Quyết định 1081/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1081/QĐ-TTg
Ngày ban hành 06/07/2011
Ngày có hiệu lực 06/07/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1081/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 06 tháng 07 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; đảm bảo thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực; xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội thành động lực thúc đẩy phát triển đất nước.

2. Phát huy nội lực, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, trong đó khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô là nhân tố quyết định, tranh thủ nguồn lực bên ngoài là quan trọng.

3. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xây dựng, quản lý đô thị với phát triển các lĩnh vực xã hội, giáo dục - đào tạo; y tế, văn hóa, gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế là nhiệm vụ nền tảng và liên tục, xây dựng và quản lý đô thị là nhiệm vụ trọng tâm và phát triển xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm cho phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững.

4. Ưu tiên đầu tư vào những ngành, lĩnh vực tạo thế và lực cho phát triển (kết cấu hạ tầng then chốt, lĩnh vực và sản phẩm chủ lực, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực); đầu tư có trọng điểm vào một số lĩnh vực mà Thành phố có lợi thế cạnh tranh như du lịch, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao… để nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

5. Thực hiện phát triển bền vững, gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng, phát triển Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, đảm bảo thực hiện chức năng là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học, công nghệ, giao thương và kinh tế lớn của cả nước. Bảo tồn và phát huy giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tiêu biểu cho trí tuệ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; thiết lập các cơ sở hàng đầu của đất nước về nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao. Có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, môi trường bền vững. Bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế của Thủ đô trong khu vực và quốc tế được nâng cao.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về kinh tế

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2011 - 2015 đạt 12 - 13%/năm, thời kỳ 2016 - 2020 đạt khoảng 11 - 12% và thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 9,5 - 10%.

- Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người của Hà Nội đạt 4.100 - 4.300 USD; đến năm 2020 đạt khoảng 7.100 - 7.500 USD, năm 2030 đạt khoảng 16.000 - 17.000 USD (tính theo giá thực tế). Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp; dịch vụ chất lượng cao đóng vai trò trọng yếu trong cơ cấu kinh tế Thành phố.

Đến năm 2015, trong cơ cấu kinh tế: tỷ trọng dịch vụ chiếm 54 - 55%, công nghiệp - xây dựng chiếm 41 - 42% và nông nghiệp là 3 - 4%. Năm 2020, khu vực dịch vụ chiếm 55,5 - 56,6%, công nghiệp - xây dựng chiếm 41 - 42% và nông nghiệp là 2 - 2,5%. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu trên địa bàn bình quân là 14 - 15%/năm thời kỳ 2011 - 2015 và 13 - 14% thời kỳ 2016 - 2020.

b) Về xã hội

- Quy mô dân số đến năm 2015 đạt 7,2 - 7,3 triệu người, năm 2020 khoảng 7,9 - 8,0 triệu người, đến năm 2030 khoảng 9,2 triệu người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 55% vào năm 2015 và 70 - 75% vào năm 2020.

- Phát triển giáo dục và đào tạo trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao của cả nước và có tầm cỡ khu vực. Tỷ lệ trường (từ mầm non đến trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia khoảng 50 - 55% vào năm 2015 và đạt 65 - 70% vào năm 2020; Chú trọng giáo dục hướng nghiệp, phát triển đào tạo nghề, nhất là đào tạo công nhân kỹ thuật cao phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế  Thủ đô và phục vụ xuất khẩu lao động.

- Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

- Phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, tăng tuổi thọ cho nhân dân. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân còn dưới 11% vào năm 2015 và dưới 8% vào năm 2020. Giảm hộ nghèo bình quân 1,5 - 1,8% giai đoạn 2011 - 2015 và 1,4 - 1,5% giai đoạn 2016 - 2020.

- Tỷ lệ đô thị hóa năm 2015 khoảng 46 - 47%, năm 2020 đạt 58 - 60%, đến năm 2030 đạt khoảng 65 - 68%. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2015 có 40 - 45%, năm 2020 đạt 70% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.

c) Về kết cấu hạ tầng và bảo vệ môi trường

- Xây dựng thành phố Hà Nội xanh, sạch, đẹp, văn minh. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị được cải tạo và xây dựng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, phấn đấu đến giai đoạn 2015 - 2020 đưa vào vận hành ít nhất 2 tuyến đường sắt đô thị; đến năm 2020 vận tải hành khách công cộng đáp ứng 35 - 45% nhu cầu đi lại của nhân dân.

[...]