Quyết định 35/2001/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2001-2010 do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

Số hiệu 35/2001/QĐ-TTg
Ngày ban hành 19/03/2001
Ngày có hiệu lực 03/04/2001
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 35/2001/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 35/2001/QĐ-TTG NGÀY 19 THÁNG 3 NĂM 2001 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ SỨC KHOẺ NHÂN DÂN GIAI ĐOẠN 2001-2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân ban hành ngày 30 tháng 6 năm 1989
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế tại Tờ trình số 3769/TTr-BYT ngày 01 tháng 6 năm 2000.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2001 - 2010 với những nội dung chính sau đây:

1- Mục tiêu:

a) Mục tiêu chung: Phấn đấu để mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, có điều kiện tiếp cận và sử đụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Mọi người đều được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần. Giảm tỷ lệ mắc bệnh, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ và phát triển giống nòi.

b) Các mục tiêu cụ thể:

- Các chỉ tiêu sức khoẻ đạt được vào năm 2010:

+ Tuổi thọ trung bình 71 tuổi.

+ Tỷ suất chết mẹ giảm xuống còn 70/100.000 trẻ đẻ sống.

+ Tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi hạ xuống dưới 25%o trẻ đẻ sống.

+ Tỷ lệ chết trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 32%o.

+ Tỷ lệ trẻ mới đẻ có trọng lượng dưới 2.500g giảm xuống dưới 6%.

+ Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 20%.

+ Chiều cao trung bình của thanh niên đạt từ 1,60 m trở lên.

+ Có 4,5 bác sĩ và 1 dược sĩ đại học/10.000 dân.

- Giảm tỷ lệ mắc và tử vong các bệnh truyền nhiễm gây dịch. Không để dịch lớn xảy ra. Khống chế tới mức thấp nhất tỷ lệ mắc và chết của các bệnh tả, thương hàn, sốt xuất huyết, sốt rét, dịch hạch, viêm gan B và viêm não Nhật Bản B, các bệnh lây truyền qua đường tình dục... Duy trì kết quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh. Hạn chế tốc độ gia tăng tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS.

Phòng chống và quản lý các bệnh không nhiễm trùng như bệnh tim mạch, ung thư, tai nạn và thương tích, đái tháo đường, bệnh nghề nghiệp, tâm thần, ngộ độc, tự tử và các bệnh do lối sống không lành mạnh mang lại (nghiện ma tuý, nghiện rượu, béo phì...).

- Nâng cao tính công bằng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt là các dịch vụ khám chữa bệnh.

- Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ ở tất cả các tuyến y tế trong các lĩnh vực phòng bệnh, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và nâng cao sức khoẻ. Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để ngành y tế nước ta phát triển kịp trình độ các nước tiên tiến trong khu vực.

2- Các giải pháp chính:

a. Về đầu tư: bao gồm đầu tư của Nhà nước, đóng góp của cộng đồng và tranh thủ viện trợ quốc tế..., trong đó đầu tư của Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Từng bước phấn đấu tăng mức chi thường xuyên cho y tế trong tổng chi ngân sách Nhà nước. Ưu tiên đầu tư cho vùng nghèo, vùng núi, vùng sâu, vùng xa về các hoạt động y tế dự phòng, y học cổ truyền, các hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại y tế cơ sở, khám chữa bệnh cho người nghèo và các đối tượng chính sách, bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em.

- Thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách tài chính mới tại một số bệnh viện ở các thành phố lớn, tiến tới tự cân đối thu chi thường xuyên, dựa trên bảo hiểm y tế và viện phí. Điều chỉnh giá viện phí cho phù hợp với chi phí, sự đầu tư về kỹ thuật và trình độ chuyên môn ở từng tuyến kỹ thuật; phù hợp với khả năng đóng góp của nhân dân ở từng vùng và khả năng chi trả của từng loại đối tượng.

- Mở rộng bảo hiểm y tế tự nguyện; củng cố quĩ bảo hiểm y tế bắt buộc, tiến tới thực hiện bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân.

- Tăng cường huy động và điều phối các nguồn viện trợ, đặc biệt là các khoản viện trợ không hoàn lại cho hỗ trợ kỹ thuật và các khoản vay ưu đãi cho đầu tư phát triển.

b. Kiện toàn tổ chức:

[...]