Quyết định 3822/QĐ-UBND năm 2023 về Kế hoạch Phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bình Định

Số hiệu 3822/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/10/2023
Ngày có hiệu lực 18/10/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Lâm Hải Giang
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3822/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 18 tháng 10 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2023 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Người khuyết tật ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh;

Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế ngày 13 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01 tháng 11 năm 2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Công văn số 4560/BYT-KCB ngày 21/7/2023 của Bộ Y tế về việc xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống Phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Văn bản số 1315/BB-BYT ngày 10/10/2023 về Hội nghị triển khai Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống Phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 220/TTr-SYT ngày 15/10/2023 và ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị, địa phương liên.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch Phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Bình Định và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lâm Hải Giang

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2023 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3822/QĐ-UBND ngày 18/10/2023 của UBND tỉnh Bình Định)

Phần I

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HỆ THỐNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2014 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

I. THỰC TRẠNG VỀ NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỈNH BÌNH ĐỊNH

Theo kết quả số liệu khảo sát việc triển khai thực hiện công tác phục hồi chức năng trên địa bàn tỉnh từ ngày 31/7 đến 15/8/2023 của Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng và Hệ thống thông tin quản lý sức khỏe, phục hồi chức năng người khuyết tật của Bộ Y tế, đến thời điểm 31/7/2023, toàn tỉnh Bình Định có 34.355 người khuyết tật, chiếm tỷ lệ 2,25% dân số. Trong đó: Về giới tính có 20.234 người nam (58,9%), 14.121 người nữ (41,1%); Về độ tuổi có 332 trẻ dưới 6 tuổi (0,97%), 1.196 trẻ từ 6 - 15 tuổi (3,48%), 16.424 người từ 16 - 59 tuổi (47,81%), 16.403 người từ 60 tuổi trở lên (47,75%). Theo phân loại khuyết tật có 16.508 người khuyết tật về vận động (48,05%), 3.053 người khuyết tật về nghe, nói (8,89%), 3.496 người khuyết tật về nhìn (10,18%), 4.503 người khuyết tật về thần kinh, tâm thần (13,11%), 3.246 người khuyết tật về trí tuệ (9,45%), 3.549 người khuyết tật khác (10,33%). Nguyên nhân khuyết tật 11,9% là do bẩm sinh; 48,8% là do mắc phải và 39,3% chưa xác định được nguyên nhân (Phụ lục 1: Tình hình người khuyết tật và phân loại khuyết tật)

Về nhu cầu về hỗ trợ y tế: 29.083 người (84,65%), trong đó 5.744 người có nhu cầu khám xác định khuyết tật ở tuyến trên (từ tuyến huyện trở lên) (19,75%), 4.639 người có nhu cầu khám bệnh ở tuyến trên (15,95%), 2.183 người có nhu cầu cấp kinh phí khám, điều trị (7,51%), 8.096 người có nhu cầu cấp thẻ bảo hiểm y tế (27,84%), 3.008 người có nhu cầu tập phục hồi chức năng (10,34%), 89 người có nhu cầu phục hồi chức năng được bảo hiểm y tế chi trả (0,31%), 5.194 người có nhu cầu dụng cụ phục hồi chức năng (17,86%), 18 người cần phẫu thuật chỉnh hình (0,06%), 112 người có nhu cầu khác về y tế (0,39%) (Phụ lục 2: Nhu cầu trợ giúp về y tế của người khuyết tật).

II. THỰC TRẠNG HỆ THỐNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH QUỐC GIA PHÁT TRIỂN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2014 - 2020

1. Thực trạng hệ thống phục hồi chức năng tỉnh Bình Định

a) Hệ thống tổ chức phục hồi chức năng trên địa bàn tỉnh:

Hệ thống tổ chức phục hồi chức năng của tỉnh hiện có: Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn, Bệnh viện Tâm thần có khoa Phục hồi chức năng độc lập; 10/11 Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là huyện) có khoa ghép Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng hoặc tổ phục hồi chức năng lồng ghép với các khoa lâm sàng khác.

[...]