Quyết định 3476/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”

Số hiệu 3476/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/11/2012
Ngày có hiệu lực 27/11/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Trần Văn Vĩnh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3476/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 27 tháng 11 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH THỦY SẢN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2011-2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 10/2006/QĐ-TTg ngày 11/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 73/2008/QĐ-TTg ngày 04/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH ngày 26/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy họach và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển cho các sản phẩm chủ yếu;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2817/TTr-SNN ngày 26/10/2012 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020” với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm phát triển

Khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng diện tích đất, mặt nước và các nguồn lực của tỉnh để phát triển ngành thuỷ sản theo hướng bền vững, phù hợp chủ trương của tỉnh, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch sử dụng đất của tỉnh.

Phát triển ngành thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với việc tổ chức lại sản xuất ngành thủy sản, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học để đạt năng suất cao, tăng khả năng cạnh tranh của thủy sản hàng hóa.

Lấy hiệu quả làm mục tiêu, tăng trưởng làm động lực, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất kinh doanh, giải quyết nhiều việc làm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho lao động địa phương, đặc biệt là ngư dân nghèo sống ven sông, hồ.

Phát triển thuỷ sản của tỉnh phải đặt trong mối quan hệ liên ngành, liên vùng, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến tiêu thụ, tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ cả xuất khẩu và nội địa; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước về thủy sản đáp ứng yêu cầu quản lý ngành theo chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến tiêu thụ; tăng cường công tác bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học đặc biệt là trên hồ Trị An và sông Đồng Nai; chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

2. Định hướng phát triển

a) Nuôi trồng thủy sản

- Phát triển nuôi trồng thủy sản với nhiều loại hình nuôi trên các vùng sinh thái, đa dạng hóa với các đối tượng nuôi mặn, lợ, ngọt có giá trị kinh tế và giá trị xuất khẩu cao; góp phần tạo ra nguồn nguyên liệu ngày càng chủ động hơn và nhiều hơn cho chế biến tiêu thụ.

- Tiếp tục phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản theo chiều sâu. Chuyển một phần diện tích nuôi thủy sản hình thức kỹ thuật thấp sang nuôi với hình thức bán thâm canh, thâm canh quy mô công nghiệp ở những nơi có điều kiện thuận lợi. Áp dụng các công nghệ, mô hình nuôi tiên tiến, tiêu chuẩn kỹ thuật mới (GAqP, BMP, CoC) gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

- Tổ chức nuôi trồng thủy sản nước ngọt theo hướng tập trung trên các diện tích ao hồ nhỏ, mặt nước hồ chứa, eo ngách. Với các đối tượng nuôi chủ lực như: Cá rô đồng, điêu hồng, lăng, rô phi đơn tính, lóc, trê; nhóm cá trắng như mè hoa, mè trắng, trôi, trắm, chép.

- Phát triển nuôi lồng bè, vèo trên các sông, hồ với các đối tượng có giá trị kinh tế như: Cá lăng, lóc, điêu hồng, bống tượng.

- Phát triển nuôi thuỷ sản nước lợ ở các huyện vùng ngập mặn với các đối tượng chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng, bên cạnh đó đa dang hoá các loài nuôi trong ao ở các khu vực có điều kiện theo nhu cầu thị trường như cá mú, cá chẽm, cá kèo.

- Đầu tư xây dựng hệ thống trại giống nước ngọt quy mô trại giống cấp tỉnh và xã hội hóa trong dân nhằm chủ động đáp ứng số lượng và đảm bảo chất lượng con giống cho nuôi thương phẩm của các địa phương trong tỉnh.

- Đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở theo vùng, dứt điểm sau đó mở rộng sang các vùng khác. Ưu tiên đầu tư hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi tập trung thâm canh, bán thâm canh trước.

[...]