BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
3885/QĐ-BNN-TCTS
|
Hà Nội, ngày 11
tháng 09 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH NUÔI, CHẾ BIẾN CÁ TRA VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
ĐẾN NĂM 2020
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP
ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 36/2014/NĐ-CP
ngày 29/4/2014 của Chính phủ quy định về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm
cá tra;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP
ngày 07/ 9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/ 2008 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày
07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 1445/QĐ-TTg
ngày 16/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể
phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng
cục Thủy sản, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt quy hoạch nuôi, chế biến cá tra vùng Đồng
bằng sông Cửu Long đến năm 2020 với các nội dung sau:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT
TRIỂN
1. Phát
huy lợi thế và sử dụng hợp lý tài nguyên vùng Đồng bằng sông Cửu Long để nuôi
cá tra bền vững, phù hợp với khả năng tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài
nước.
2. Quy hoạch
nuôi, chế biến cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với quy hoạch tổng
thể phát triển thủy sản đến năm 2020 và phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế -
xã hội của địa phương.
3. Phát
triển sản xuất giống, nuôi, chế biến và tiêu thụ cá tra phải gắn liền với việc
bảo đảm thực hiện theo các quy định của pháp luật về điều kiện, tiêu chuẩn, quy
chuẩn kỹ thuật. Đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, cá nhân, tổ chức,
doanh nghiệp sản xuất giống, nuôi, chế biến xuất khẩu cá tra và nhà nước.
4. Phát
triển nuôi cá tra theo phương thức công nghiệp là trọng tâm, huy động nguồn lực
của nhiều thành phần kinh tế, trong đó Nhà nước hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở
hạ tầng cho các vùng nuôi cá tra tập trung, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cung
cấp cho công nghiệp chế biến.
II. ĐỊNH HƯỚNG
1. Nuôi cá tra
Địa điểm, diện tích nuôi cá tra
thương phẩm phải phù hợp với quy hoạch nuôi của địa phương. Cơ sở nuôi cá tra
thương phẩm phải đảm bảo các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản;
được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương cấp mã số nhận diện cơ sở
nuôi cá. Các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực
hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định
của luật pháp Việt Nam.
2. Chế biến cá tra
Chế biến cá tra phải tạo ra sản phẩm
có chất lượng cao đảm bảo an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu
thụ. Đổi mới công nghệ và áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; chuyển đổi
cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng
cao, giảm tỷ lệ sản phẩm sơ chế.
III. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển nuôi, chế biến cá tra vùng
Đồng bằng sông Cửu Long thành ngành kinh tế quan trọng của thủy sản Việt Nam
theo hướng công nghiệp và thân thiện với môi trường. Sản phẩm cá tra phục vụ xuất
khẩu và tiêu thụ nội địa, góp phần nâng cao thu nhập của người dân và tăng thu
ngoại tệ cho đất nước.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm
2016
- Diện tích mặt nước nuôi cá tra:
5.300 - 5.400 ha.
- Sản lượng cá tra nuôi: 1.250.000 -
1.300.000 tấn.
- Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu có giá
trị gia tăng cao đạt 8 - 12%.
- Kim ngạch xuất khẩu: 2,0 - 2,3 tỷ
USD.
b) Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm
2020
- Diện tích mặt nước nuôi cá tra:
7.000 - 7.800 ha.
- Sản lượng cá tra nuôi: 1.800.000 -
1.900.000 tấn.
- Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu có giá
trị gia tăng cao đạt 15 - 20%.
- Kim ngạch xuất khẩu: 2,6 - 3,0 tỷ
USD.
IV. NỘI DUNG QUY
HOẠCH: Phụ lục kèm theo (Trích lục bản đồ)
1. Về con giống
a) Nhu cầu con giống
Sản xuất giống cá tra ở các tỉnh nuôi trọng điểm
vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2015 đáp ứng 3,0 tỷ con giống; đến năm
2020 là 3,5 tỷ con giống.
b) Quy hoạch cơ sở sản xuất cá bột và ương nuôi cá
giống
Sản xuất cá bột nòng cốt là Trung tâm giống thủy sản
của tỉnh và các trại sản xuất giống cá tra ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu
Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang.
Ương nuôi ở 3 vùng: Vùng 1 gồm các tỉnh An Giang, Đồng
Tháp, Vĩnh Long; vùng 2 gồm các tỉnh: Cần Thơ, Hậu Giang; vùng 3 gồm các tỉnh:
Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh.
