Quyết định 4900/QĐ-BYT về Kế hoạch Tăng cường công tác điều trị phòng, chống bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết và bệnh dịch mới nổi năm 2014 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 4900/QĐ-BYT
Ngày ban hành 30/05/2014
Ngày có hiệu lực 30/05/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thị Xuyên
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4900/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 30 tháng 05 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐIỀU TRỊ PHÒNG, CHỐNG BỆNH SỞI, TAY CHÂN MIỆNG, SỐT XUẤT HUYẾT VÀ MỘT SỐ BỆNH DỊCH MỚI NỔI NĂM 2014

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch Tăng cường công tác điều trị phòng, chống bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết và một số bệnh dịch mới nổi năm 2014.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; các Vụ trưởng, Cục trưởng của Bộ Y tế; Giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Website Bộ Y tế; website Cục QLKCB;
- Lưu: VT, KCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Xuyên

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐIỀU TRỊ PHÒNG, CHỐNG BỆNH SỞI, TAY CHÂN MIỆNG, SỐT XUẤT HUYẾT VÀ MỘT SỐ BỆNH DỊCH MỚI NỔI NĂM 2014
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4900/QĐ-BYT ngày 30 tháng 5 năm 2014)

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 477/CĐ-TTg ngày 16/4/2014 về việc phòng, chống dịch sởi, Công điện số 585/CĐ-TTg ngày 06/5/2014 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Tay chân miệng và Sốt xuất huyết và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế tại cuộc họp ngày 12/5/2014, Bộ Y tế xây dựng triển khai Kế hoạch tăng cường công tác điều trị phòng, chống bệnh Sởi, Tay chân miệng, Sốt xuất huyết và một số bệnh dịch mới nổi năm 2014 với các nội dung cơ bản như sau:

I. TÌNH HÌNH CHUNG

1. Bệnh Sởi

Tích lũy từ đầu năm 2014 đến ngày 22/5/2014 cả nước ghi nhận 4.729 trường hợp mắc sởi xác định trong số 23.408 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 63/63 tỉnh, thành phố, ghi nhận 144 trường hợp nặng xin về và tử vong liên quan đến sởi tại khu vực miền Bắc.

Hầu hết các trường hợp mắc sởi là trẻ em dưới 10 tuổi; trong đó 12,5% là trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi; 86,4% số trường hợp mắc sởi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng.

2. Bệnh Tay chân miệng

Từ đầu năm 2014 đến nay, bệnh dịch Tay chân miệng xảy ra hầu hết các tỉnh và thành phố, tuy số người mắc thấp hơn năm 2013, song tại một số tỉnh, thành phố có số người mắc bệnh cao hơn và có nguy cơ dịch bùng phát. Đến ngày 22/5/2014 cả nước đã ghi nhận 20.683 trường hợp mắc bệnh Tay chân miệng tại 62 địa phương, trong đó có 2 người bệnh tử vong tại Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu.

3. Bệnh Sốt xuất huyết

Từ đầu năm 2014 đến nay, dịch bệnh Sốt xuất huyết xảy ra hầu hết các tỉnh và thành phố, tuy số người mắc thấp hơn năm 2013, song tại một số tỉnh, thành phố có số người mắc bệnh cao hơn và có nguy cơ dịch bùng phát. Đến ngày 22/5/2014, cả nước đã ghi nhận 9413 trường hợp mắc bệnh Sốt xuất huyết trong đó có 6 người bệnh tử vong tại Bình Dương, Tp Hồ Chí Minh, Cà Mau và Bình Phước.

4. Một số bệnh dịch mới nổi khác

- Cúm A H5N1 ở người có tỷ lệ tử vong, bệnh do vi rút H5N1 lây qua tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm bị nhiễm A H5N1, ở Việt Nam hiện nay thỉnh thoảng xuất hiện dịch lẻ tẻ và đã gây tử vong, Cúm H5N1 đã và đang được khống chế mạnh do tăng cường công tác tuyên truyền nên việc tiêm phòng cúm ở gia cầm, thủy cầm được thực hiện mạnh mẽ.

Bệnh Cúm A H7N9 có tỉ lệ tử vong cao, xuất hiện ở một số nước trong đó có Trung Quốc, chưa xuất hiện ở Việt Nam, tuy nhiên Việt Nam hết sức đề phòng, phát hiện sớm từ cửa khẩu vì việc khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam nhiều và người Việt Nam đi làm ăn, công tác ở nước ngoài về nước có thể bị nhiễm H7N9

- Mers-Cov là bệnh mới xuất hiện ở vùng Trung đông, do vi rút Corona gây nên, từ đầu năm 2014 đến ngày 22/5/2014 đã gây tử vong 193 người chủ yếu ở Arập Xê út, Việt Nam luôn luôn phải nâng cao cảnh giác, phát hiện sớm ca đầu tiên vì việc giao lưu, du lịch. Đến nay WHO cũng chưa xác định được đường lây, nguồn lây.

5. Đặc điểm một số bệnh dịch

[...]