Quyết định 222/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 222/QĐ-TTg
Ngày ban hành 22/02/2012
Ngày có hiệu lực 22/02/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 222/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 02 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội ngày 28 tháng 12 năm 2000;

Căn cứ Nghị định số 92/2005/NĐ-CP ngày 12 tháng 07 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chủ yếu sau:

I. VỊ THẾ, CHỨC NĂNG

1. Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở, cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể; cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và là nơi diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng nhất của đất nước.

2. Trung tâm văn hóa lớn của cả nước và bản sắc trong khu vực; hội tụ tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến, hiện đại của Thủ đô và tiêu biểu của cả nước; khởi phát, sáng tạo, phát triển nền văn hóa tiên tiến, hiện đại, đa dạng và đặc trưng của Thủ đô, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

3. Trung tâm khoa học, giáo dục, đào tạo, y tế lớn của cả nước và có uy tín trong khu vực; đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ trên phạm vi cả nước; có nền giáo dục, đào tạo và y tế tiên tiến, hiện đại; là địa bàn tập trung nhiều cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nơi tạo dựng, bồi dưỡng và phát triển nhân tài cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và cả nước.

4. Trung tâm kinh tế, tài chính lớn; đóng góp quan trọng vào tăng cường kinh tế cả nước, là động lực phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng Sông Hồng; đi đầu trong xây dựng, phát triển kinh tế tri thức với các ngành kinh tế tiên tiến, hiện đại, năng suất cao, hiệu quả lớn; phát triển kinh tế Hà Nội có tác dụng đi đầu, hỗ trợ các tỉnh trong vùng cùng phát triển.

5. Trung tâm giao dịch quốc tế chính của cả nước và có uy tín trong khu vực; là thành phố quốc tế, nơi đặt trụ sở các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia; nơi tổ chức các sự kiện quốc tế lớn và hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của đất nước.

II. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển nhanh, hài hòa, bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình xây dựng, phát triển Hà Nội; đặt con người vào vị trí trung tâm phát triển; kết hợp hài hòa các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng trưởng kinh tế đi đôi với đảm bảo trật tự, văn minh, tiến bộ và công bằng xã hội.

2. Xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội là trọng điểm trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; phát huy đồng bộ sức mạnh tổng hợp của Thủ đô Hà Nội, của cả nước và hợp tác quốc tế trong quá trình phát triển; khai khác nguồn lực trong nước là quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng.

3. Phát triển kinh tế - xã hội được gắn kết chặt chẽ trong mối quan hệ hữu cơ với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước, quy hoạch phát triển các vùng và hội nhập kinh tế quốc tế.

4. Quán triệt phương châm: phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là nhiệm vụ then chốt; quản lý đô thị là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng; xác định đúng trọng tâm, các khâu đột phá, có những giải pháp năng động, sáng tạo và hiệu quả; phải có bước đi thích hợp trong từng giai đoạn để kết hợp hài hòa giải quyết các vấn đề cấp bách với kiên trì thực hiện các mục tiêu dài hạn.

5. Gắn kết phát triển kinh tế, xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, với tiến trình mở rộng, tăng cường hợp tác, liên kết và hội nhập quốc tế.

III. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu dài hạn - tầm nhìn đến năm 2050

Hà Nội là Thủ đô và là đô thị đặc biệt, văn hiến, văn minh, thanh lịch, đẹp, giàu bản sắc dân tộc và hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng là trái tim của cả nước, đầu não, chính trị - hành chính quốc gia của một nước phát triển với khoảng 110 - 115 triệu dân; người dân có mức sống cao về vật chất và tinh thần, có tính cách thân thiện, hữu nghị và mến khách; các khu trung tâm chính trị, trung tâm hành chính quốc gia, khu ngoại giao đoàn và tổ chức quốc tế, trung tâm quốc tế, khách sạn cao cấp, hệ thống thông tin quốc tế… được xây dựng theo quy hoạch, điều kiện làm việc tốt, được bảo vệ an toàn tuyệt đối.

Trung tâm văn hóa lớn, nơi hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống, hiện đại, giàu bản sắc Hà Nội và Việt Nam; trung tâm sáng tạo văn học - nghệ thuật lớn, tiêu biểu của cả nước; trung tâm văn hóa đặc sắc, hấp dẫn của khu vực; hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Trung tâm sáng tạo hàng đầu của cả nước với nhiều lĩnh vực đạt trình độ quốc tế: văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; khoa học - công nghệ tiên tiến, hiệu quả cao; giáo dục, đào tạo tiên tiến, hiện đại; y tế chuyên sâu chất lượng cao hàng đầu cả nước và có uy tín trong khu vực.

Trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, thương mại và du lịch lớn nhất ở phía Bắc, thứ hai của cả nước và có vị trí cao trong khu vực; kinh tế tri thức phát triển với cơ cấu hiện đại, năng động và hiệu quả; môi trường đầu tư và kinh doanh tốt, đạt chuẩn quốc tế; về cơ bản không còn khoảng cách giữa đô thị và nông thôn.

Hệ thống kết cấu hạ tầng đa dạng, hiện đại, đồng bộ liên hoàn kết nối thông suốt trong thành phố và với tất cả các địa phương trong nước và quốc tế.

[...]