QUY ĐỊNH
VỀ CHÍNH SÁCH CHI HỖ TRỢ THỰC HIỆN DỰ ÁN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN
XUẤT THUỘC CHƯƠNG TRÌNH 135 GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 36/2008/QĐ-UBND ngày 24/4/2008 của UBND tỉnh
Bình Thuận)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy định này cụ thể hóa nội dung và định mức chi hỗ trợ thực
hiện Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2006 -
2010 theo Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng
Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc
biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2006-2010.
Điều 2. Phạm vi và đối tượng
hỗ trợ
1. Phạm vi hỗ trợ:
Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch
cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào các dân tộc được xây dựng
và thực hiện trên địa bàn các thôn, xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135
giai đoạn 2006-2010 theo danh sách được Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Dân tộc
phê duyệt cho tỉnh Bình Thuận. Giao Ban Dân tộc có thông báo danh sách các thôn,
xã đặc biệt khó khăn cho các địa phương biết thực hiện.
2. Đối tượng hỗ trợ:
Đối tượng được dự án hỗ trợ gồm hộ nghèo và nhóm
hộ, cụ thể như sau:
a) Hộ nghèo theo quyết định hiện hành của Thủ tướng
Chính phủ;
b) Nhóm hộ: nhóm hộ được dự án hỗ trợ phải đảm bảo
các điều kiện sau:
- Gồm những hộ nghèo và những hộ khác đang sinh
sống trên cùng địa bàn cụm dân cư thôn, bản; có cùng mối quan tâm chung đến
phát triển sản xuất và tự nguyện hợp tác giúp đỡ lẫn nhau;
- Có cam kết hoặc có nội quy hoạt động trong đó
quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của từng thành viên trong nhóm;
đóng góp nguồn lực (công lao động, vật tư, tiền…) thực hiện dự án và có kế hoạch
sử dụng nguồn vốn để tăng thu nhập, tạo việc làm cho các thành viên;
- Có tổ trưởng do các thành viên trong nhóm bầu
ra để quản lý điều hành hoạt động của nhóm;
- Số lượng, tỷ lệ hộ nghèo trong nhóm do Ủy ban
nhân dân xã quy định phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Hộ và nhóm hộ được lựa chọn công khai, dân chủ từ
thôn, bản trên cơ sở những hộ nghèo hơn được ưu tiên hỗ trợ đầu tư trước, Ủy
ban nhân dân xã lập thành danh sách hộ, nhóm hộ thông qua Thường trực Hội đồng
nhân dân xã, trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt.
Điều 3.
1. Dự án Hỗ trợ phát triển
sản xuất gồm các nội dung sau:
a) Hỗ trợ các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm,
khuyến ngư và khuyến công;
b) Hỗ trợ xây dựng và phổ biến nhân rộng mô hình
sản xuất;
c) Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản
xuất (áp dụng với các hộ nghèo);
d) Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị máy móc, công cụ
chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
Nội dung hoạt động cụ thể của Dự án Hỗ trợ phát
triển sản xuất, quy trình thực hiện, nghiệm thu, bàn giao… thực hiện theo quy định
tại Thông tư số 01/2007/TT-BNN ngày 15 tháng 01 năm 2007 và Thông tư số
79/2007/TT-BNN ngày 20 tháng 9 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn hướng dẫn thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình
135 giai đoạn 2006 – 2010.
2. Các mức chi quy định tại Quyết định này là mức
chi tối đa cho các nội dung của dự án. Trong quá trình lập dự án, các địa
phương có thể áp dụng mức thấp hơn tùy theo tình hình thực tế của địa phương
mình.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Hỗ trợ các hoạt
động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và khuyến công
1. Tuyên truyền các tiến bộ khoa học, kỹ thuật,
thông tin thị trường, giá cả. In ấn, phát hành và phổ biến tới các hộ dân một số
quy trình sản xuất cây trồng, vật nuôi, bảo quản, chế biến nông, lâm sản…
Mức hỗ trợ tối đa không quá: 07 triệu đồng/mô
hình. Riêng mô hình đòi hỏi kỹ thuật cao tối đa không quá 10 triệu đồng/mô
hình.
