THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 366/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH
VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày
25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật chứng khoán ngày 29
tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán ngày
24 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 29
tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 252/QĐ-TTg
ngày 01 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển
thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011- 2020;
Căn cứ Quyết định số 1826/QĐ-TTg
ngày 06 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cấu trúc
thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm”;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài
chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển thị trường
chứng khoán phái sinh Việt Nam” với những nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM VÀ
NGUYÊN TẮC
1. Xây dựng và phát triển thị trường
chứng khoán phái sinh tại Việt Nam dựa trên các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế,
phù hợp với điều kiện thực tế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất
nước.
2. Xây dựng thị trường chứng khoán
phái sinh theo mô hình tập trung, hoạt động thống nhất dưới sự quản lý của Nhà
nước, không để thị trường chứng khoán phái sinh tự do hình thành và hoạt động tự
phát.
3. Lựa chọn và chuẩn hóa các chứng
khoán phái sinh giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán là các hợp đồng tương
lai, hợp đồng quyền chọn dựa trên các chứng khoán cơ sở là chỉ số thị trường chứng
khoán, trái phiếu
Chính phủ, cổ phiếu niêm yết. Các chứng
khoán phái sinh được đưa vào giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán theo lộ
trình từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với sự phát triển của thị trường chứng
khoán và nhu cầu của thị trường. Trước mắt, tập trung phát triển thị trường
giao dịch các chứng khoán phái sinh dựa trên chỉ số chứng khoán, trái phiếu
Chính phủ, cổ phiếu.
4. Xây dựng và phát triển thị trường
chứng khoán phái sinh gắn với chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, đảm bảo nguyên
tắc: (i) Phù hợp với định hướng phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam và
tái cấu trúc thị trường chứng khoán, đặc biệt phải đồng bộ
và thống nhất với các sản phẩm cơ bản (chứng khoán cơ sở), phù hợp với công tác
tái cấu trúc các Sở giao dịch chứng khoán và phân định các khu vực thị trường
cơ sở giao dịch cổ phiếu, trái phiếu theo chiến lược phát triển thị trường chứng
khoán đến năm 2020; (ii) Từng bước thiết lập cấu trúc thị trường chứng khoán hợp
lý, bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán cơ sở với thị trường
chứng khoán phái sinh; (iii) Hoạt động thị trường công khai, minh bạch, hiệu quả
và an toàn; (iv) Cơ chế, quản lý giám sát chặt chẽ và hướng tới bảo vệ lợi ích
của nhà đầu tư; (v) Từng bước liên kết với các thị trường chứng khoán trong khu
vực Asean; (vi) Phát triển thị trường theo chiều sâu, tăng
cường năng lực và sức cạnh tranh đối với các thị trường trong khu vực.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
- Xây dựng thị trường chứng khoán
phái sinh là bước kế tiếp nhằm hoàn chỉnh cấu trúc thị trường chứng khoán, hỗ
trợ sự phát triển bền vững các thị trường chứng khoán cơ sở (thị trường cổ phiếu,
thị trường trái phiếu), góp phần thúc đẩy sự phát triển và tăng cường vai trò của thị trường chứng khoán trong
thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung, đưa thị trường chứng
khoán trở thành kênh huy động vốn an toàn, dài hạn phục vụ cho tăng trưởng kinh
tế;
- Xây dựng thị trường chứng khoán
phái sinh để từng bước đa dạng hóa các sản phẩm giao dịch, phù hợp với tiến
trình phát triển của thị trường tài chính và đáp ứng nhu cầu đầu tư và quản lý
rủi ro của nhà đầu tư và các tổ chức phát hành, tăng tính cạnh tranh của thị
trường chứng khoán Việt Nam và từng bước hội nhập sâu hơn với các thị trường chứng
khoán trong khu vực và trên thế giới.
2. Mục tiêu cụ thể
Việc xây dựng và phát triển thị trường
chứng khoán phái sinh theo lộ trình phát triển các sản phẩm phái sinh từ đơn giản
đến phức tạp, đảm bảo khả năng quản lý, giám sát các rủi ro trên thị trường. Cụ
thể, qua từng giai đoạn sau:
- Giai đoạn 2013 -2015: Xây dựng
khung pháp lý, hoàn thiện hạ tầng cơ sở vật chất, công nghệ bao gồm hệ thống
giao dịch, thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh, hệ thống giám sát và công bố
thông tin tại các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và
thành viên thị trường, bảo đảm phù hợp với các sản phẩm phái sinh cơ bản và chuẩn
bị mọi điều kiện cần thiết để đưa vào hoạt động;
- Giai đoạn 2016 - 2020: Tổ chức vận
hành thị trường chứng khoán phái sinh. Trước mắt là các sản phẩm phái sinh dựa
trên chỉ số chứng khoán, trái phiếu Chính phủ và cổ phiếu;
- Giai đoạn sau 2020: Hoàn thiện và nâng
cao chất lượng hoạt động của thị trường chứng khoán phái sinh, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm giao dịch. Mở rộng đối tượng
thành viên tham gia thị trường, cải tiến hạ tầng công nghệ, nâng cao chất lượng
cơ sở nhà đầu tư, tiến tới xây dựng một thị trường chứng khoán phái sinh thống
nhất dựa trên các tài sản cơ sở theo thông lệ quốc tế, hoạt động công khai,
minh bạch, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của thị trường tài chính.
