu 36/1998/CT-TW
Ngày ban hành 25/06/1998
Ngày có hiệu lực 25/06/1998
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Chính trị
Người ký Phạm Thế Duyệt
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ CHÍNH TRỊ
********

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
----------------

Số: 36/1998/CT-TW

Hà Nội, Ngày 25 tháng 6 năm 1998

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC

Bảo vệ môi trường là một vấn đề sống còn của đất nước, của nhân loại; là nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc, gắn liền với cuộc đấu tranh xoá đói giảm nghèo ở mỗi nước, với cuộc đấu tranh vì hoà bình và tiến bộ xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, biện pháp giải quyết các vấn đề môi trường. Hoạt động bảo vệ môi trường của nước ta đã đạt được những kết quả bước đầu, đã xuất hiện những gương người tốt, việc tốt về bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, việc bảo vệ môi trường ở nước ta hiện chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Nhìn chung môi trường nước ta vẫn tiếp tục bị ô nhiễm và suy thoái, có nơi nghiêm trọng. Việc thi hành pháp luật bảo vệ môi trường chưa nghiêm minh. Ý thức tự giác bảo vệ và giữ gìn môi trường công cộng chưa trở thành thói quen trong cách sống của đại bộ phận dân cư.

Rừng tiếp tục bị tàn phá nặng nề, khoáng sản bị khai thác bừa bãi. Đất đai bị xói mòn và thoái hoá; đa dạng sinh học trên đất liền và dưới biển đều bị suy giảm. Nguồn nước mặt và nước ngầm đang ngày càng bị ô nhiễm và cạn kiệt, vùng biển đã bắt đầu bị ô nhiễm. Nhiều đô thị và khu công nghiệp bị ô nhiễm do nước thải, khí thải, chất thải rắn... Điều kiện vệ sinh môi trường ở nông thôn quá thấp kém, tiêu chuẩn an toàn lao động và an toàn thực phẩm bị vi phạm. Các sự cố môi trường ngày càng gia tăng.

Việc gia tăng dân số, việc di dân tự do diễn ra ồ ạt và không kiểm soát được, việc khai thác có tính chất huỷ diệt các nguồn lợi sinh vật trên cạn và dưới nước, việc phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng liên quan đến môi trường mà Nghị quyết Đại hội VIII đã đề ra cho năm 2000 như: phủ xanh 40% diện tích rừng, bảo đảm 80% dân số được cung cấp nước sạch, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm... đang là những thách thức gay gắt đối với nước ta hiện nay.

Các vấn đề môi trường toàn cầu, như biến đổi khí hậu, suy giảm tầng ô-zôn, dâng cao mực nước biển, ô nhiễm xuyên biên giới, suy giảm chất lượng nước của các dòng sông lớn và các thảm rừng chung biên giới, hiện tượng mưa a-xít, hiện tượng ElNino... ngày càng ảnh hưởng xấu đến môi trường nước ta.

Tình trạng trên đây do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chính:

- Các cấp uỷ đảng và chính quyền chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chưa kịp thời có kế hoạch và biện pháp bảo vệ môi trường, chưa quan tâm đúng mức lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường.

- Chính phủ, các Bộ ngành, các địa phương chậm trễ và kém hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện Luật bảo vệ môi trường và "Kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển bền vững giai đoạn 1991 - 2000"; các văn bản pháp quy về bảo vệ môi trường vừa thiếu vừa chồng chéo, lại không đồng bộ; đầu tư cho môi trường còn thấp.

- Việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho toàn Đảng và toàn dân, toàn quân chưa được quan tâm đúng mức, chưa phát huy được vai trò của các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, các hội quần chúng, các phong trào quần chúng về bảo vệ môi trường.

- Công tác quản lý nhà nước về môi trường ở cả trung ương và địa phương chưa đáp ứng với yêu cầu.

II

Để góp phần bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp, các ngành cần đổi mới nhận thức, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường, nắm vững và quán triệt các mục tiêu, quan điểm, giải pháp sau:

A - MỤC TIÊU:

Ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, phục hồi và cải thiện môi trường của những nơi, những vùng đã bị suy thoái, bảo tồn đa dạng sinh học, từng bước nâng cao chất lượng môi trường ở các khu công nghiệp, đô thị và nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, tiến hành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phấn đấu đến năm 2000 phải đạt được các mục tiêu về bảo vệ môi trường mà Đại hội VIII của Đảng đã đề ra.

B - CÁC QUAN ĐIỂM CƠ BẢN:

- Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

- Bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

- Coi phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm là nguyên tắc chủ đạo kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên.

- Kết hợp phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

C - ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU TRÊN CẦN TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP SAU ĐÂY:

1 - Thường xuyên giáo dục, tuyên truyền, xây dựng thói quen, nếp sống và các phong trào quần chúng bảo vệ môi trường.

Đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình giáo dục của tất cả các bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Tạo điều kiện và khuyến khích để người dân thường xuyên nhận được các thông tin về môi trường như một biện pháp cơ bản bảo vệ môi trường.

Động viên hướng dẫn nhân dân thực hiện nếp sống sạch, hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh công cộng.

Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào quần chúng bảo vệ môi trường như phong trào Xanh - Sạch - Đẹp, Vườn - Ao - Chuồng (VAC), Vường - Ao - Chuồng - Rừng (VACR), Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường, gia đình văn hoá, vệ sinh tốt ...

[...]