2. Tổ chức tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm
sản xuất trong và ngoài địa phương.
a) Tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm sản
xuất gắn với từng mô hình sản xuất trong phạm vi địa bàn huyện do Ủy ban nhân
dân huyện phê duyệt;
b) Tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm sản
xuất ngoài địa bàn huyện hoặc ngoài tỉnh, tùy theo quy mô, nhu cầu và nguồn
kinh phí của dự án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với
sở, ngành có liên quan trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nội dung.
Về mức hỗ trợ tham quan, khảo sát học tập kinh
nghiệm: theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm: hỗ trợ tiền tàu
xe đi và về theo mức giá vé tàu, vé xe thông thường của tuyến đường tham quan,
khảo sát; hỗ trợ tiền ăn trong thời gian tham quan, khảo sát tối đa 50.000 đồng/người/ngày;
hỗ trợ tiền phòng nghỉ (nếu phải nghỉ qua đêm) tối đa không quá: 100.000 đồng/người/ngày.
3. Tập huấn, bồi dưỡng, truyền nghề để nâng cao
kiến thức, kỹ năng quản lý kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: nội
dung và mức chi thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước về chế độ tổ chức
các hội nghị đối với cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể:
a) Chi thuê hội trường, phòng học, thiết bị phục
vụ học tập;
b) Hỗ trợ nước uống, văn phòng phẩm, tài liệu
cho dân trong thời gian tập huấn không quá 20.000 đồng/người/ngày;
c) Hỗ trợ tiền ăn cho học viên là nông dân, ngư
dân trong thời gian tập huấn là: 15.000 đồng/người/ngày, riêng đối với hộ
nghèo: 20.000 đồng/người/ngày;
d) Bồi dưỡng cho hướng dẫn viên thực hành thao
tác kỹ thuật 40.000 đồng/người/ngày.
4. Xây dựng mô hình trình diễn về các tiến bộ
khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Mức hỗ trợ:
a) Đối với miền núi, vùng sâu, hỗ trợ tối đa 60%
mức chi phí về giống và tối đa 40% chi phí về vật tư chính;
b) Đối với các hộ nghèo ở miền núi, vùng sâu, hỗ
trợ tối đa 100% mức chi phí về giống và vật tư chính;
c) Chi phí cho công tác tổ chức, chỉ đạo mô hình
trình diễn áp dụng theo Thông tư Liên tịch số 30/2006/TTLT-BTC-BNN&PTNT-BTS
ngày 06 tháng 4 năm 2006 của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Bộ Thủy sản hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với
hoạt động khuyến nông, khuyến ngư và Thông tư Liên tịch số
50/2007/TTLT-BTC-BNN-BTS ngày 21 tháng 5 năm 2007 sửa đổi, bổ sung Thông tư số
30/2006/TTLT-BTC-BNN&PTNT-BTS ngày 06 tháng 4 năm 2006.
Điều 5. Hỗ trợ giống cây trồng,
vật nuôi, vật tư sản xuất (áp dụng với các hộ nghèo)
a) Các nội dung hỗ trợ:
- Các loại giống đại gia súc, tiểu gia súc, gia
cầm và thủy sản;
- Các giống cây trồng cho năng suất cao, chất lượng
phù hợp với điều kiện của địa phương: giống cây lương thực, cây công nghiệp,
cây lâm nghiệp, cây ăn quả và cây dược liệu…;
- Phân hóa học, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật
và các vật tư khác.
b) Mức hỗ trợ: 100% mức chi phí về giống và vật
tư chính đối với các hộ nghèo.
