ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH AN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
3443/2005/QĐ-UBND
|
Long Xuyên,
ngày 22 tháng 12 năm 2005
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHƯƠNG
TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA UBND TỈNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 46-NQ/TW NGÀY 23 THÁNG 02
NĂM 2005 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE
NHÂN DÂN TRONG TÌNH HÌNH MỚI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ
Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo
vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;
Căn cứ Quyết định số 243/2005/QĐ-TTg
ngày 05 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động
của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị
về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở
Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của
UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23 tháng 02 năm 2005 của Bộ
Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về công tác bảo vệ, chăm sóc
và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực sau 10
ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND
tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã,
thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. Sở Y tế chịu trách nhiệm
theo dõi việc thực hiện và định kỳ báo cáo UBND tỉnh,
Bộ Y tế về tình hình thực hiện Chương trình hành động này./.
Nơi nhận:
- VPCP, Bộ Y tế;
- Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo TU, UBMTTQ tỉnh; Tỉnh Đoàn TN, Hội LHPN tỉnh,
- Ban VHXH-HĐND tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Các Sở, Ban ngành tỉnh;
- LĐVP;
- Lưu: VT, VX, TH, KT, XDCB.
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Minh Tùng
|
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA UBND TỈNH AN GIANG
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ
46-NQ/TW NGÀY 23 THÁNG 02 NĂM 2005 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM
SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN TRONG TÌNH HÌNH MỚI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3443 /2005/QĐ-UBND
ngày 22 tháng 12 năm 2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang)
Trong những năm qua, công tác bảo
vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tỉnh ta đã đạt được những thành tựu quan
trọng. Mạng lưới y tế được củng cố ổn định, chất lượng hoạt động được nâng cao.
Các chỉ số sức khỏe của cộng đồng được nâng lên, đến năm 2004 tuổi thọ trung
bình cuả người dân An Giang đã tăng từ 69,8 tuổi (năm 1999) lên 72 tuổi; tỷ lệ
tử vong mẹ giảm từ 129/100.000 (năm 1996) xuống còn 40/100.000 trẻ đẻ sống; tỷ
suất tử vong trẻ em dưới 01 tuổi giảm từ 32,5/1.000 (năm 2000) xuống còn
27/1.000, tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 48/1.000 (năm 2000) xuống còn
34/1.000; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 05 tuổi đã giảm từ 32% (năm 2000) xuống
còn 26,7%. Công tác Dân số, gia đình và trẻ em tiếp tục được đẩy mạnh, duy trì
tốt xu thế giảm sinh, chất lượng dân số được tăng lên, tỷ lệ phát triển dân số
năm 2004 giảm còn 1,39%. Công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh được
quan tâm, nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã được khống chế và đẩy lùi: Tả, Sốt rét,
Dịch hạch... các bệnh Bại liệt, thiếu vitamine A cơ bản đã được thanh toán, uốn
ván sơ sinh đã được loại trừ. Công tác phòng chống các bệnh xã hội được triển
khai thực hiện đạt hiệu quả. Chất lượng khám chữa bệnh có nhiều tiến bộ, cơ sở
vật chất, kỹ thuật của ngành y tế được quan tâm đầu tư và có nhiều cải thiện.
Đã từng bước phát triển chuyên khoa hoá bệnh viện tuyến tỉnh và phát triển y tế
phổ cập tại tuyến cơ sở. Xã hội hoá các hoạt động y tế đạt được nhiều kết quả
đáng ghi nhận.
Đến cuối năm 2005, toàn tỉnh có
15 bệnh viện công lập (4 bệnh viện tỉnh, 11 bệnh viện huyện), 11 phòng khám đa
khoa khu vực và 154 Trạm Y tế xã), số giường bệnh công lập là 2.554 giường (gồm
các bệnh viện tỉnh, huyện, phòng khám đa khoa khu vực), tăng 469 giường so với
năm 2000, giai đoạn 2001- 2005 bình quân tăng gần 94 giường bệnh/năm. Số giường
bệnh công lập bình quân/10.000 dân tăng 1,58 giường/10.000 dân (năm 2000:
10,03; năm 2005:11,61). Tuy nhiên so với bình quân chung của cả nước thì tỷ lệ
giường bệnh/10.000 dân của An Giang vẫn còn thấp (bình quân chung của cả nước
năm 2004 là 17,15 giường/10.000 dân ).
