ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3614/QĐ-UBND
|
Hải Dương, ngày 05 tháng 12 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CÔNG TÁC PCI TỈNH HẢI DƯƠNG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP
ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi
trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 3574/QĐ-UBND
ngày 01 tháng 12 năm 2016 của UBND tỉnh về việc kiện toàn Tổ công tác PCI tỉnh Hải Dương thực hiện Đề án “Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh
(PCI) của tỉnh Hải Dương”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch
và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động
của Tổ công tác PCI tỉnh Hải Dương (có Quy chế kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở,
ban, ngành thuộc UBND tỉnh; Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; Hiệp hội Doanh nghiệp
nhỏ và vừa tỉnh;. Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã,
thành phố; các thành viên Tổ công tác PCI tỉnh và các đơn vị, cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch, các Phó Chủ
tịch UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử
tỉnh
- Trung tâm CB-TH VP
UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KHTH, CV.
Hùng (60b)
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Dương Thái
|
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CÔNG TÁC PCI TỈNH HẢI DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 3614/QĐ-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2016 của UBND tỉnh Hải Dương)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định nguyên tắc hoạt
động, chế độ làm việc và mối quan hệ công tác giữa các thành viên Tổ công tác
PCI tỉnh Hải Dương (sau đây gọi tắt là Tổ công tác) với
các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện Đề án “Nâng
cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016
- 2020” kèm theo Quyết định số 2556/QĐ-UBND ngày 20 tháng 9 năm 2016 của UBND tỉnh
(sau đây gọi tắt là Đề án).
Điều 2. Nhiệm vụ của Tổ công tác
Tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ
quy định tại Điều 3 Quyết định số 2894/QĐ-UBND ngày 18
tháng 10 năm 2016 của UBND tỉnh.
Điều 3. Nguyên tắc hoạt động của Tổ công tác
1. Các thành viên Tổ công tác hoạt động
theo nguyên tắc tuân thủ pháp luật; thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của cơ
quan nơi làm việc; nâng cao hiệu quả trong phối hợp hoạt động giữa các cơ quan
Nhà nước.
2. Thành viên Tổ công tác làm việc
theo chế độ kiêm nhiệm; khi tham dự cuộc họp, ý kiến tham gia của các thành
viên Tổ công tác là ý kiến chính thức của cơ quan mà thành viên đó đang công
tác.
- Các thành viên Tổ công tác làm việc
theo chế độ tập thể để giải quyết những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Tổ
công tác; trực tiếp giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của người dân
và doanh nghiệp về các nội dung liên quan tới cải cách hành chính, cải thiện
môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo chức
năng, nhiệm vụ của đơn vị mình.
- Đối với những vấn đề Tổ công tác đã
thống nhất kết luận, cơ quan Thường trực có trách nhiệm
đôn đốc, triển khai thực hiện theo đúng nội dung đã được thông qua. Đối với những vấn đề còn có ý
kiến khác nhau hoặc vượt quá thẩm quyền, cơ quan thường trực tổng hợp báo cáo
và đề xuất biện pháp xử lý trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Nhiệm vụ của các thành viên Tổ công tác
1. Tổ trưởng: Phụ
trách chung về hoạt động của Tổ công tác; chỉ đạo giải quyết các nội dung công
việc của Tổ công tác thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh.
2. Các Tổ phó:
2.1. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
là Thường trực Tổ công tác, giúp Tổ trưởng tổ công tác:
- Xây dựng kế hoạch
và theo dõi hoạt động của Tổ công tác theo chương trình, kế
hoạch công tác; chịu trách nhiệm về những vấn đề được giao.
- Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình
hình thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các Sở, ban, ngành, địa phương trên địa
bàn tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
- Khảo sát, nắm bắt khó khăn vướng mắc
của doanh nghiệp; tổng hợp, phân loại kiến nghị của doanh nghiệp báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác để chuyển, giao cho các Sở, ngành, cơ quan chức năng giải
quyết.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan,
tổ chức có liên quan đôn đốc, hướng dẫn các Sở, ban, ngành, địa phương và đề xuất
UBND tỉnh các giải pháp cải thiện chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” và chỉ số
“Cạnh tranh bình đẳng”;
- Phối hợp Thanh
tra tỉnh tổng hợp kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp của các Sở, ban,
ngành, địa phương để phát hiện thanh tra trùng lắp, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong quá trình
hoạt động của Tổ công tác; phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh
hỗ trợ doanh nghiệp trực tuyến.
- Thực hiện các nhiệm vụ thường
xuyên, đột xuất của Tổ công tác và các nhiệm vụ khác do Tổ
trưởng phân công.
2.2. Chánh Văn
phòng UBND tỉnh giúp Tổ trưởng Tổ công tác:
- Ban hành các văn bản giao việc cho
các Sở, ban, ngành, đơn vị; đôn đốc kết quả giải quyết kiến
nghị của doanh nghiệp.
- Quản lý số điện thoại, hộp thư điện
tử của Chủ tịch UBND tỉnh sử dụng trong việc tiếp nhận phản
ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và công dân, hồi âm tiến trình xử lý; tổng hợp
tình hình báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
- Chỉ đạo Cổng thông tin điện tử của
tỉnh tuyên truyền, quảng bá hoạt động của Tổ công tác, nêu gương các trường hợp
điển hình để doanh nghiệp và công dân biết, tin tưởng; tổ
chức hỗ trợ doanh nghiệp trực tuyến qua Cổng thông tin điện
tử tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và
các cơ quan, tổ chức có liên quan đôn đốc, hướng dẫn các Sở,
ban, ngành và đề xuất UBND tỉnh các giải pháp cải thiện chỉ số “Chi phí thời
gian để thực hiện các quy định của Nhà nước”; theo dõi, đề xuất giải pháp rút
ngắn thời gian, thủ tục làm việc của doanh nghiệp với cơ
quan hành chính nhà nước. Trực tiếp theo dõi, tổng hợp và
đề xuất UBND tỉnh các giải pháp cải thiện chỉ số “Tính năng động, tiên phong của
lãnh đạo tỉnh”.
- Thực hiện các nhiệm vụ thường
xuyên, đột xuất của Tổ công tác và các nhiệm vụ khác do Tổ trưởng phân công.
3. Các thành viên khác của Tổ công
tác:
3.1. Các thành viên là Giám đốc, Thủ
trưởng các Sở, ngành:
- Có nhiệm vụ giải quyết các kiến nghị,
khó khăn, vướng mắc triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo thẩm quyền và
chức năng của Sở, ngành, đơn vị; chỉ đạo tổng hợp kết quả gửi thường trực Tổ
công tác.
- Nghiên cứu, đề
xuất thực hiện các giải pháp và chịu trách nhiệm chính về từng chỉ tiêu, chỉ số
thành phần đã được phân công tại Đề án.
- Tham gia đầy đủ các cuộc họp định kỳ
hoặc đột xuất của Tổ công tác và tham gia có hiệu quả vào công tác chỉ đạo điều
hành của Tổ công tác.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổ
trưởng Tổ công tác phân công.
3.2. Các thành viên là Chủ tịch Hiệp
hội, Hội doanh nghiệp:
- Có nhiệm vụ nắm bắt kiến nghị, khó
khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hội viên đề nghị các Sở, ban, ngành, cơ quan
chức năng giải quyết; đồng thời gửi Thường trực Tổ công tác.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổ
trưởng Tổ công tác phân công.
Điều 5. Điện thoại, thư điện tử của Tổ công tác
1. Các thành viên Tổ công tác công bố
số điện thoại, thư điện tử để doanh nghiệp phản ánh.
2. Điện thoại, thư điện tử của Thường
trực Tổ công tác do Sở Kế hoạch và Đầu tư quản lý:
- Điện thoại của cán bộ tiếp nhận
thông tin: 03203.853574 hoặc 0903.468.117.
- Thư điện tử:
pci.haiduong@gmail.com.