Diện tích ương nuôi giống toàn vùng cần khoảng
1.700 - 2.500 ha.
2. Quy hoạch nuôi cá tra thương phẩm
a) Tiêu chí quy hoạch vùng nuôi
- Các vùng đất bãi bồi, cù lao, đất ven sông có lưu
lượng dòng chảy và sức tải môi trường lớn.
- Các vùng đất có kết cấu đất thịt hoặc đất phù sa
có khả năng giữ nước tốt, không có phèn tiềm tàng trong đất.
- Không bị ngập vào mùa mưa và đủ nước cung cấp vào
mùa khô.
- Cách xa các khu dân cư, không làm ảnh hưởng đến
dân sinh.
- Thuận tiện trong giao thông, vận chuyển các loại
vật tư đầu vào và sản phẩm thu hoạch (ưu tiên những vùng nuôi gần các khu vực
cung ứng dịch vụ đầu vào và chế biến sản phẩm).
- Có nguồn nước đảm bảo chất lượng, ổn định; các chỉ
tiêu chất lượng nước nằm trong giới hạn cho phép về chất lượng nước mặt dùng
trong nuôi trồng thủy sản đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm theo quy định
và phù hợp với sinh trưởng và phát triển của cá tra.
- Ưu tiên cho các vùng nuôi cá tra đã và đang nuôi
có hiệu quả, có cơ sở hạ tầng đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật trong
nuôi trồng thủy sản.
b) Quy hoạch nuôi cá tra thương phẩm tại các địa
phương
(1). Tỉnh An Giang: Tập trung ven sông Hậu và sông
Tiền, cù lao thuộc các huyện: Chợ Mới, Châu Phú, Thoại Sơn, Châu Thành, Phú
Tân, An Phú, Châu Đốc, Tân Châu và TP. Long Xuyên.
(2). Tỉnh Đồng Tháp: Tập trung ven sông Tiền và cù
lao tại các huyện Thanh Bình, Châu Thành, Hồng Ngự, Cao Lãnh, Sa Đéc, Lấp Vò, TX.
Hồng Ngự, Lai Vung và TP. Cao Lãnh. Các vùng nuôi cá tra nằm trong vùng nội đồng
như Tam Nông, Tân Hồng chỉ duy trì hiện trạng các vùng nuôi đáp ứng điều kiện
theo VietGAP, không phát triển thêm các ao nuôi mới.
(3). Thành phố Cần Thơ: Tập trung tại các huyện Thốt
Nốt, Vĩnh Thạnh, Ô Môn, Cờ Đỏ. Sau năm 2015 vùng nuôi cá tra tại các quận Ninh
Kiều, Cái Răng, Bình Thủy và Phong Điền sẽ chuyển mục đích đầu tư phát triển
kinh tế xã hội lĩnh vực khác của địa phương không phát triển nuôi trồng thủy sản
tại các huyện nói trên.
(4). Tỉnh Vĩnh Long: Tập trung tại TP. Vĩnh Long,
các huyện Vũng Liêm, Long Hồ, Bình Tân, Mang Thít, Trà Ôn, Tam Bình và Bình
Minh.
(5). Tỉnh Tiền Giang: Tập trung tại các huyện Cái
Bè, Cai Lậy, Châu Thành và Chợ Gạo.
(6). Tỉnh Bến Tre: Tập trung tại các huyện Chợ
Lách, Châu Thành, Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Ba Tri.
(7). Tỉnh Sóc Trăng: Tập trung tại các huyện Kế
Sách, Long Phú và Cù Lao Dung.
(8). Tỉnh Trà Vinh: Tập trung tại các huyện Càng
Long, Tiểu Cần, Cầu Kè, Châu Thành, Trà Cú và TP. Trà Vinh.
(9). Tỉnh Hậu Giang: Tập trung tại các huyện Phụng
Hiệp, Châu Thành và TX. Ngã Bảy.
(10). Tỉnh Kiên Giang: Tập trung tại các huyện Tân
Hiệp và Giồng Riềng.
3. Quy hoạch chế biến cá tra
- Giai đoạn 2015 - 2016: Không nâng tổng công suất
chế biến cá tra phi lê đông lạnh, tập trung đầu tư nâng cấp nhà xưởng, đổi mới
dây chuyền thiết bị trong các nhà máy hiện có. Đẩy mạnh chế biến sản phẩm mới,
sản phẩm giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm cá
tra. Tỷ trọng các sản phẩm cá tra chế biến sâu có giá trị gia tăng cao đạt 8 -
12%.