Giai đoạn 2001-2004, nhân lực
ngành Y tế tiếp tục phát triển khá ổn định về số lượng cũng như chất lượng. So
với năm 2000, số cán bộ y tế tăng 10,03% (tăng 397 người), số Bác sĩ tăng
12,69% (tăng 90 BS). Trình độ cán bộ tăng dần qua các năm, tỷ lệ cán bộ sau đại
học phát triển khá nhanh so với giai đoạn 1996-2000, đến nay đã có 356 CB sau đại
học. Từ năm 2000 đã đạt 3 chỉ tiêu nhân lực y tế xã: 100% Trạm Y tế có nữ hộ
sinh hoặc y sĩ sản, 100% xã có bác sĩ, 100% khóm ấp có nhân viên y tế khóm ấp
hoạt động. Tỷ lệ bác sỹ/10.000 dân (tính cả y tế tư nhân): 4,12; tỷ lệ Dược sĩ
đại học/10.000 dân (tính cả y tế tư nhân): 0,42, còn thấp so với tỷ lệ chung cuả
toàn quốc (tỷ lệ chung cuả toàn quốc năm 2004 là 5,87 BS/10.000 dân và 0,78
DSĐH/10.000 dân. Tỷ lệ chung cuả vùng đồng bằng sông Cửu Long là 3,66 BS/10.000
dân và 0,17 DSĐH/10.000 dân). Tỷ lệ Điều dưỡng ở trình độ sơ học chiếm gần 28%
so với tổng số Điều dưỡng và Y sỹ làm hạn chế đến công tác chăm sóc người bệnh
toàn diện, một số chuyên khoa sâu vẫn còn chậm phát triển cán bộ sau đại học:
tâm thần, da liễu, miễn dịch-di truyền, ung bướu, nội tiết, dinh dưỡng, lão học,
huyết học truyền máu, vi ký sinh, y học cổ truyền, bác sĩ gia đình...Hệ y tế dự
phòng vẫn còn thiếu cán bộ đại học, một số vùng khó khăn: An Phú, Tri Tôn, Tịnh
biên...vẫn còn thiếu cán bộ, tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ y học
cổ truyền ở cơ sở y tế nhà nước còn thấp. Chất lượng đội ngũ cán bộ y tế đặc biệt
là ở cơ sở còn nhiều hạn chế, bất cập chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, một
số cán bộ lãnh đạo ở y tế cơ sở còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ; quản lý bệnh
viện.
Về ngân sách nhà nước đầu tư
cho y tế tăng không đáng kể (từ năm 1997 đến 2003 chỉ tăng 1,28 lần), ngân sách
y tế bình quận đầu người dân năm 2004 An Giang là 44.800 đồng, vùng đồng bằng
sông Cửu Long là 45.300 đồng, thấp hơn so với các vùng khác (Duyên hải Nam
trung bộ: 63.200 đồng, Tây nguyên: 75.900 đồng, Đông Nam bộ: 97.500 đồng, Đông
Bắc: 65.100 đồng, Tây Bắc: 62.600 đồng, đồng bằng sông Hồng: 48.100 đồng, Bắc
Trung bộ: 48.600 đồng).
Cơ sở vật chất ngành Y tế nhiều
nơi xuống cấp, chưa được đầu tư xây dựng nâng cấp kịp thời, nhiều bệnh viện tỉnh,
huyện đã trở nên quá tải.
Tuy đã giải quyết được khá nhiều
các vấn đề y tế cơ bản, nhưng ngành Y tế vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, đó
là: một số dịch bệnh lưu hành ở địa phương: Sốt xuất huyết, Tả, Thương hàn, Kiết
lỵ...luôn có nguy cơ tiềm ẩn; tình hình HIV/AIDS chưa được khống chế tốt (tỷ lệ
nhiễm HIV lũy tích đến tháng 30/9/2005 là 300,54/100.000 dân); tỷ lệ nhiễm lao
của người dân còn cao (tỷ lệ bệnh nhân lao năm 2004 là 250,94/100.000 dân).
Tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát tốt. Tuy đã thoát khỏi
tình trạng thiếu I ốt nặng, An Giang vẫn chưa đạt được mục tiêu kế hoạch giai
đoạn 01 của Dự án phòng chống bướu cổ. Ý thức và thói quen tự bảo vệ, chăm sóc
sức khỏe cuả một bộ phận dân cư chưa cao; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế
còn thấp (chỉ đạt 9,4% dân số); chất lượng dịch vụ y tế, đặc biệt là y tế
chuyên sâu chưa đáp ứng nhu cầu nhân dân trong tình hình mới; Y học cổ truyền
chưa được phát huy đúng mức. Nguyên nhân chính là do công tác quản lý nhà nước
trên lĩnh vực y tế còn nhiều hạn chế, chưa huy động tốt nguồn lực xã hội đầu tư
cho y tế. Các chính sách về y tế chậm được đổi mới. Mặt khác do dân số đông,
tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết triệt để, tệ nạn xã hội còn
diễn biến phức tạp, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe chưa được sâu rộng.
