Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 1350/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020

Số hiệu 1350/QĐ-UBND
Ngày ban hành 25/07/2012
Ngày có hiệu lực 25/07/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Đặng Minh Ngọc
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1350/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 25 tháng 7 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020;

Căn cứ các Quyết định của UBND tỉnh: Số 978/QĐ-UBND ngày 30/5/2007 về việc phê duyệt đề án chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung (2007 - 2010); số 979/QĐ-UBND ngày 30/5/2007 về việc phê duyệt Chương trình phát triển chăn nuôi bò thịt thuộc đề án Quy hoạch phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế vùng bãi tỉnh Hưng Yên đến 2010, định hướng đến 2015; số 493/QĐ-UBND ngày 27/02/2010 về việc phê duyệt đề cương quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020; số 1497/QĐ-UBND ngày 30/8/2011 về việc phê duyệt tiếp tục thực hiện đề án phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc gia cầm tập trung giai đoạn 2011 - 2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 58/TTr-NN ngày 29/5/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển:

- Phát triển chăn nuôi phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển nông nghiệp nông thôn nói riêng của tỉnh Hưng Yên đến năm 2020.

- Phát triển chăn nuôi tập trung theo phương thức trang trại là nhu cầu khách quan, là con đường tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng và tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hoá lớn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Chăn nuôi trang trại tập trung là một trong những giải pháp góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhằm kiểm soát được dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh dịch cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng gia súc đang diễn biến phức tạp ở nước ta.

- Phát triển chăn nuôi tập trung sẽ đáp ứng tốt nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng của tỉnh, mặt khác tạo ra nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

- Tổ chức lại sản xuất ngành chăn nuôi tập trung, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện an sinh xã hội, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Tập trung phát triển sản phẩm chăn nuôi có lợi thế và khả năng cạnh tranh như lợn thịt, bò thịt, gia cầm; lấy phát triển chăn nuôi đại gia súc làm mũi nhọn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành chăn nuôi.

- Khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp; đồng thời chuyển dần phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống sang phương thức chăn nuôi trang trại, công nghiệp.

2. Mục tiêu:

2.1. Mục tiêu chung:

- Xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung lợn, bò thịt, gia cầm, tạo ra bước đột phá về phương thức và kỹ thuật chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ; nâng cao hiệu quả và gia tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi; sản xuất ra những sản phẩm chăn nuôi có chất lượng cao, giá thành hợp lý, có khả năng cạnh tranh trên thị trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Khai thác triệt để các lợi thế về lao động, đất đai và các giống vật nuôi phù hợp ở các vùng sinh thái để đẩy nhanh tốc độ phát triển chăn nuôi, đưa tỷ trọng chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp lên 50% năm 2015 và 55% năm 2020.

- Chủ động kiểm soát và khống chế được các dịch bệnh nguy hiểm, nhất là dịch tai xanh, bệnh lở mồm long móng gia súc, cúm gia cầm, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ những hoạt động chăn nuôi, giết mổ động vật, vận chuyển và kinh doanh thực phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm chăn nuôi, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ tốt nhất đàn gia súc, gia cầm.

- Kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hệ thống sản xuất, cung ứng giống vật nuôi chất lượng cao theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, để tăng nhanh năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, nhằm chủ động nguồn giống chất lượng cao an toàn dịch bệnh cho sản xuất đại trà.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

2.2.1. Giai đoạn 2011 - 2015:

Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng sản xuất ngành chăn nuôi, bình quân đạt 7,5%/năm thời kỳ 2011 - 2015. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi (giá TT) năm 2015 đạt 8.191.872 triệu đồng, chiếm 50,1% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Các chỉ tiêu cụ thể như sau:

- Nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm: Tỷ lệ lợn hướng nạc chiếm 65 - 75% tổng đàn lợn; bò lai chiếm 96,7% tổng đàn; bò thịt chất lượng cao chiếm 25 - 30% tổng đàn; tỷ lệ gia cầm giống mới đạt 50%.

- Phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại. Tỷ lệ chăn nuôi tập trung: 30 - 35% tổng đàn lợn, 25% tổng đàn bò, 20 - 25% tổng đàn gia cầm.

[...]