Quyết định 3779/QĐ-BYT năm 2019 hướng dẫn thực hiện quản lý suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 3779/QĐ-BYT
Ngày ban hành 26/08/2019
Ngày có hiệu lực 26/08/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Viết Tiến
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3779/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 26 tháng 8 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUẢN LÝ SUY DINH DƯỠNG CẤP TÍNH Ở TRẺ EM TỪ 0 ĐẾN 72 THÁNG TUỔI

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Quyết định số 226/QĐ-TTg ngày 22/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này hướng dẫn thực hiện quản lý suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Chánh thanh tra Bộ, Thủ trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế; Giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng Bộ Y tế (để báo cáo);
- Các thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, BMTE

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Viết Tiến

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN QUẢN LÝ SUY DINH DƯỠNG CẤP TÍNH Ở TRẺ EM TỪ 0 ĐẾN 72 THÁNG TUỔI
(Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-BYT ngày tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

I. SỰ CẦN THIẾT CỦA HƯỚNG DẪN

Suy dinh dưỡng (SDD) cấp tính là tình trạng bệnh lý mà cơ thể không nhận đủ năng lượng và đạm theo nhu cầu do cung cấp thiếu hoặc do bệnh lý, gây tình trạng trẻ bị giảm cân nhanh (gầy mòn) hoặc bị phù. Nguy cơ tử vong của trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng cao gấp từ 5-20 lần so với trẻ bình thường và có thể là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong ở trẻ hoặc có thể đóng vai trò gián tiếp kéo dài ngày điều trị, làm tăng nhanh nguy cơ tử vong ở những trẻ bị mắc các bệnh phổ biến như tiêu chảy và viêm phổi. Trong những năm qua, Việt Nam đã giảm được tỷ lệ SDD nhẹ cân đạt Mục tiêu Thiên niên kỷ nhưng SDD cấp tính vẫn giữ ở mức dao động 6 - 7% với tốc độ giảm chậm và vẫn cao hơn Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và Kế hoạch hành động dinh dưỡng quốc gia đến 2020. Gánh nặng SDD cấp tính tập trung ở những vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và khu vực đông dân cư, tỷ lệ này tăng cao hơn khi xảy ra những vấn đề về dinh dưỡng khẩn cấp.

Trẻ em bị SDD cấp tính được quản lý, điều trị tại cả bệnh viện và cộng đồng theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh SDD cấp tính ở trẻ em từ 0-72 tháng tuổi được ban hành tại Quyết định số 4487/QĐ-BYT ngày 18/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Trẻ em bị SDD cấp tính có biến chứng được tiếp nhận điều trị nội trú tại bệnh viện từ tuyến huyện trở lên. Trẻ em bị SDD dinh dưỡng cấp tính không có biến chứng thì tùy theo mức độ sẽ được tiếp nhận và điều trị tại trạm y tế xã: Mức độ nặng được điều trị Ngoại trú, mức độ vừa được điều trị dự phòng/duy trì. Hoạt động quản lý, điều trị SDD cấp tính là một trong những hoạt động chuyên môn tại các cơ sở y tế.

Hướng dẫn thực hiện này sẽ cung cấp các nội dung mang tính thực hành và công cụ để triển khai các hoạt động nhằm cải thiện chất lượng quản lý thông qua tăng tỷ lệ hồi phục, giảm số lượng tử vong/bỏ cuộc hoặc thất bại trong điều trị, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ và độ bao phủ của can thiệp. Hướng dẫn cũng góp phần cải thiện việc chuẩn hóa quản lý, điều trị, giám sát và báo cáo can thiệp lồng ghép vào các hoạt động của y tế/dinh dưỡng của y tế cơ sở và các cơ sở khám chữa bệnh khác.

Đối tượng sử dụng hướng dẫn là cán bộ y tế, cán bộ làm công tác dinh dưỡng và cán bộ quản lý ở các cấp từ tuyến cơ sở trở lên.

II. PHẠM VI THỰC HIỆN, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Phạm vi thực hiện: Hướng dẫn việc thực hiện quản lý SDD cấp tính trẻ em tại trạm y tế xã, phường, thị trấn và Bệnh viện (từ tuyến Huyện trở lên) bao gồm các nội dung thực hiện, cơ sở vật chất và năng lực để triển khai hoạt động.

2. Đối tượng áp dụng: trẻ em 0-72 tháng tuổi bị SDD cấp tính theo tiêu chuẩn chẩn đoán của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh SDD cấp tính ở trẻ em 0-72 tháng tuổi,

III. QUẢN LÝ SUY DINH DƯỠNG CẤP TÍNH TẠI TUYẾN XÃ

Trẻ em được xác định mắc Suy dinh dưỡng cấp tính không có biến chứng được quản lý và điều trị tại trạm y tế xã. Trạm y tế cần đẩy mạnh công tác huy động cộng đồng và truyền thông giáo dục dinh dưỡng trước khi thực hiện và duy trì trong suốt thời gian quản lý và điều trị trẻ. Tiếp đó, trạm y tế thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn bao gồm: Tổ chức sàng lọc và chuyển tuyến; Tiếp nhận và quản lý trẻ tại trạm y tế; Theo dõi trẻ tại hộ gia đình; Theo dõi, giám sát và báo cáo.

1. Huy động cộng đồng – Truyền thông giáo dục dinh dưỡng

1.1. Nội dung thực hiện:

- Mời lãnh đạo các ban ngành đoàn thể tham dự các buổi truyền thông.

[...]