Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 3467/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất lúa thành phố Hà Nội theo hướng bền vững giai đoạn đến năm 2020

Số hiệu 3467/QĐ-UBND
Ngày ban hành 24/07/2015
Ngày có hiệu lực 24/07/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Trần Xuân Việt
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3467/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 24 tháng 07 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT LÚA THÀNH PHỐ HÀ NỘI THEO HƯỚNG BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 9/01/2013 của Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) thành phố Hà Nội;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/04/2015 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 và số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội;

Căn cứ Quyết định số 1081/QĐ-TTg ngày 6/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 124/2011/QĐ-TTg ngày 2/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt tổng thể phát triển ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 3367/QĐ-BNN-TT của Bộ Nông nghiệp và PTNT ngày 31/7/2014 về việc phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2014-2020;

Căn cứ các Quyết định của UBND Thành phố: số 695/QĐ-UBND ngày 1/2/2013 về phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) của thành phố Hà Nội; số 17/2012/QĐ-UBND ngày 09/7/2012 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; số 5863/QĐ-UBND ngày 18/9/2013 về việc phê duyệt đề cương, nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển sản xuất lúa theo hướng bền vững thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến 2030; số 7826/QĐ-UBND ngày 26/12/2013 về việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu dự án lập Quy hoạch;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại tờ trình số 276/SNN-KH ngày 11/12/2014, văn bản số 406/SNN-KH ngày 12/3/2015 về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch và tiếp thu và giải trình ý kiến về Quy hoạch phát triển sản xuất lúa theo hướng bền vững thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến 2030; Báo cáo thẩm định số 728/BC-KH&ĐT ngày 17/7/2015 của Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất lúa thành phố Hà Nội theo hướng bền vững giai đoạn đến năm 2020 với những nội dung chính như sau:

1. Quan điểm:

- Quy hoạch sản xuất lúa phải hướng tới chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhằm nâng cao giá trị gia tăng nhưng phải phù hợp với hệ thống cơ sở hạ tầng và không làm thay đổi mặt bằng tầng đất canh tác của ruộng lúa, không làm ruộng lúa mất đồng đều về kết cấu, thành phần dinh dưỡng và hệ vi sinh vật dẫn đến khó khăn, đầu tư tốn kém khi cần quay lại trồng lúa.

- Quy hoạch phát triển sản xuất lúa là một nội dung quan trọng để tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

- Quy hoạch phát triển sản xuất lúa là quy hoạch “mềm” có tính chất định hướng và phải phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường, phải dựa trên nhu cầu của thị trường; khai thác lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu, thời tiết gắn với sản xuất hàng hóa, tập trung, hiệu quả và bền vững.

- Quy hoạch phát triển sản xuất lúa phải dựa trên cơ sở khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao, năng suất, chất lượng; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị; tăng cường bảo quản, chế biến, tăng giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng cao thu nhập cho nông dân.

- Quy hoạch phát triển sản xuất lúa phải đảm bảo huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế, phát huy mối liên kết “4 nhà”, phát huy hiệu quả sự hỗ trợ của nhà nước và hội nhập quốc tế.

- Quy hoạch phát triển sản xuất lúa thành phố Hà Nội phải phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch nông thôn mới và các quy hoạch ngành khác; nằm trong trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố, gắn với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới và giải quyết vấn đề nông nghiệp-nông thôn-nông dân.

2. Mục tiêu:

a. Mục tiêu chung:

- Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, duy trì quỹ đất trồng lúa, tự cung ứng được một phần nhu cầu lương thực có chất lượng cao cho Thành phố trong điều kiện đất canh tác đang giảm dần với tốc độ cao, nâng cao thu nhập của người trồng lúa, giảm khoảng cách về mức sống của người sản xuất lúa và lao động trong các ngành kinh tế khác; góp phần ổn định sản xuất cho dân cư ở khu vực nông thôn.

- Nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Thành phố.

b. Mục tiêu cụ thể:

- Giai đoạn 2013 - 2015 chuyển đổi khoảng 6.500 ha diện tích gieo trồng lúa sang cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản;

- Giai đoạn 2016-2020 chuyển đổi khoảng 14.500 ha diện tích gieo trồng lúa sang cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản;

- Duy trì được khoảng 80% mức tự túc lương thực của Thành phố đến năm 2020; trong đó vùng nông thôn đạt 100%, vùng nội thành đạt trên 60%.

- Phát triển, nâng diện tích lúa hàng hóa tập trung có chất lượng, năng suất cao từ mức khoảng 46,5% năm 2015 lên khoảng 66% vào năm 2020 tại những vùng có điều kiện đất đai phù hợp, thuận lợi về tưới tiêu và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

[...]