Kế hoạch 5308/KH-UBND năm 2016 về tạo lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề truyền thống của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 5308/KH-UBND
Ngày ban hành 26/10/2016
Ngày có hiệu lực 26/10/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Lê Văn Thanh
Lĩnh vực Thương mại,Sở hữu trí tuệ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5308/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 26 tháng 10 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TẠO LẬP, QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP CHO CÁC SẢN PHẨM ĐẶC TRƯNG, SẢN PHẨM LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

I. Sự cần thiết ban hành kế hoạch

1. Tính cấp thiết của kế hoạch

Quảng Nam có rất nhiều sản phẩm đặc trưng, làng nghề nổi tiếng, lịch sử hình thành lâu đời (như: Sâm Ngọc Linh, Quế Trà My, Tiêu Tiên Phước, Gốm Thanh Hà - Hội An, Mộc Kim Bồng - Hội An, Bê thui Cầu Mống, Đúc đồng Phước Kiều - Điện Bàn, Dệt Mã Châu - Duy Xuyên, Dâu tằm Đông Yên - Thi Lai Duy Xuyên, Chiếu cói Bàn Thạch - Duy Xuyên, Rau Trà Quế - Hội An, Làng trống Lâm Yên - Đại Lộc…) nhưng chỉ là danh tiếng truyền miệng, chưa được quảng bá rộng rãi trên thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, các vấn đề về chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì, nhãn hiệu hàng hóa, thị trường tiêu thụ… của các sản phẩm đặc trưng, làng nghề truyền thống chưa được sự quan tâm đúng mức của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp dẫn đến nhiều sản phẩm có thể bị mai mọt dần.

Để có được sự nhận biết và trung thành của người tiêu dùng đối với các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề truyền thống, là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Với quy mô sản xuất nhỏ, các sản phẩm làng nghề của địa phương sẽ gặp khó khăn khi phát triển chiến lược marketing, nhất là đối với các sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ truyền thống. Do vậy, các tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm cần phải đăng ký tạo lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.

Hiện nay, trên toàn tỉnh có hơn 100 sản phẩm đặc trưng và sản phẩm làng nghề truyền thống, nhưng hiện có khoảng 27 sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp dưới các hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể. Mặt khác, sau khi đăng ký bảo hộ, nhiều nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận không được quan tâm đầu tư, hỗ trợ để phát huy giá trị, thậm chí một số nhãn hiệu không được sử dụng trên thực tế. Vì vậy, các sản phẩm này chưa phát huy được hết những tiềm năng vốn có, chưa mở rộng được thị trường tiêu thụ cũng như chưa tạo được uy tín đối với người tiêu dùng, chưa tạo thành điểm nhấn để phát triển du lịch ở địa phương.

Xuất phát từ những lý do trên, việc triển khai thực hiện kế hoạch “Tạo lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề truyền thống của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020” là hết sức cần thiết, nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

2. Cơ sở pháp lý

- Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

- Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”;

- Quyết định số 2636/QĐ-BNN-CB ngày 31/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Chương trình Bảo tồn và Phát triển làng nghề;

- Chương trình số 22/CTr-TU ngày 29/01/2013 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết 20 Hội nghị lần thứ 6 khóa XI Ban Chấp hành Trung ương về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

- Quyết định số 1222/QĐ-UBND ngày 07/4/2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2015 - 2020.

- Nghị quyết số 17/2016/NQ-HĐND ngày 19/7/2016 của HĐND tỉnh về Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030;

- Quyết định số 3341/QĐ-UBND ngày 21/9/2016 của UBND tỉnh về phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

3. Cơ sở thực tiễn

- Xuất phát từ nhu cầu phát triển sản phẩm đặc trưng và sản phẩm làng nghề truyền thống của các địa phương nhằm góp phần tăng thu nhập cho người dân, tạo công ăn việc làm và là cơ sở để gắn với việc phát triển du lịch tại địa phương. Đồng thời, bảo tồn, phục hồi và phát huy các giá trị đặc trưng văn hóa, lịch sử truyền thống kết tinh trong từng sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai mọt, quên lãng.

- Việc lựa chọn và xác định hình thức bảo hộ quyền SHCN đối với các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề truyền thống dựa trên cơ sở hiện trạng bảo hộ quyền SHCN đối với các sản phẩm (đặc biệt là sản phẩm gắn địa danh), tính đặc thù của sản phẩm (danh tiếng, uy tín, chất lượng đặc thù, thị trường, tiềm năng phát triển của sản phẩm), điều kiện thực tế của mỗi địa phương (nhận thức cộng đồng, tham gia đóng góp của tổ chức/cá nhân vào quá trình sản xuất, xây dựng phát triển thương hiệu), khả năng đối ứng kinh phí (của địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, người dân) để đăng ký xác lập quyền và phát triển thương hiệu của sản phẩm, sự tham gia, phối hợp của các cơ quan quản lý, chuyên môn, sự hợp tác tích cực của các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm.

4. Giải thích từ ngữ

- Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó (Điều 4.17 Luật Sở hữu trí tuệ).

- Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu (Điều 4.18 Luật Sở hữu trí tuệ).

- Sản phẩm đặc trưng hay còn gọi là sản phẩm đặc sản, là sản phẩm có nguồn gốc từ một khu vực, địa phương, vùng địa lý cụ thể, có những tính chất đặc thù về hình thái và chất lượng không giống các sản phẩm cùng loại khác và các đặc tính này chủ yếu có được do các điều kiện tự nhiên, con người vùng sản xuất, chế biến sản phẩm tạo ra.

- Làng nghề truyền thống là làng nghề có nghề truyền thống được hình thành từ lâu đời.

+ Nghề truyền thống là nghề được xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm trở lên, tính đến thời điểm được công nhận; nghề tạo ra bản sắc văn hóa dân tộc; nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.

+ Làng nghề truyền thống phải đạt các tiêu chuẩn, điều kiện bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành của nhà nước và chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước.

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

[...]