Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 3724/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020

Số hiệu 3724/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/08/2012
Ngày có hiệu lực 17/08/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Thị Bích Ngọc
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3724/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 17 tháng 08 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND số 11/2003/QH11 ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14/6/2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25/11/2009;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về việc lập, thẩm định và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch phát triển sản phẩm chủ yếu; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 22/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1081/QĐ-TTg ngày 06/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 581/TTr-KHĐT ngày 17/8/2012,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020 với nội dung cơ bản sau đây:

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển nhân lực là một trong những mục tiêu phát triển hàng đầu của thành phố Hà Nội. Xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao đảm bảo thực hiện mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và có vị trí cao trong khu vực về phát minh, sáng chế và ứng dụng khoa học - công nghệ, có cơ cấu kinh tế chủ yếu là các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao và công nghệ cao.

b) Phát triển nhân lực là yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định, vừa là yêu cầu vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. Phát triển nhân lực là một trong những động lực quan trọng để Hà Nội hoàn thành sớm công nghiệp hóa - hiện đại hóa so với cả nước và là nhân tố quyết định phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh, hài hòa và bền vững.

c) Hà Nội là trung tâm đào tạo nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao lớn nhất của cả nước. Phát triển nhân lực của Hà Nội chú trọng đến nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Bắc bộ và cả nước. Đặc biệt chú ý tới các cơ chế chính sách nhằm nuôi dưỡng, thu hút và phát huy vai trò của đội ngũ nhân tài phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô và cả nước.

d) Phát triển nhân lực Hà Nội phải đảm bảo tính hệ thống, tính liên tục theo yêu cầu phát triển toàn diện (bao gồm cả thể lực, trí lực, tâm lực, kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, phẩm chất đạo đức, sự thích nghi cũng như sự hiểu biết về pháp luật) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và tăng sức cạnh tranh của nhân lực thủ đô trong quá trình hội nhập quốc tế.

e) Phát triển nhân lực Hà Nội dựa trên cơ sở nâng cao hiệu quả từ đào tạo tới sử dụng nhân lực. Xác định rõ mục tiêu, đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy; đầu tư hoàn thiện các điều kiện phát triển nhân lực, quy hoạch hệ thống đào tạo phù hợp để đáp ứng nhân lực trên các lĩnh vực, cấp độ và vùng miền theo kịp trình độ khu vực và quốc tế. Chú trọng tới hiệu quả sử dụng nhân lực đúng với trình độ đào tạo và năng lực của người lao động.

g) Kết hợp khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, nguồn lực trong nước và ngoài nước với tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước và xã hội trong việc phát triển nhân lực Hà Nội.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu tổng quát

- Phát triển nhân lực có cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp và yêu cầu phục vụ và quản lý xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng trong điều kiện công nghệ hóa, quốc tế hóa, và tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp.

- Phát triển nhân lực có trình độ chuyên môn cao, có phẩm chất đạo đức, nhân cách tốt, có tác phong chuyên nghiệp, có năng lực nghề nghiệp cao, thành thạo kỹ năng, năng động, sáng tạo nhằm thực hiện tốt nhất vai trò của Hà Nội là trung tâm khoa học - kỹ thuật của cả nước, là trung tâm đào tạo và cung cấp nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Bắc, cho cả nước và đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới.

2.2. Mục tiêu cụ thể

Tăng tỷ lệ nhân lực qua đào tạo từ 35% tổng lực lượng lao động năm 2011 lên 55% năm 2015 và 75% năm 2020. Trong nhân lực qua đào tạo, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 10% năm 2011 lên 20% năm 2015 và 35% năm 2020; tỷ lệ lao động có trình độ đại học cao đẳng đạt mức 20% năm 2015 và 30% năm 2020; tỷ lệ lao động có trình độ sau đại học đạt 2,5% năm 2015 và 3,5% năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020, 98% đội ngũ cán bộ, công chức cấp thành phố, quận, huyện, thị xã có trình độ đại học.

- Nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên đến năm 2020 có ít nhất 30% giáo viên ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và 50% giáo viên ở các trường cao đẳng nghề có trình độ thạc sỹ trở lên; có 70% giảng viên cao đẳng có trình độ thạc sỹ, trong đó có 15% trình độ tiến sỹ; có 100% giảng viên đại học có trình độ thạc sỹ trở lên, trong đó có 50% là tiến sỹ.

Tăng số người qua đào tạo nghề giai đoạn 2011 - 2015 từ khoảng 120.000 - 130.000 người mỗi năm, lên 160.000 - 180.000 người giai đoạn 2016 - 2020.

3. Quy hoạch phát triển nhân lực các ngành, lĩnh vực

Quy hoạch nhân lực theo trình độ đào tạo; Quy hoạch nhân lực ngành, lĩnh vực theo trình độ đào tạo; Quy hoạch nhu cầu nhân lực qua đào tạo cần bổ sung; Quy hoạch số lượng và cơ cấu nhân lực qua đào tạo nhóm ngành cần bổ sung (chi tiết theo phụ biểu đính kèm).

[...]