Thực hiện Nghị quyết số
46-NQ/TW ngày 23/02/2005 cuả Bộ Chính trị; Chương trình hành động cuả Thủ tướng
Chính phủ; Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 09/9/2005 của Tỉnh ủy An Giang; Ủy ban nhân
dân tỉnh An Giang xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 46-NQ/TW
cuả Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân
trong tình hình mới cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung:
Cụ thể hoá các nhiệm vụ.giải
pháp để thực hiện tốt Nghị quyết 46-NQ/TW; Chương trình hành động cuả Chính phủ,
Chỉ thị số 35-CT/TU cuả Tỉnh ủy; xác định và phân công rõ trách nhiệm cuả các Sở,
ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức thực hiện; đưa Nghị quyết cuả
Đảng vào cuộc sống, tạo bước chuyển biến rõ rệt trong công tác bảo vệ, chăm sóc
và nâng cao sức khỏe nhân dân. Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, tật, nâng cao
sức khỏe, tăng tuổi thọ, góp phần cải thiện chất lượng giống nòi, nâng cao chất
lượng cuộc sống, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế xã hội cuả địa
phương và đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc.
2. Mục tiêu cụ thể:
a/- Các chỉ tiêu chung về sức
khỏe cần đạt được vào năm 2010:
- Tuổi thọ trung bình tăng lên
73 tuổi;
- Tỷ suất chết mẹ giảm xuống
còn 20/100.000 trẻ đẻ sống;
- Tỷ lệ chết trẻ em dưới 01 tuổi
giảm xuống còn 20/1.000 trẻ đẻ sống;
- Tỷ lệ chết trẻ em dưới 05 tuổi
giảm xuống còn 27/1.000 trẻ đẻ sống;
- Tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi suy
dinh dưỡng giảm xuống còn dưới 20%.
b/- Các chỉ tiêu về dịch vụ
y tế đến năm 2010:
- Đạt tỷ lệ 5,2 bác sỹ /10.000
dân;
- Đạt tỷ lệ 0,8 dược sỹ đại học/10.000
dân;
- 100% xã đạt chuẩn quốc gia y
tế xã;
II. NHIỆM VỤ:
1. Tăng
cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cuả cộng đồng, vận
động toàn xã hội chủ động và tích cực tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc và
nâng cao sức khỏe nhân dân:
Tổ chức phổ biến, quán triệt
sâu rộng Nghị quyết cuả Bộ Chính trị, Chương trình hành động cuả Chính phủ, Chỉ
thị cuả Tĩnh ùy, các chủ trương, đường lối cuả Đảng, pháp luật cuả Nhà nước về
công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Cần
nhận thức sâu sắc quan điểm sức khỏe là vốn quý nhất cuả mỗi con người, mỗi gia
đình và toàn xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là bổn phận cuả mỗi
người dân, mỗi gia đình và cộng đồng. Đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe là
đầu tư cho phát triển, thể hiện bản chất tốt đẹp cuả chế độ.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo
cuả các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, đặc biệt là tuyến cơ sở về công tác
bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; xác định đây là một trong những
nhiệm vụ chính trị quan trọng; quy định rõ trách nhiệm và kiểm tra hoạt động cuả
từng ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc và
nâng cao sức khỏe nhân dân ở từng địa phương, đơn vị.
Củng cố tổ chức, phương thức hoạt
động cuả Ban Chăm sóc sức khỏe nhân dân ở cơ sở, tăng cường phối hợp liên ngành
trong các hoạt động.
Triển khai thực hiện tốt chiến
lược truyền thông giáo dục sức khỏe đến năm 2010. Tiếp tục kiện toàn mạng lưới
truyền thông giáo dục sức khỏe, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động, đa dạng
hoá các loại hình truyền thông để nâng cao nhận thức và làm chuyển biến nhanh
hành vi cuả người dân để người dân tự giác và chủ động tham gia vào các hoạt động
bào vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe như: vệ sinh phòng bệnh, rèn luyện thể chất,
phòng chống dịch bệnh, phòng chống các tệ nạn xã hội; hạn chế những lối sống và
thói quen có hại cho sức khỏe, tạo thành phong trào “Toàn dân vì sức khỏe”. Đẩy
mạnh thực hiện phong trào “Làng Văn hoá - Sức khỏe” gắn kết với phong trào vận
động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, phấn đấu đến năm 2010 có
80% số khóm ấp được công nhận đạt danh hiệu “ Khóm, ấp văn hoá sức khỏe”.
