Quyết định 3576/QĐ-UBND năm 2020 về Kế hoạch tạo lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 3576/QĐ-UBND
Ngày ban hành 10/12/2020
Ngày có hiệu lực 10/12/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Hồ Quang Bửu
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3576/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 10 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TẠO LẬP, QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP CHO CÁC SẢN PHẨM ĐẶC SẢN, SẢN PHẨM LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Nghị quyết số 17/2016/NQ-HĐND ngày 19/7/2016 của HĐND tỉnh về Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030;

Căn cứ Quyết định số 2636/QĐ-BNN-CB ngày 31/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Chương trình Bảo tồn và Phát triển làng nghề;

Theo đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 286/TTr- SKHCN ngày 30/11/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tạo lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở Khoa học và Công nghệ; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- TTTU, TT HĐND tỉnh
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Báo Quảng Nam, Đài PTTH Quảng Nam;
- CPVP;
- Lưu: VT, KGVX (Hậu).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Quang Bửu

 

KẾ HOẠCH

TẠO LẬP, QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP CHO CÁC SẢN PHẨM ĐẶC SẢN, SẢN PHẨM LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Quyết định số:    QĐ-UBND ngày   /12/2020 của UBND tỉnh)

I. Sự cần thiết ban hành kế hoạch

1. Tính cấp thiết của kế hoạch

Quảng Nam là một tỉnh có nền nông nghiệp chiếm ưu thế, sản phẩm nông sản khá đa dạng, phong phú. Qua quá trình phát triển, người nông dân Quảng Nam đã nhận thức và mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để cho ra những sản phẩm bước đầu đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhưng vấn đề đặt ra, để phát triển các sản phẩm một cách bền vững, các sản phẩm cần phải được đầu tư mở rộng sản xuất, tạo đầu ra ổn định, tuân thủ những phương thức sản xuất để có sản phẩm chất lượng cao và hướng đến các thị trường lớn trong và ngoài nước. Đồng thời, xu thế của người tiêu dùng hiện đại là chọn lựa sản phẩm có chất lượng tốt, có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đặc biệt đảm bảo những tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặc dù các sản phẩm đặc sản (SPĐS) của Quảng Nam có lịch sử hình thành lâu đời, có danh tiếng nhưng chỉ là danh tiếng truyền miệng, chưa được quảng bá rộng rãi trên thị trường trong nước và quốc tế nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát huy giá trị, danh tiếng, nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Bên cạnh đó, các vấn đề về chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì, nhãn hàng hóa, thị trường tiêu thụ,…của các SPĐS chưa được sự quan tâm đồng bộ của nhà nước, các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp,…dẫn đến nhiều sản phẩm có thể bị mai một dần, thậm chí có thể bị biến mất trên bản đồ đặc sản của tỉnh.

Đồng thời, trong thực tế vẫn còn các doanh nghiệp, hộ sản xuất, tổ chức hợp tác xã/ hội sản xuất kinh doanh sản phẩm hiểu rất mơ hồ về giá trị tài sản sở hữu trí tuệ, cụ thể là quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), không nhận thức được tầm quan trọng trong việc sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ như là một lợi thế tích cực trong việc mở rộng đầu tư và cạnh tranh thị trường. Các doanh nghiệp, hộ sản xuất sử dụng các nhãn hiệu một cách tự phát, "mạnh ai nấy làm" và không tuân theo luật định. Do đó, không thống nhất và tạo được sức mạnh tổng hợp nhằm đẩy mạnh việc xác lập, quảng bá và phát triển các nhãn hiệu đã được xác lập trở thành các thương hiệu mạnh.

Việc đăng ký tạo lập quyền sở hữu SHCN dưới hình thức nhãn hiệu tập thể (NHTT), nhãn hiệu chứng nhận (NHCN), chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho các SPĐS của Quảng Nam là một trong những giải pháp cần thiết nhất để phát triển sản phẩm; bên cạnh đó việc thiết lập cơ chế quản lý, các điều kiện sử dụng các nhãn hiệu, cơ chế khai thác nhãn hiệu cần được đầu tư. Đó là những yếu tố cơ bản, giúp cho đơn vị quản lý và các đối tượng liên quan thuận lợi trong quản lý, sản xuất kinh doanh, giúp cho các SPĐS đạt chất lượng tốt, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm và có “thương hiệu chính thức”, góp phần khẳng định được vị thế trên thị trường.

Tại tỉnh Quảng Nam, từ khi Nghị quyết số 17/2016/NQ-HĐND ngày 19/7/2016 của HĐND tỉnh về “Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Quảng Nam đến 2025, tầm nhìn 2030”, Kế hoạch số 5308/KH-UBND ngày 26/10/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc “Tạo lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề truyền thống của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020” được ban hành, công tác quản lý về SHCN được chú trọng, nhiều hoạt động truyền thông về vai trò của quyền SHCN được phổ biến trên nhiều phương tiện, hoạt động tập huấn, hội nghị, hội thảo về lĩnh vực SHCN được đẩy mạnh đã góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh. Số lượng văn bằng nhãn hiệu được cấp cho các tổ chức tập thể và doanh nghiệp trên địa bàn trong những năm gần đây đã tăng lên đáng kể; đặc biệt thông qua việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 5308/KH-UBND ngày 26/10/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam đã hướng dẫn, xây dựng hồ sơ đăng ký tạo lập quyền cho 36 sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề truyền thống của địa phương; thực hiện quản lý phát triển cho 15 sản phẩm. Đây là tiền đề nâng cao uy tín các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Việc sử dụng nhãn hiệu đã được tạo lập quyền SHCN dưới hình thức NHTT, NHCN mang tên các địa danh trên các sản phẩm có ý nghĩa lớn, thương hiệu này là thương hiệu có tính bền vững cao, được pháp luật thừa nhận và có ấn tượng đối với đại bộ phận người tiêu dùng. Một số sản phẩm sau khi đăng ký xác lập quyền, thực hiện quản lý phát triển theo Kế hoạch số 5308/KH-UBND ngày 26/10/2016 của UBND tỉnh bước đầu đã tạo được những ưu thế trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân như giá cả tăng cao, thị trường được mở rộng và tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng như rau Trường Xuân, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, nước mắm Tam Thanh, đúc đồng Phước Kiều, bưởi Đại Bình, bê thui Cầu Mống, lụa Mã Châu, bánh tráng Đại Lộc, nước mắm Duy Hải, nấm Nhì Tây Hiệp Đức, gạo Ái Nghĩa, ớt A Riêu Mà Cooih, … Khai thác sử dụng nhãn hiệu trong thực tế có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống cho các sản phẩm nông, lâm đặc sản, làng nghề địa phương, thúc đẩy cuộc chiến chống lạm dụng và gian lận thương mại, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, giúp thúc đẩy tiềm năng phát triển của các nguồn lực địa phương, nâng cao đời sống cộng đồng, đặc biệt là các khu vực nông thôn, miền núi trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Xuất phát từ những lý do trên, việc tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch “Tạo lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề truyền thống của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025” là hết sức cần thiết, nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

2. Cơ sở pháp lý

- Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

- Nghị quyết số 17/2016/NQ-HĐND ngày 19/7/2016 của HĐND tỉnh về Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030;

[...]