Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 4554/QĐ-BYT năm 2014 về Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh sởi năm 2014 - 2015 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 4554/QĐ-BYT
Ngày ban hành 03/11/2014
Ngày có hiệu lực 03/11/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thị Kim Tiến
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4554/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH SỞI NĂM 2014 -2015”.

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh sởi năm 2014 - 2015”.

Điều 2. Kế hoạch này là căn cứ để các địa phương, đơn vị xây dựng Kế hoạch chi tiết và triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sởi năm 2014 -2015.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 4. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Trưởng ban Quản lý dự án Tiêm chủng mở rộng và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Các đồng chí Thứ trưởng (để phối hợp);
- UBND các tỉnh, thành phố (để phối hợp);
- Các Viện VSDT, Pasteur (để thực hiện);
- Các Bệnh viện: Bạch Mai, Nhi TƯ, Bệnh nhiệt đới TƯ, Bệnh nhiệt đới TP. HCM, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 TP. HCM (để thực hiện);
- Trung tâm TTGDSK Trung ương (để thực hiện);
- Sở Y tế, T4G. TT YTDP, bệnh viện đa khoa/nhi tỉnh, thành phố (để thực hiện);
- Lưu: VT, DP.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Kim Tiến

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH SỞI NĂM 2014 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4554/QĐ-BYT ngày 03 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

PHẦN A. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH SỞI

1. Trên Thế giới

Bệnh sởi là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em, mỗi một giờ trôi qua trên toàn cầu có 14 trẻ tử vong do sởi. Trong 9 tháng đầu năm 2014, dịch bệnh sởi đã được ghi nhận tại 174/194 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó tập trung chủ yếu tại các quốc gia khu vực Tây Thái Bình Dương và châu Phi. Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong giai đoạn 2000 - 2012, nhờ có vắc xin tiêm phòng sởi nên đã cứu sống được 13,8 triệu trẻ em trên toàn thế giới không bị tử vong do bệnh sởi.

2. Tại Việt Nam

Trước khi triển khai tiêm 1 liều vắc xin sởi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, tình hình dịch sởi vẫn diễn biến phức tạp. Số mắc ghi nhận chủ yếu ở miền Bắc với tỷ lệ mắc là 137,7/100.000 dân năm 1979 và 125,7/100.000 dân năm 1983, đây là 2 đỉnh của một chu kỳ dịch sởi cách nhau khoảng 3-4 năm.

Việc tiêm vắc xin sởi được bắt đầu đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng 10 năm 1985. Các năm sau đó, tỷ lệ mắc bệnh sởi đã giảm xuống từ 112,8/100.000 dân năm 1986 xuống còn 29,8/100.000 dân năm 2010, sau chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi trên toàn quốc cuối năm 2010 tỷ lệ mắc sởi tiếp tục giảm trong các năm 2010-2012.

Cuối năm 2013, đầu năm 2014 dịch sởi bùng phát và xảy ra tại 63/63 tỉnh, thành phố, tính đến ngày 09/10/2014 ghi nhận 35.725 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 5.809 trường hợp mắc sởi xác định, 147 trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh sởi. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc tiêm vắc xin chưa đủ mũi, đặc biệt tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi đạt thấp trong những năm trước đây và những vùng có biến động dân cư cao. Sau khi thực hiện tiêm chiến dịch tiêm vét cho trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi và tiêm chống dịch cho trẻ từ 2-10 tuổi ở các tỉnh, thành phố có nguy cơ mắc sởi cao, về cơ bản dịch sởi đã được khống chế, chỉ còn các trường hợp mắc bệnh rải rác.

Tuy vậy trong tháng 8 và tháng 9/2014 tại một số xã khu vực miền núi phía Bắc ghi nhận một số ổ dịch sởi mới. Nguyên nhân dịch xảy ra ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, giao thông đi lại không thuận lợi nên tỷ lệ tiêm vắc xin sởi thấp trên quy mô xã.

3. Nhận định về tình hình dịch sởi

Trước diễn biến dịch sởi vẫn rất phức tạp trên thế giới đặc biệt các nước châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam hiện nay chưa đạt được mục tiêu loại trừ bệnh sởi do đó dịch bệnh sởi vẫn có nguy cơ bùng phát do:

- Mặc dù trong những năm gần đây, tiêm chủng vắc xin sởi đạt tỷ lệ cao trên 95%, những năm trước chỉ đạt dưới 90% nên hàng năm tích lũy lại một số đối tượng chưa được tiêm chủng và không có miễn dịch. Bên cạnh đó vắc xin sởi mặc dù đạt hiệu quả cao nhưng tiêm 1 mũi tỷ lệ tạo miễn dịch đạt 85%, tiêm 2 mũi tỷ lệ tạo miễn dịch đạt 90%.

- Mặt khác, ở quy mô tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm chủng cao trên 95%, nhưng vẫn còn những xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp nên dịch sởi thường xảy ra ở những địa bàn này.

- Trong thời gian tháng 8, tháng 9/2014 mặc dù dịch chỉ xảy ra rải rác trên quy mô nhỏ và đã được khống chế tại một số xã vùng sâu, vùng xa của các tỉnh miền núi thuộc Thái Nguyên, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, song nguy cơ có thể tiếp tục phát sinh những ổ dịch mới trong thời gian tới, do việc lây lan tới những địa bàn có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi thấp.

[...]