Điều 6. Tổ chuyên viên giúp việc Tổ công tác (gọi tắt là
Tổ giúp việc)
1. Tổ giúp việc do Chủ tịch UBND tỉnh
(Tổ trưởng Tổ công tác) quyết định thành lập, gồm một số cán
bộ lãnh đạo cấp phòng tham gia giúp việc theo chức năng nhiệm vụ của Sở, ban,
ngành; nhiệm vụ cụ thể khác của các Tổ viên do Tổ trưởng Tổ giúp việc phân
công.
2. Các Tổ viên Tổ giúp việc làm đầu mối
của Sở, ban, ngành để nắm bắt, tổng hợp thông tin, phối hợp với các cơ quan
liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Tổ công
tác.
3. Tổ giúp việc
làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và sử dụng phương tiện, cơ
sở vật chất do các Sở, ban, ngành, đơn vị bố trí.
Điều 7. Nhiệm vụ của Tổ chuyên viên giúp việc Tổ công
tác:
1. Trực tiếp tham mưu xây dựng kế hoạch
hàng năm của Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án.
2. Trực tiếp khảo sát tình hình triển
khai đầu tư, kinh doanh và tham mưu thực hiện công tác hỗ trợ doanh nghiệp, báo
cáo những khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tới
Tổ công tác.
3. Phân tích, đánh giá các chỉ tiêu,
chỉ số thành phần; tổng hợp các kiến nghị đề xuất để nâng cao các chỉ số thành
phần PCI của tỉnh.
4. Tiếp nhận phản ánh của người dân,
doanh nghiệp về các vấn đề liên quan tới các chỉ số thành phần PCI, công tác cải
cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, báo cáo Tổ
trưởng Tổ công tác xem xét, giải quyết.
5. Phối hợp với cơ quan, đơn vị có
liên quan tham mưu cho Tổ công tác đánh giá tổng kết, bình xét thi đua khen thưởng,
kỷ luật hàng năm trong công tác triển khai thực hiện Đề án.
6. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban,
ngành liên quan tham mưu lập kế hoạch dự toán hàng năm trong triển khai thực hiện
nhiệm vụ của Tổ công tác và điều tra khảo sát doanh nghiệp.
Điều 8. Chế độ hội họp:
1. Tổ công tác họp định kỳ họp mỗi
quý một lần vào tháng cuối quý; họp đột xuất khi cần thiết theo chỉ đạo của Tổ
trưởng Tổ công tác.
2. Trước mỗi cuộc họp theo định kỳ,
cơ quan thường trực tổng hợp ý kiến của các thành viên Tổ công tác, chuẩn bị nội
dung và các điều kiện cần thiết phục vụ phiên họp.
3. Trong quá trình làm việc của Tổ
công tác, đối với các vấn đề được đưa ra để lấy ý kiến bằng văn bản, các thành viên Tổ công tác có trách nhiệm trả lời bằng văn bản
và đây cũng là ý kiến chính thức của cơ quan mà thành viên đó đang công tác.
Các thành viên Tổ công tác không có ý kiến hoặc có ý kiến không đúng thời gian quy định phải
chịu hoàn toàn trách nhiệm cá nhân trước Tổ trưởng và trước UBND tỉnh.
Điều 9. Chế độ thông tin, báo cáo
1. Báo cáo phản ánh qua số điện thoại
và hộp thư điện tử của thường trực Tổ công tác và Cổng
thông tin điện tử tỉnh: Thực hiện hàng ngày.
2. Báo cáo tổng hợp định kỳ về nắm bắt,
tổng hợp việc tiếp nhận và giải quyết kiến nghị, khó khăn vướng mắc của các
thành viên: Hàng tháng các thành viên gửi báo cáo bằng văn
bản và qua Email trước ngày 21; cơ quan thường trực tổng hợp báo cáo Chủ tịch
UBND tỉnh trước ngày 25.
3. Báo cáo giải quyết đột xuất, báo
cáo giải quyết vụ việc kiến nghị hoặc khó khăn vướng mắc của
doanh nghiệp theo yêu cầu của Tổ trưởng Tổ công tác.