- Giai đoạn 2017 - 2020: Căn cứ vào nhu cầu thị trường
và khả năng sản xuất cá tra nguyên liệu, có thể đầu tư thêm các cơ sở chế biến
sản phẩm giá trị gia tăng cá tra; không đầu tư phát triển thêm cơ sở chế biến sản
phẩm cá tra phi lê đông lạnh. Tiếp tục áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư trang
thiết bị và công nghệ mới hiện đại vào chế biến sản phẩm chính và phụ phẩm cá
tra để tạo ra các sản phẩm thực phẩm và phi thực phẩm giá trị gia tăng cao. Đưa
hiệu suất sử dụng thiết bị chế biến vào năm 2020 đạt 80 - 90%; tỷ trọng sản phẩm
cá tra chế biến sâu có giá trị gia tăng cao đạt 15 - 20%.
V. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Khoa học công nghệ, khuyến ngư và môi trường
a) Khoa học công nghệ và khuyến ngư
- Sản xuất giống: Hoàn thiện nghiên cứu phát
triển công nghệ sản xuất giống cá tra có tính trạng di truyền chọn lọc có khả
năng tăng trưởng cao, kháng bệnh... Nâng cấp và đầu tư các Trung tâm giống quốc
gia ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm nghiên cứu chọn tạo giống cá tra mới có
chất lượng cao, kháng bệnh. Tiếp tục đầu tư các khu sản xuất giống cá tra tập
trung để đảm bảo điều kiện sản xuất giống và kiểm soát được chất lượng con giống
cá tra.
- Sản xuất thức ăn nuôi cá tra: Nghiên cứu
phát triển thức ăn công nghiệp có chất lượng cao, FCR thấp (tỷ lệ hấp thụ cao);
nghiên cứu sử dụng nguyên liệu tại chỗ nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có,
giảm chi phí sản xuất thức ăn thủy sản, góp phần giảm giá thành sản xuất.
- Công nghệ nuôi thương phẩm: Xây dựng các
vùng nuôi an toàn, đảm bảo các quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc các
chứng chỉ quốc tế phù hợp với thị trường. Nghiên cứu xác định kích cỡ thu hoạch
cá tra nguyên liệu phù hợp với quy luật tăng trưởng và có hiệu quả kinh tế cao
nhất.
- Công nghệ chế biến: Nghiên cứu và chuyển
giao công nghệ chế biến sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao từ cá tra, nhất là
các sản phẩm từ cá tra kích thước to, cá thịt vàng, phụ phẩm; phù hợp với thị
hiếu tiêu dùng đối với thị trường trong nước và xuất khẩu. Nghiên cứu chế tạo
máy móc, thiết bị chế biến cá tra phù hợp với thực tế nhằm nâng cao năng suất
lao động và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
- Triển khai quyết định số 674/QĐ-BNN-KHCN ngày
04/4/2014 về việc phê duyệt Đề án khung sản phẩm quốc gia “Sản phẩm cá da trơn
Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ cá da trơn”.
b) Môi trường
- Thúc đẩy áp dụng VietGAP trong nuôi cá tra hoặc
các chứng chỉ quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
- Kết hợp với trồng trọt nghiên cứu sử dụng chất thải
từ ao nuôi cá tra làm phân bón cho cây trồng, giảm nguồn gây ô nhiễm xả thải trực
tiếp ra môi trường tự nhiên.
- Triển khai quan trắc môi trường ở đầu và cuối nguồn
nước của khu vực nuôi tập trung để cảnh báo và có các biện pháp xử lý khi môi
trường biến động xấu đến vùng nuôi nhằm giảm bớt rủi ro do môi trường gây ra.
- Đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước
thải với công nghệ phù hợp, tăng cường áp dụng sản xuất sạch hơn trong các nhà
máy chế biến cá tra nhằm giảm giá thành sản phẩm và bảo vệ tốt môi trường.
2. Giải pháp về tổ chức lại sản xuất theo chuỗi
giá trị cá tra
- Thực hiện việc cấp mã số ao nuôi, áp dụng đăng ký
nuôi cá tra thương phẩm, hợp đồng thu mua nguyên liệu với người nuôi và xác nhận
hợp đồng xuất khẩu nhằm bảo đảm sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch và thích ứng
nhanh với cơ chế thị trường góp phần ổn định sản xuất thông qua việc cân đối
cung cầu; nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc từ cá giống và vật tư đầu vào đến
cá tra nguyên liệu.
- Tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ
và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến và xuất khẩu;
trong đó tổ chức lại các hộ nuôi cá tra theo mô hình quản lý cộng đồng (nhóm hộ,
Hợp tác xã, Hiệp hội nuôi cá tra...) gắn với việc đẩy nhanh ứng dụng VietGAP và
các chứng nhận quốc tế khác phù hợp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Tổ chức các cơ sở chế biến và tiêu thụ gắn với
các vùng sản xuất nguyên liệu và nhu cầu của từng thị trường; khuyến khích các
doanh nghiệp chế biến làm trung tâm trong liên kết chuỗi giá trị.
- Phát huy vai trò của các Hội, Hiệp hội trong việc
làm cầu nối và tổ chức liên kết giữa các khâu của quá trình sản xuất, giữa các
hội viên với các tổ chức và cơ quan quản lý nhà nước.
3. Thị trường, xúc tiến thương mại
- Giữ vững và phát triển thị phần xuất khẩu tại các
thị trường truyền thống (EU, Mỹ); đặc biệt quan tâm đầu tư nghiên cứu, sản xuất
các loại sản phẩm giá trị gia tăng phù hợp với sức mua, thị hiếu theo đặc thù
các thị trường này; nâng cấp tiêu chuẩn VietGAP tương đồng với các tiêu chuẩn
quốc tế để đàm phán, thừa nhận lẫn nhau các sản phẩm từ cá tra; chủ động theo
dõi diễn biến thị trường, xây dựng các biện pháp thích hợp để đối phó với tranh
chấp thương mại, rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm cá
tra.
- Thông tin, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh sản phẩm
cá tra Việt Nam qua các kênh truyền hình, internet, ấn phẩm... đến trực tiếp
người tiêu dùng. Nghiên cứu mở trung tâm đầu mối phân phối, bán đấu giá sản phẩm
cá tra tại các thị trường tiêu thụ lớn để thuận lợi trong việc phân phối sản phẩm
và tránh việc bán phá giá của các doanh nghiệp.
- Từng bước phát triển hình thức xuất khẩu trực tiếp
cho các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại lớn, siêu thị; thay thế dần việc
xuất khẩu qua trung gian (nhà nhập khẩu) nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Điều
tra, khảo sát, nghiên cứu thị trường tiêu thụ để nắm bắt thị hiếu tiêu dùng,
cách thức sử dụng, cách chế biến, sử dụng và văn hóa ẩm thực.
- Khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất kinh
doanh, chế biến xuất khẩu sản phẩm cá tra xây dựng và phát triển thương hiệu lớn,
có uy tín, gắn với chỉ dẫn địa lý phù hợp với sự phát triển sản xuất kinh doanh
xuất khẩu của từng doanh nghiệp.
- Xây dựng, thực hiện chương trình tuyên truyền, quảng
bá, xúc tiến thương mại riêng về cá tra để đưa các sản phẩm cá tra đến được với
gần 100 triệu người tiêu dùng tại thị trường nội địa. Tăng cường tiêu thụ nội địa
sẽ hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu khi thị trường thế giới khi có biến động.
4. Cơ chế chính sách phát triển nuôi, chế biến
cá tra
a) Chính sách đầu tư
- Ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương có mục
tiêu để đầu tư các hạng mục hạ tầng vùng nuôi cá tra tập trung theo quy định tại
khoản 3 Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ
về một số chính sách phát triển thủy sản.
- Ưu tiên các dự án nằm trong quy hoạch nhằm đầu tư
cơ sở hạ tầng các vùng nuôi cá tra thâm canh đảm bảo yêu cầu vệ sinh thực phẩm,
có hợp đồng cung cấp dịch vụ đầu vào gắn với sản xuất, tiêu thụ, chế biến giữa
doanh nghiệp với hộ nuôi hoặc tổ chức đại diện hộ nuôi trong vùng dự án.
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ đến 50% tổng vốn đầu tư
xây dựng, cải tạo vùng nuôi cá tra như: Đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm
bơm, điện hạ thế, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống cấp thoát nước của vùng sản
xuất tập trung để phù hợp với yêu cầu kỹ thuật VietGAP.
- Các doanh nghiệp đầu tư nuôi và chế biến cá tra
được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước dành cho
các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Nghị định
210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ.
b) Chính sách tín dụng
- Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp
có thu đầu tư dự án sản xuất, chế biến cá tra gắn với chế biến được vay vốn tín
dụng đầu tư, xuất khẩu theo quy định của Nghị định 75/2011/NĐ-CP ngày
30/8/2011.
