Quyết định 5142/QĐ-BYT năm 2014 hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh bại liệt do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 5142/QĐ-BYT
Ngày ban hành 11/12/2014
Ngày có hiệu lực 11/12/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thanh Long
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 5142/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT VÀ PHÒNG CHỐNG BỆNH BẠI LIỆT”

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31/8/2012 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh bại liệt”.

Điều 2. “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh bại liệt” là tài liệu hướng dẫn được áp dụng trong các cơ sở y tế dự phòng; các cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước và tư nhân trên toàn quốc.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 4. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng; Cục trưởng; Tổng Cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế; Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- BT. Nguyễn Thị Kim Tiến (để báo cáo);
- Các Đồng chí Thứ trưởng (để phối hợp);
- Các Viện VSDT, Pasteur;
- Sở Y tế tỉnh, thành phố;
- TTYTDP tỉnh, thành phố;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế, Website Cục YTDP;
- Lưu: VT, DP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Long

 

HƯỚNG DẪN

GIÁM SÁT VÀ PHÒNG CHỐNG BỆNH BẠI LIỆT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5142/QĐ-BYT ngày 11/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

I. ĐẶC ĐIỂM CHUNG

Bệnh bại liệt là một bệnh nhiễm vi rút cấp tính lây truyền theo đường tiêu hóa do vi rút bại liệt (Poliovirus) gây ra. Bệnh thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh lây truyền từ người sang người do nhiễm phải vi rút bại liệt chủ yếu có trong nguồn nước, thực phẩm ô nhiễm từ phân của người bệnh hoặc người lành mang vi rút bại liệt. Bệnh thường được phát hiện qua hội chứng liệt mềm cấp (LMC), biểu hiện lâm sàng chiếm khoảng 1% trường hợp nhiễm vi rút bại liệt. Bệnh thể nhẹ biểu hiện sốt, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và nôn. Nếu bệnh tiến triển nặng xuất hiện đau cơ dữ dội, cứng cổ, cứng lưng, liệt mềm có thể xảy ra. Liệt do bại liệt là liệt không đối xứng, có sốt trong thời kỳ khởi bệnh, tiến triển nhanh trong 3-4 ngày đạt tới liệt tối đa, vị trí liệt tùy thuộc vào vị trí tế bào thần kinh ở tủy sống, thân não bị tổn thương. Tuy nhiên dấu hiệu LMC có thể gặp trong hội chứng Guillain-Barré, viêm tủy cắt ngang, bệnh do vi rút đường ruột như typ 70, 71, ECHO, Coxackie, viêm thần kinh vận động cấp tính, viêm thần kinh do chấn thương, tiêm chọc, nhược cơ, bệnh thần kinh do nhiễm trùng và nhiễm độc...

Bệnh bại liệt là một trong những bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin phòng bệnh. Những năm trước khi có vắc xin, tại Việt Nam đã xảy ra các dịch lớn vào năm 1957 - 1959, tỷ lệ mắc bệnh bại liệt năm 1959 là 126,4/100.000 dân. Nhờ việc triển khai vắc xin bại liệt trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã được công nhận thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều nước khác vẫn còn vi rút bại liệt hoang dại lưu hành, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn. Để bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt, cần phải tiếp tục thực hiện các chiến lược tăng cường tiêm chủng và giám sát bệnh bại liệt đến khi thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu.

II. HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT

1. Định nghĩa ca bệnh

1.1. Ca liệt mềm cấp (trường hợp giám sát bệnh bại liệt)

Là trường hợp liệt mềm cấp bao gồm: nhẽo cơ, trương lực cơ giảm, đau cơ, giảm vận động, yếu cơ, vận động khó khăn, xuất hiện đột ngột trong vòng 10 ngày ở trẻ dưới 15 tuổi.

1.2. Ca bệnh xác định

Là trường hợp LMC phân lập được vi rút bại liệt có hoặc không có di chứng liệt sau 60 ngày hoặc tử vong hoặc mất theo dõi.

1.3. Ca bệnh có thể: là trường hợp LMC không lấy được mẫu phân hoặc mẫu phân không đúng quy định nhưng có di chứng liệt hoặc tử vong hoặc mất theo dõi.

1.4. Ca bệnh loại trừ: là trường hợp LMC đã lấy được 2 mẫu phân đủ tiêu chuẩn nhưng không phân lập được vi rút bại liệt có hoặc không có di chứng liệt sau 60 ngày hoặc tử vong hoặc mất theo dõi.

1.5. Ca bại liệt do vi rút vắc xin: là ca có di chứng bại liệt sau khi sử dụng vắc xin bại liệt và có mẫu phân phân lập được chủng vi rút vắc xin.

1.6. Ca bại liệt do vi rút vắc xin biến đổi di truyền: là trường hợp bại liệt do chủng vi rút vắc xin mà có sự khác biệt kết quả phân tích trình tự gen của vi rút vắc xin >1% đối với týp 1 và týp 3 >1% hoặc >0,6% đối với týp 2 so với chủng bại liệt hoang dại tương ứng.

[...]