Điều 10. Văn bản, con dấu
1. Các thành viên Tổ công tác ban
hành văn bản và đóng dấu theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn
vị nơi công tác và lưu trữ theo quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Thành viên thường trực, Chánh Văn
phòng UBND tỉnh được thừa lệnh ký văn bản và đóng dấu UBND tỉnh khi được Chủ tịch
UBND tỉnh ủy quyền.
Điều 11. Công tác thu thập thông tin, khảo sát doanh
nghiệp
1. Hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế, Tổ công tác gửi phiếu thu thập thông tin, khảo sát tới
các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác cải thiện môi trường đầu
tư, hỗ trợ doanh nghiệp.
2. Đối với các doanh nghiệp gặp khó
khăn trong quá trình hoạt động, sản xuất kinh doanh, Tổ công tác trực tiếp
thành lập đoàn công tác tới làm việc tại hiện trường để trực
tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoặc báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết
hoặc chuyển kiến nghị của doanh nghiệp đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết
theo quy định.
Điều 12. Công tác giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp
1. Đối với các kiến nghị, đề xuất của
người dân, doanh nghiệp trong việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi
trường đầu tư, kinh doanh được Tổ chuyên viên giúp việc tổng hợp trình Tổ công
tác quyết định trong phiên họp gần nhất.
2. Đối với những nội dung, vụ việc phức tạp và ngoài thẩm quyền của Tổ công tác, Tổ công tác
có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo thanh tra, kiểm
tra theo quy định của pháp luật thanh tra, khiếu nại và tố cáo.
Điều 13. Thành lập đoàn kiểm tra
Đối với các chỉ số thành phần PCI yếu
kém; hoặc có sự sụt giảm bất thường; hoặc có phản ánh trong kiến nghị, đơn thư khiếu
nại, tố cáo của doanh nghiệp, Tổ công tác quyết định thành lập đoàn kiểm tra,
làm việc đối với các Sở, ban, ngành, địa phương thuộc tỉnh có liên quan để kịp
thời khắc phục, xử lý. Trưởng đoàn kiểm tra là Tổ trưởng hoặc Tổ phó Tổ công
tác.
Điều 14. Công tác phối hợp với VCCI
Hàng năm, sau khi VCCI công bố Chỉ số
năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Tổ công tác tổng hợp, phân
tích thực trạng môi trường đầu tư, các chỉ số phần PCI của Hải Dương để có các
giải pháp triển khai. Căn cứ vào tình hình thực tế theo từng
năm, Tổ công tác mời VCCI làm việc cùng tỉnh Hải Dương để phân tích nguyên
nhân, bài học kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu
tư, năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Điều 15. Kinh phí hoạt động của Tổ công tác, Tổ chuyên
viên giúp việc Tổ công tác
Cơ quan thường trực của Tổ công tác
chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các Sở, ngành, địa phương liên quan lập kế
hoạch dự toán ngân sách hàng năm phục vụ cho hoạt động của Tổ công tác và Tổ
chuyên viên giúp việc Tổ công tác tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt. Việc quản
lý, sử dụng kinh phí phải bảo đảm đúng mục đích và thanh
quyết toán theo quy định hiện hành.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Các thành viên Tổ công tác căn cứ vào Quy chế
này, tích cực triển khai nhiệm vụ bảo đảm hiệu quả, tăng cường phối hợp giữa
các cơ quan để thực hiện tốt nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh giao, theo đúng các
quy định hiện hành của Nhà nước.
Tổ chuyên viên giúp việc Tổ công tác
có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện Quy chế, tổng hợp các vấn đề phát sinh
báo cáo Tổ công tác xem xét, quyết định.
Điều 17. Trong quá trình thực hiện, nếu cần bổ sung, sửa
đổi Quy chế, các thành viên đề xuất, gửi về cơ quan Thường trực Tổ công tác để
tổng hợp báo cáo, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định./.