- Các tổ chức, cá nhân được vay vốn theo quy định tại
Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ để phục vụ sản xuất, kinh
doanh cá tra.
- Xử lý đối với các khoản nợ quá hạn và nợ đã được
cơ cấu của khách hàng là hộ dân, chủ trang trại, hợp tác xã nuôi cá tra gặp khó
khăn trong sản xuất kinh doanh và trả nợ tổ chức tín dụng đến ngày 31/12/2013
được thực hiện theo Quyết định 540/QĐ-TTg ngày 16/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
- Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia
đình, cá nhân được ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại để mua
máy, thiết bị sản xuất giống, nuôi, thu hoạch, xử lý phế và phụ phẩm sau chế biến
cá tra theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
c) Các chính sách khác
- Hộ nông dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác
xã nuôi cá tra bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh được hỗ trợ để khôi phục sản
xuất theo Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ
và Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi,
bổ sung Điều 3 Quyết định 142/2009/QĐ-TTg.
- Tuyên truyền, khuyến khích thực hiện, xây dựng
trình ban hành chính sách hỗ trợ nông dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác
xã nuôi, doanh nghiệp mua bảo hiểm nuôi cá tra và hợp tác liên kết sản xuất gắn
với tiêu thụ, chế biến.
5. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
- Định kỳ mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về hướng dẫn
và chuyển giao kỹ thuật cho người sản xuất thông qua tổ chức khuyến ngư, Viện,
Trường,...
- Tăng cường đào tạo cán bộ quản lý, đội ngũ thanh
tra, kiểm soát viên cho từng khâu từ kiểm soát giống, thức ăn đến vệ sinh an
toàn thực phẩm có đủ trình độ giám sát, hướng dẫn và quản lý quy hoạch.
6. Dự án ưu tiên
- Chương trình nâng cao chất lượng giống cá tra;
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thống kê và xây dựng
cơ sở dữ liệu về tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra;
- Hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu, xúc tiến
thương mại;
- Dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng vùng nuôi tập trung;
- Dự án phát triển sản phẩm mới từ cá tra.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tổng cục Thủy sản
Hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy hoạch, thông tin
thống kê về tình hình sản xuất, tiêu thụ, dự báo thị trường, xúc tiến thương mại,
rà soát và đề xuất điều chỉnh bổ sung quy hoạch trên cơ sở đề nghị của các tỉnh,
tình hình thị trường và thực tiễn sản xuất, chế biến cá tra; thực hiện kiểm
tra, tổng hợp thông tin và định kỳ báo cáo.
2. Các đơn vị thuộc Bộ
- Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản:
Kiểm tra điều kiện cơ sở, chất lượng, an toàn thực phẩm trong chế biến, xuất khẩu
cá tra. Nội dung kiểm tra theo Thông tư số 23/2014/TT-BNNPTNT ngày 29/07/2014 của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối: Rà
soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong chế biến cá tra; hướng dẫn kiểm
tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch chế biến cá tra.
- Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II và các cơ
sở đào tạo, nghiên cứu khác có trách nhiệm nghiên cứu nâng cấp đàn cá giống bố
mẹ nhằm cung cấp nguồn giống tốt cho phát triển cá tra chất lượng cao trong
vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng
bằng sông Cửu Long
- Tổ chức rà soát, lập và phê duyệt quy hoạch chi
tiết nuôi, chế biến tại địa phương phù hợp với quy hoạch nuôi, chế biến cá tra
vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn phê duyệt tại quyết định này.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện và xử
lý vi phạm quy hoạch đã được phê duyệt theo quy định pháp luật.
4. Hiệp hội cá Tra Việt Nam và các Hiệp hội
ngành hàng khác
Giám sát việc thực hiện các nội dung quy hoạch đã
phê duyệt, kiến nghị đến các cơ quan chức năng xử lý các tổ chức, cá nhân không
thực hiện đúng theo quy hoạch về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Quyết định này thay thế Quyết định số
102/2008/QĐ-BNN ngày 17/01/2008 phê duyệt “Quy hoạch phát triển sản xuất và
tiêu thụ cá tra Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010, định hướng đến năm
2020”.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Vụ
trưởng Vụ Kế hoạch, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ, Ủy ban
nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ liên quan;
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
- Ban Cán sự Đảng Bộ;
- UBND, Sở NN&PTNT các tỉnh, TP vùng ĐBSCL;
- Hội nghề cá, VASEP, Hiệp hội cá Tra Việt Nam;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ NN&PTNT;
- Lưu: VT, TCTS.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRUỞNG
Vũ Văn Tám
|