Quyết định 4034/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Khánh Hòa năm 2018

Số hiệu 4034/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/12/2017
Ngày có hiệu lực 29/12/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Khánh Hòa
Người ký Lê Đức Vinh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4034/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 29 tháng 12 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TỈNH KHÁNH HÒA NĂM 2018

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 3377/QĐ-UBND ngày 14 tháng 12 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Chương trình cải cách hành chính tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 3777/QĐ-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Công văn số 2947/SNV-CCHC ngày 28 tháng 12 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Khánh Hòa năm 2018.

Điều 2. Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, đôn đốc, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Đức Vinh

 

KẾ HOẠCH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TỈNH KHÁNH HÒA NĂM 2018
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4034/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

I. Mục tiêu trọng tâm năm 2018

Tiếp tục thực hiện Chương trình cải cách hành chính tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020, tiến tới hoàn thành các mục tiêu cải cách hành chính tỉnh đã đề ra cho giai đoạn 2016-2020, mục tiêu trọng tâm của năm 2018 cần phải tập trung hoàn thành như sau:

1. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh thông qua việc tiếp tục hoàn thiện và minh bạch hóa hệ thống các quy định, chính sách về đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công.

2. Tiếp tục cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở đơn giản hóa, chuẩn hóa và thống nhất hóa về hồ sơ và quy trình giải quyết thủ tục hành chính, phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính cho cơ sở; hoàn thiện cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính.

3. Triển khai toàn diện, hiệu quả cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông theo Quyết định số 14/2015/QĐ-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh gắn với đẩy mạnh tin học hóa, trực tuyến hóa giao dịch thủ tục hành chính ở cả ba cấp hành chính và các lĩnh vực ngành dọc, trong đó:

a) Đưa 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện vào thực hiện trực tuyến ở mức độ 3, 4; có tối thiểu 40% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến ở mức độ 3 và 15% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến ở mức độ 4.

Toàn bộ hồ sơ thủ tục hành chính áp dụng cơ chế một cửa liên thông được luân chuyển, phối hợp xử lý dưới dạng liên thông điện tử trên mạng tin học giữa các cơ quan hành chính thuộc tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan (trừ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh).

b) Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt tối thiểu 35%.

c) Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư qua mạng đạt tối thiểu 15% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết.

d) Tỷ lệ hồ sơ trễ hạn trên các lĩnh vực: Đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng, nhà ở, thuế, bảo hiểm xã hội, lao động, thương binh và xã hội giảm xuống dưới 5%.

4. Triển khai toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định, hướng dẫn có liên quan, gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh, tập trung đúng mức để tạo chuyển biến mạnh mẽ đối với Ủy ban nhân dân cấp xã.

[...]