2. Đổi mới
và hoàn thiện hệ thống y tế địa phương theo hướng công bằng, hiệu quả và phát
triển:
a/- Xây dựng quy hoạch phát
triển hệ thống y tế:
Điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát
triển hệ thống y tế An Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 (trên cơ sở
quy hoạch tổng thể ngành y tế An Giang đã được UBND tỉnh phê duyệt tai Quyết định
số 2303/1999/QĐ-UB ngày 05/10/1999) theo hướng tăng cường xã hội hoá, trong đó
y tế công lập tiếp tục được củng cố phát triển và giữ vai trò chủ đạo, đủ khả
năng giải quyết về cơ bản nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân
dân trong từng thời kỳ với phát triển trình độ chuyên môn kỹ thuật cao ở tuyến
tỉnh, y tế phổ cập tại tuyến cơ sở; từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ y tế,
đảm bảo công bằng và hiệu quả trong khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, dự
phòng và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Trên cơ sở pháp lệnh hành nghề
Y, Dưọc tư nhân, tạo điều kiện khuyến khích phát triển các cơ sở y tế tư nhân,
tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở hành nghề Y, Dược tư
nhân, góp phần ngày càng hiệu quả cùng với hệ thống y tế công lập trong bảo vệ,
chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đến năm 2010 phát triển thêm 01- 02 bệnh
viện tư nhân, khuyến khích phát triển phòng khám đa khoa, chuyên khoa, phát triển
mô hình “Bác sỹ gia đình”, nhà Điều dưỡng tư nhân, trong đó chú trọng chăm sóc
sức khỏe và phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người tàn tật. Triển khai thực
hiện khám chữa bệnh cho đối tượng có thẻ Bảo hiểm Y tế tại các cơ sở y tế tư
nhân theo Nghị định 63/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 cuả Chính phủ về Điều lệ Bảo
hiểm Y tế.
Từng bước chuyển các cơ sở y tế
công lập sang cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ công ích không bao cấp tràn lan và
không nhằm lợi nhuận. Thực hiện việc phân cấp cho cơ sở y tế theo hướng giao
quyền tự chủ đầy đủ về tổ chức và quản lý; thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ;
hạch toán đầy đủ chi phí, cân đối thu chi…nhằm phát huy tối đa tiềm năng cuả
các đơn vị để nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ, bảo đảm quyền lợi và cơ
hội tiếp cận bình đẳng cuả nhân dân đối với các dịch vụ y tế.
Tiếp tục ưu tiên phát triển mạng
lưới y tế, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở, tăng cường cán bộ
y tế cho huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
Tăng cường đầu tư cho y tế dự phòng bảo đảm thực hiện hoàn chỉnh các mục tiêu
chương trình y tế quốc gia. Đẩy mạnh phát triển mạng lưới nhân viên sức khoẻ cộng
đồng để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Xây dựng y tế cơ sở gắn
với chương trình phát triển nông thôn và quá trình phát triển đô thị hoá, đặc
biệt chú ý phục vụ sức khoẻ cho người nghèo, các đối tượng chính sách, vùng
núi, vùng sâu, biên giới.
Tập trung đầu tư đào tạo, đào tạo
lại đội ngũ cán bộ, nâng cao trình độ quản lý, trình độ chuyên môn theo kịp với
quá trình phát triển của ngành và đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân
dân trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế xã hội cuả địa phương.
b/- Phát triển và hoàn thiện
mạng lưới y tế dự phòng:
Phát triển mạng lưới y tế dự
phòng môt cách toàn diện và hợp lý, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cuả nhân
dân trong lĩnh vực phòng bệnh; bảo đảm cho các cơ sở y tế dự phòng có đủ điều
kiện và năng lực thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn trong tình hình mới.
Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở
vật chất, trang thiết bị chuyên dùng cho mạng lưới y tế dự phòng địa phương. Đầu
tư xây dựng mới Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, nâng cấp labo Trung tâm Y tế dự
phòng tỉnh đến năm 2010 đạt tiêu chuẩn labo sinh học an toàn cấp 1.
Đến hết năm 2005 thành lập
Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và bệnh Lao tỉnh, hoàn thành việc thành lập các
Trung tâm Y tế dự phòng tuyến huyện. Đến năm 2006, các Trung tâm Y tế dự phòng
tuyến huyện phải có đầy đủ các khoa: Kiểm soát, phòng chống dịch -HIV-AIDS,
Phòng chống các bệnh xã hội, Y tế trường học - Dinh dưỡng- Thực phẩm, Chăm sóc
sức khỏe sinh sản, Truyền thông Giáo dục sức khỏe, Xét nghiệm.
