Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 43/2005/QĐ-UB phê duyệt Đề án thực hiện chuẩn Quốc gia về y tế xã tỉnh Nghệ An giai đoạn 2005 - 2010

Số hiệu 43/2005/QĐ-UB
Ngày ban hành 25/03/2005
Ngày có hiệu lực 25/03/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Nguyễn Thế Trung
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 43/2005/QĐ-UB

Nghệ An, ngày 25 tháng 3 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THỰC HIỆN CHUẨN QUỐC GIA VỀ Y TẾ XÃ TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2005 – 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

- Căn cứ Quyết định số 35/2001/QĐ-TTg ngày 19/3/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2001-2010;

- Căn cứ Quyết định số 370/2002/QĐ-BYT ngày 7/02/2002 của Bộ Y tế về chuẩn Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2001 - 2010;

- Xét đề nghị của các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Sở Kế hoạch và Đầu tư (tờ trình số 2414/SYT - VX ngày 17/12/2004); Sở Y tế (tờ trình số 91/SYT-KH ngày 25/01/2005; số 372/SYT-KH ngày 17/3/2005) ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt đề án thực hiện Chuẩn Quốc gia về Y tế xã tỉnh Nghệ An giai đoạn 2005 - 2010 do Sở Y tế Nghệ An lập, kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Y tế, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Xây dựng; Thủ trưởng các Ban, ngành, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã cửa Lò căn cứ quyết định thi hành.

 

 

TM. UBND TỈNH NGHỆ AN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Trung

 

ĐỀ ÁN

THỰC HIỆN CHUẨN QUỐC GIA VỀ Y TẾ XÃ TỈNH NGHỆ AN, GIAI ĐOẠN 2005-2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 43/2005/QĐ-UB ngày 25 tháng 3 năm 2005 của UBND tỉnh Nghệ An)

MỞ ĐẦU

Trạm y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Trạm y tế xã) là đơn vị y tế cơ sở trong hệ thống của Ngành Y tế ở gần dân nhất, thực hiện các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hệ thống y tế cơ sở ngày càng được củng cố Hiện nay 100% số xã trong tỉnh đã có cán bộ y tế hoạt động, 60,9% số xã có bác sỹ, 85% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động... Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình mới và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, mạng lưới y tế cơ sở nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn bộc lộ nhiều hạn chế: cơ sở vật chất thiếu thốn, điều kiện chăm sóc và khám chữa bệnh cho nhân dân hết sức khó khăn. Vai trò tham mưu của Ngành Y tế còn nhiều hạn chế. ở một số nơi Cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của y tế cơ sở, chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư đúng mức để củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở.

Thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, ngày 07/ 02/2002 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 370/2002/QĐ-BYT về Chuẩn Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2001 - 2010, là một nội dung quan trọng trong việc thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Y tế cơ sở và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thực hiện Quyết định 370/2002/QĐ-BYT của Bộ Y tế, Ngành Y tế Nghệ An đã tổ chức triển khai các nội dung về thực hiện Chuẩn Quốc gia về y tế xã từ tỉnh đến tận các cơ sở. Trên cơ sở đánh giá thực trạng mạng lưới, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, các hoạt động của Trạm y tế cấp xã, căn cứ vào các Chuẩn Quốc gia về y tế xã, các Trạm y tế xã, Trung tâm y tế các huyện, thành, thị xã (sau đây gọi là huyện) có trách nhiệm tham mưu cho các Cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng chương trình hành động và kế hoạch thực hiện Chuẩn Quốc gia về y tế xã cho địa phương mình.

Để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2010 toàn tỉnh ta có trên 75% số xã đạt Chuẩn Quốc gia về y tế xã. Sở Y tế, UBND tỉnh tiến hành xây dựng Đề án triển khai thực hiện Chuẩn Quốc gia về y tế xã của tỉnh, giai đoạn 2005 - 2010.

Phần I

THỰC TRẠNG VỀ Y TẾ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

1. Về nhân lực:

Hiện nay mỗi trạm y tế xã có định biên từ 3 - 6 cán bộ. Số cán bộ y tế cơ sở có trình độ sơ cấp đang giảm dần (Từ 51,8% năm 1996 xuống còn 38,8% năm 2003) nhưng vẫn chiếm tỷ lệ khá cao; Số y sỹ sản nhi và nữ hộ sinh trung học tăng, hiện nay 60,9% số xã có bác sỹ (kể cả số 76 bác sỹ vừa được tăng cường trong năm 2004). Hiện nay các huyện đang tích cực hợp đồng với các trường Đại học Y Thái Bình, Y Thái Nguyên, Học viện Quân Y để đào tạo bác sỹ hệ chuyên tu. Dự kiến đến năm 2005 toàn tỉnh sẽ có từ 70% - 80% số xã có bác sỹ. Trước đây, y tế thôn bản chủ yếu sử dụng cán bộ y tế đã nghỉ hưu tại địa phương hoặc vệ sinh viên, trình độ chuyên môn và chế độ chính sách không thông nhất, không có quy định cụ thể, nên vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chuyên môn (xem phụ lục số 5). Sau vụ đại dịch sốt rét 1991 -1992, UBND tỉnh cho tăng cường thêm cán bộ, một số huyện miền núi được nhận cán bộ y tế cơ sở vào biên chế nhà nước vì thế số cán bộ này chỉ được đào tạo cấp tốc 6-9 tháng. Để tăng cường chất lượng chuyên môn, số cán bộ này đang cần được khảo sát đánh giá để bố trí phù hợp.

Nhìn chung ở những xã có bác sỹ, công tác khám chữa bệnh và thực hiện các chương trình y tế Quốc gia được cải thiện đáng kể. Gùng với chương trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân Bảo hiểm y tế tại xã, hoạt động của các trạm Y tế đã góp phần nâng cao chất lượng trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Số thôn, bản, khối phố trong tỉnh có cán bộ y tế hoạt động đạt 92% (5218/5649), tuy nhiên năng lực cán bộ y tế thôn bản hiện nay phần lớn là y tá sơ học, tuổi đời trung bình ở mức cao, do đó chất lượng hoạt động còn nhiều hạn chế, đặc biệt vùng núi, vùng sâu chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

[...]