Điều 6. Hỗ trợ xây dựng và
phổ biến nhân rộng mô hình sản xuất
1. Mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật
vào sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi các giống cây, con mới cho năng suất cao,
chất lượng tốt, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông, lâm, thủy sản). Mức hỗ trợ:
a) Đối với miền núi, vùng sâu, hỗ trợ tối đa 60%
mức chi phí về giống và tối đa 40% chi phí về vật tư chính;
b) Đối với các hộ nghèo ở miền núi, vùng sâu, hỗ
trợ tối đa 100% mức chi phí về giống và vật tư chính;
c) Chi phí cho công tác tổ chức, chỉ đạo mô hình
trình diễn áp dụng theo Thông tư Liên tịch số 30/2006/TTLT-BTC-BNN&PTNT-BTS
ngày 06 tháng 4 năm 2006 của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Bộ Thủy sản hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với
hoạt động khuyến nông, khuyến ngư và Thông tư Liên tịch số 50/2007/TTLT-BTC-BNN-BTS
ngày 21 tháng 5 năm 2007 sửa đổi, bổ sung Thông tư số
30/2006/TTLT-BTC-BNN&PTNT-BTS ngày 06 tháng 4 năm 2006.
2. Mô hình sản xuất gắn với chế biến, bảo quản
và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản áp dụng hỗ trợ đối với hộ hoặc nhóm hộ
có lập dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức hỗ trợ:
a) Hỗ trợ tối đa 50% thiết bị chính nhưng tổng mức
hỗ trợ không quá 75 triệu đồng/mô hình;
b) Đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi,
vùng sâu, vùng xa và hải đảo hỗ trợ tối đa 75% thiết bị chính nhưng mức hỗ trợ
không quá 125 triệu đồng/mô hình.
3. Mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp,
nông thôn bao gồm: lập quy hoạch, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Mức hỗ trợ: tùy theo quy mô, nhu cầu của từng dự
án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổng hợp và phối hợp với các
sở, ngành có liên quan trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Điều 7. Hỗ trợ mua sắm trang
thiết bị máy móc công cụ chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch
a) Các nội dung hỗ trợ: máy sấy, bảo quản, chế
biến nông, lâm sản, công cụ, trang thiết bị phục vụ bảo quản, chế biến sản phẩm
nông - lâm - ngư nghiệp;
b) Mức hỗ trợ: theo từng dự án được duyệt nhưng
tối đa không quá 3.000.000 đồng/hộ.
Điều 8. Nguồn vốn, thủ tục
triển khai
Nguồn vốn thực hiện Dự án này từ nguồn vốn
Chương trình 135 do ngân sách Trung ương hỗ trợ cho tỉnh và các nguồn vốn lồng
ghép khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
Vốn sự nghiệp hỗ trợ thực hiện các nội dung tại
Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 của Quy định này.
Thủ tục triển khai gồm kế hoạch và dự toán chi
tiết do chủ đầu tư lập, được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9.
1. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn) làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối
với dự án trên địa bàn tỉnh, nhiệm vụ cụ thể theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn.
2. Ủy ban nhân dân huyện chịu trách nhiệm trước Ủy
ban nhân dân tỉnh về toàn bộ hoạt động của Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất đảm
bảo đúng mục đích, đối tượng, địa bàn và đạt hiệu quả sử dụng vốn. Giao cho Ủy
ban nhân dân xã làm chủ đầu tư thực hiện dự án, trường hợp do năng lực cán bộ
xã không đảm đương được thì Ủy ban nhân dân huyện trực tiếp làm chủ đầu tư. Ủy
ban nhân dân huyện có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo kiểm tra giám sát thực hiện
dự án trên địa bàn huyện.
3. Ủy ban nhân dân xã chịu trách nhiệm trước Ủy
ban nhân dân huyện và nhân dân trong xã về toàn bộ hoạt động của Dự án Hỗ trợ
phát triển sản xuất trên địa bàn, kết quả và hiệu quả sử dụng vốn.
4. Các nội dung khác không nêu tại Quy định này
thì thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2007/TT-BNN ngày 15 tháng 01
năm 2007 và Thông tư số 79/2007/TT-BNN ngày 20 tháng 9 năm 2007 của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số
01/2007/TT-BNN ngày 15 tháng 01 năm 2007 hướng dẫn thực hiện Dự án Hỗ trợ phát
triển sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2006-2010.
5. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Sở Tài chính kiểm tra, giám sát theo dõi việc thực hiện Quy định này. Quá trình
thực hiện nếu có vướng mắc, tham mưu đề xuất ý kiến, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo, kiến
nghị, giải quyết những nội dung thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành Trung
ương./.