Quyết định 1350/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 1350/QĐ-UBND
Ngày ban hành 25/08/2014
Ngày có hiệu lực 25/08/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Văn Nưng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1350/QĐ-UBND

An Giang, ngày 25 tháng 08 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Điều Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030;

Căn cứ Quyết định số 639/QĐ-BNN-KH năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong điều kiện biến đổi khí hậu;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 436/TTr-SKHĐT- THQH ngày 14/8/2014 về việc xin phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu như sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn tỉnh An Giang phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp cả nước, của vùng đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang đã được phê duyệt.

1. Quan điểm phát triển nông nghiệp:

- Quy hoạch phát triển các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản phải hướng tới thực hiện nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh, hiệu quả và tính bền vững cho nền nông nghiệp của tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế thể hiện bằng giá trị, lợi nhuận.

- Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp phải đáp ứng yêu cầu thị trường dựa trên tiềm năng và lợi thế của tỉnh; kết hợp ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học – công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, nguồn nhân lực được đào tạo; thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Phát huy lợi thế các tiểu vùng sinh thái (vùng đầu nguồn, vùng cù lao, vùng Bảy Núi) để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung (lúa chất lượng cao, lúa nếp, bắp lai, rau màu, hoa cây cảnh, cây dược liệu, cây ăn trái, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…) gắn với hệ thống phân phối và tiêu thụ sản phẩm tiện lợi cho người dân.

- Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp phải gắn kết chặt chẽ với phát triển công nghiệp bảo quản, công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; chú trọng việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho từng nông sản hàng hóa chủ lực. Ưu tiên nguồn lực (vốn, lãi suất vay, đất đai, chính sách…) cho các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp, các mô hình sản xuất áp dụng công nghệ cao, các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu.

- Quy hoạch phát triển nông nghiệp phải gắn với yêu cầu chuyển đổi nhanh lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp; rút nhanh lao động ra khỏi nông nghiệp, tạo điều kiện tăng năng suất lao động nông nghiệp và tăng thu nhập, cũng là điều kiện cần thiết để có một nền nông nghiệp sản xuất tập trung, theo quy mô hàng hóa trong tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn.

- Tăng cường sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển đối tác công tư (Public - Private Partner viết tắt là PPP) và cơ chế đồng quản lý, phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng.

2. Quan điểm phát triển nông thôn

- Quy hoạch phát triển nông thôn phải đáp ứng mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, đời sống của người dân ngày càng nâng cao. Xác định nông dân là chủ thể của quá trình xây dựng và phát triển nông thôn mới.

- Quy hoạch phát triển nông thôn phải có sự đổi mới mạnh mẽ về cơ chế chính sách, đặc biệt là cơ chế thu hút đầu tư. Ngoài sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, cần tăng cường các hình thức đối tác công tư, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư.

- Phát triển nông thôn phải vững bền cả về tự nhiên và xã hội. Đảm bảo môi trường nông thôn trong sạch; giảm thiểu rủi ro do bệnh tật, thiên tai và quá trình biến đổi khí hậu gây ra; thu hẹp khoảng cách về cơ hội phát triển giữa đô thị và nông thôn, cũng như giữa các nhóm dân cư nông thôn; hỗ trợ người nghèo, những nhóm đối tượng khó khăn trong quá trình phát triển.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát:

a) Xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên; ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao, góp phần cùng cả nước đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, nguồn nước, lao động và nguồn vốn đầu tư; tăng nhanh thu nhập và mức sống của nông dân, người lao động ở khu vực nông thôn.

b) Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hòa giữa các vùng, các cộng đồng dân cư, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng đồng bào dân tộc; nông dân được đào tạo để phù hợp với nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của thị trường và đóng vai trò làm chủ nông thôn mới.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Đến năm 2015:

[...]