III. PHƯƠNG ÁN XÂY DỰNG THỊ TRƯỜNG
CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH TẠI VIỆT NAM
1. Tổ chức thị trường chứng khoán
phái sinh
- Thị trường chứng khoán phái sinh được
tổ chức dưới hình thức là một đơn vị thuộc Sở giao dịch chứng khoán;
- Trung tâm thanh toán bù trừ chứng
khoán phái sinh theo mô hình bù trừ đối tác trung tâm được tổ chức dưới hình thức
là một đơn vị trực thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, là tổ chức duy
nhất được thực hiện chức năng đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán tại
Việt Nam.
2. Mô hình tổ chức giao dịch chứng
khoán phái sinh
a) Loại chứng khoán phái sinh giao dịch
và tài sản cơ sở:
- Trong giai đoạn đầu phát triển thị
trường, các chứng khoán phái sinh được phép giao dịch tại Sở giao dịch chứng
khoán là các hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số thị trường chứng khoán và hợp đồng
tương lai dựa trên trái phiếu Chính phủ. Hợp đồng tương lai dựa trên cổ phiếu,
hợp đồng quyền chọn dựa trên chỉ số thị trường chứng khoán, trái phiếu Chính phủ
và cổ phiếu sẽ được tổ chức giao dịch khi thị trường phát triển ổn định;
- Về dài hạn các công cụ tài chính
phái sinh là hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn dựa trên tài sản cơ sở
là cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng tương lai tiền tệ và hàng hóa sẽ được tập
trung giao dịch thống nhất trên Sở giao dịch chứng khoán.
b) Hệ thống giao dịch chứng khoán
phái sinh
Hệ thống giao dịch chứng khoán phái
sinh được vận hành độc lập với hệ thống giao dịch cổ phiếu, trái phiếu trong hệ
thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán. Sở giao dịch chứng khoán tổ chức
và điều hành hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh.
3. Mô hình thanh toán
Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam
là tổ chức duy nhất thực hiện chức năng thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh
theo mô hình đối tác trung tâm thông qua Trung tâm Thanh toán bù trừ chứng
khoán phái sinh là đơn vị trực thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.
4. Thành viên giao dịch, thành viên
thanh toán bù trừ
a) Thành viên trên
thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam bao gồm:
- Thành viên giao dịch: Là công ty chứng
khoán, ngân hàng thương mại được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận hoạt động
giao dịch chứng khoán phái sinh và đáp ứng tiêu chuẩn thành viên giao dịch chứng
khoán phái sinh của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.
- Thành viên thanh toán, bù trừ: Là
các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đáp ứng yêu cầu là thành viên của
Trung tâm Thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh của Trung tâm Lưu ký chứng
khoán Việt Nam.
b) Thành viên của Trung tâm Thanh
toán bù trừ chứng khoán phái sinh bao gồm: (i) Thành viên thanh toán, bù trừ là
các công ty chứng khoán được cung cấp dịch vụ môi giới chứng khoán phái sinh và
được thực hiện thanh toán bù trừ cho các giao dịch môi giới và tự doanh chứng
khoán phái sinh; (ii) Thành viên bù trừ là các ngân hàng thương mại thực hiện
thanh toán bù trừ cho các giao dịch tự doanh chứng khoán phái sinh khi tham gia
làm thành viên trực tiếp của thị trường giao dịch phái sinh trái phiếu.
5. Mô hình giám sát
Công tác giám sát thị trường chứng
khoán phái sinh bao gồm: (i) Công tác giám sát thực hiện tại Ủy ban Chứng khoán
Nhà nước; (ii) Công tác giám sát thực hiện tại Sở giao dịch chứng khoán và
Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện
giám sát toàn bộ hoạt động thị trường chứng khoán phái sinh. Sở giao dịch chứng
khoán giám sát các hoạt động của thành viên và giao dịch chứng khoán phái sinh
trên Sở giao dịch chứng khoán. Trung tâm Lưu ký chứng khoán giám sát các hoạt động
của thành viên thanh toán bù trừ và các hoạt động thanh toán bù trừ chứng khoán
phái sinh.
IV. LỘ TRÌNH PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG
CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH TẠI VIỆT NAM
- Giai đoạn 1 (2013 - 2015): Xây dựng
khung pháp lý, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật để vận hành thị trường chứng
khoán phái sinh.
- Giai đoạn 2 (2016 - 2020): Tổ chức
giao dịch các chứng khoán phái sinh dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán (chỉ
số chứng khoán; trái phiếu Chính phủ, cổ phiếu).
- Giai đoạn 3 (sau 2020): Phát triển
thị trường chứng khoán phái sinh thống nhất dựa trên các tài sản cơ sở theo
thông lệ quốc tế.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Tài chính
a) Chủ trì và phối hợp với các Bộ,
ngành xây dựng Nghị định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán
phái sinh trình Chính phủ ban hành.
b) Ban hành các Thông tư hướng dẫn thực
hiện Nghị định.
c) Chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước,
Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán xây dựng các Quy chế,
quy định về sản phẩm, niêm yết, giao dịch, thanh toán bù trừ, giám sát giao dịch
chứng khoán phái sinh.
d) Chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước,
Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán triển khai xây dựng hệ
thống công nghệ thông tin cho thị trường chứng khoán phái sinh.
đ) Phối hợp với
các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện quyết định này theo thẩm quyền.
2. Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính trong việc xây dựng
khung pháp lý về thị trường chứng khoán phái sinh và lộ trình thống nhất giao dịch
tập trung các công cụ phái sinh tại Sở giao dịch chứng khoán.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của
các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục,
đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (3b).KN
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|