Quyết định 384/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi tỉnh Bình Thuận đến năm 2020

Số hiệu 384/QĐ-UBND
Ngày ban hành 06/02/2013
Ngày có hiệu lực 06/02/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Lê Tiến Phương
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 384/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 06 tháng 02 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CHĂN NUÔI TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Thông tư số 01/2012/TT-BKHĐT ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 40/2012/QĐ-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành quy định trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu cấp tỉnh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 07/TTr-SNN ngày 15 tháng 01 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, với các nội dung chính sau:

I. Quan điểm phát triển:

1. Phát triển chăn nuôi của tỉnh Bình Thuận trở thành ngành sản xuất hàng hóa quan trọng trong ngành nông nghiệp của tỉnh, giảm hình thức nuôi nhỏ lẻ, lạc hậu, nằm phân tán trong khu dân cư tập trung sang hình thức chăn nuôi quy mô tập trung theo phương châm nuôi công nghiệp và bán công nghiệp ở quy mô lớn gia trại, trang trại và doanh nghiệp nằm trong các vùng quy hoạch, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế tự nhiên của tỉnh. Áp dụng công nghệ mới (công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới,…) tăng nhanh số lượng và chất lượng sản phẩm chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả, bền vững.

2. Phát triển chăn nuôi hàng hóa, gắn sản xuất với hệ thống giết mổ, chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ. Hình thành các vùng chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô hợp lý đối với một số loại vật nuôi thế mạnh của tỉnh, từng bước nhân rộng mô hình chăn nuôi tiến tiến, liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng.

3. Khuyến khích phát triển hộ chăn nuôi tập trung, trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia súc - gia cầm phù hợp với quy mô và điều kiện theo phân vùng quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi được duyệt của tỉnh và từng huyện, thị xã, thành phố; gắn kết chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi - giết mổ - chế biến - tiêu thụ đảm bảo đạt các tiêu chí an toàn dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm gắn trách nhiệm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

4. Bố trí, sắp xếp lại hệ thống giết mổ theo hướng giảm số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, tăng quy mô công suất gắn liền với đổi mới dây chuyền thiết bị đồng bộ, công nghệ giết mổ gia súc, gia cầm tiên tiến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; gắn với quy hoạch lại hệ thống các kênh tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, trong đó khu vực kinh doanh thịt gia súc, gia cầm có vị trí riêng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm soát tốt dịch bệnh.

II. Mục tiêu phát triển:

1. Mục tiêu tổng quát:

a) Xây dựng và phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh Bình Thuận theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng nuôi tập trung phù hợp với điều kiện và trình độ nuôi của từng địa phương, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản chuyển sang phương thức nuôi trang trại, công nghiệp, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm;

b) Nâng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 15% năm 2015 và đạt 21% năm 2020;

c) Các cơ sở chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm tập trung có hệ thống xử lý chất thải, bảo vệ và giảm ô nhiễm môi trường.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của tỉnh đạt 8,32%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và 8,41%/năm giai đoạn 2016 - 2020;

b) Năm 2015 sản lượng thịt các loại đạt 46,8 ngàn tấn và trứng gia cầm đạt 60 triệu quả; năm 2020 sản lượng thịt các loại đạt 65,6 ngàn tấn và trứng gia cầm đạt 90 triệu quả;

c) Phấn đấu đưa tỷ lệ đàn heo nuôi tập trung so với tổng đàn đạt 45% (năm 2015) và 70% (năm 2020); đàn gia cầm đạt 40% (năm 2015) và 65% (năm 2020);

d) Nâng tỷ lệ xuất chuồng giết thịt của đàn bò từ 0,28 lần (năm 2011) lên 0,29 lần (năm 2015 và năm 2020); nâng trọng lượng xuất chuồng bình quân từ 160 kg/con (năm 2011) lên 194 kg/con (năm 2015) và 200 kg/con (năm 2020);

đ) Nâng tỷ lệ xuất chuồng giết thịt của đàn heo từ 1,16 lần (năm 2011) lên 1,24 lần (năm 2015) và 1,40 lần (năm 2020); nâng trọng lượng xuất chuồng bình quân từ 75 kg/con (năm 2011) lên 80 kg/con (năm 2015) và 92 kg/con (năm 2020);

e) Nâng tỷ lệ xuất chuồng giết thịt của đàn gia cầm từ 0,72 lần (năm 2011) lên 1,0 lần (năm 2015) và 1,5 lần (năm 2020); nâng trọng lượng xuất chuồng bình quân từ 1,74 kg/con (năm 2011) lên 1,8 kg/con (năm 2015) và 2 kg/con (năm 2020);

f) Nâng tỷ lệ xuất chuồng giết thịt của đàn dê, cừu từ 0,7 lần (năm 2011) lên 1,40 lần (năm 2015) và 1,50 lần (năm 2020); nâng trọng lượng xuất chuồng bình quân từ 26 kg/con (năm 2011) lên 35 kg/con (năm 2015) và 45 kg/con (năm 2020).

[...]