Tập trung thực hiện tốt công
tác phòng, chống dịch bệnh, phòng chống HIV/AIDS; củng cố và phát triển y tế
trường học.
Tập trung giải quyết các bệnh
truyền nhiễm nguy hiểm ở địa phương: Sốt xuất huyết, Thương hàn, Tả, Sốt rét,
Viêm não virus…Nâng cao năng lực giám sát, phát hiện, chủ động khống chế kịp thời
các dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh mới: SARS, Cúm A (H5N1), không để phát
triển thành dịch lớn. Đến năm 2008 đạt tiêu chuẩn loại trừ bệnh Phong, năm 2010
đạt mục tiêu thanh toán bệnh Sốt rét, giảm tỷ lệ bệnh Lao mới BK (+) còn
100/100.000 dân, giảm tỷ lệ mắc SXH còn 120/100.000 dân, giảm tỷ lệ chết/mắc
SXH còn dưới 0,2 %.
Đẩy mạnh công tác phòng chống
HIV/AIDS, thực hiện đồng bộ các giải pháp truyền thông, can thiệp, giảm thiểu
tác hại…làm hạn chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, đến năm 2010 khống chế
tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,45% và giảm tỷ lệ này sau
năm 2010, giảm tác hại cuả HIV/AIDS đối với phát triển kinh tế xã hội. Kiện
toàn bộ máy quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm; đầu tư nâng cấp
trang thiết bị cho Labo cuả Trung tâm Y tế dự phòng huyện về kiểm nghiệm vệ
sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường các biện pháp quản lý vệ sinh an toàn thực
phẩm đối với dịch vụ thức ăn đường phố. Đến năm 2010 đạt mục tiêu 80% cơ sở sản
xuất, kinh doanh thực phẩm và 70% cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể có giấy
phép đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; giảm 35% số vụ ngộ độc thực phẩm
có trên 30 người mắc và giảm 30% số người ngộ độc thực phẩm so với trung bình 2
năm ( 1999-2000 ).
Củng cố, kiện toàn, đầu tư
trang thiết bị, nâng cao năng lực hoạt động mạng lưới Kiểm dịch y tế tại các cưả
khẩu.
Tổng kết đánh giá hiệu quả
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy
hiểm và HIV-AIDS gai đoạn 2001 - 2005 và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện
hiệu quả chương trình giai đoạn 2006 -2010.
Tiếp tục củng cố, đẩy mạnh hoạt
động, nâng cao hiệu quả chương trình kết hợp quân dân y trong bảo vệ, chăm sóc
và nâng cao sức khỏe nhân dân và cán bộ chiến sỹ các lực lượng vũ trang, nhất
là ở vùng biên giới, vùng sâu.
c/- Củng cố, hoàn thiện mạng
lưới khám chữa bệnh và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh:
Quy hoạch phát triển mạng lưới
khám chữa bệnh cuả tỉnh An Giang theo định hướng: chuẩn hoá, hiện đại hoá và xã
hội hoá, phù hợp với phát triển kinh tế xã hội địa phương trong tình hình mới.
Củng cố và sắp xếp lại mạng lưới
khám, chữa bệnh. Bệnh viện công lập tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, tiếp tục đầu
tư cơ sở vật chất phát triển kỹ thuật cho các cơ sở điều trị công lập. Đầu tư
phát triển theo định hướng chuẩn hoá các phương tiện và kỹ thuật thường quy, sử
dụng có hiệu quả và khai thác hết công suất các thiết bị y tế trong chẩn đoán
và điều trị. Phát triển kỹ thuật chuyên khoa cho tuyến tỉnh, nâng cao chất lượng
khám chữa bệnh đa khoa cho tuyến huyện, sơ cấp cứu và khám chữa bệnh thông thường
và chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến xã. Đẩy mạnh các hoạt động phục hồi chức
năng, phòng ngừa các di chứng.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng
các hạng mục công trình y tế theo Quy hoạch phát triển ngành y tế đến năm 2010:
- Xây dựng mới bệnh viện đa
khoa trung tâm An Giang 500 giường (đến năm 2010 phát triển lên 600 giường và đạt
tiêu chuẩn bệnh viện hạng 1).
- Xây dựng bệnh viện đa khoa
khu vực Châu Đốc 400 giường (đến năm 2010 phát triển lên 400 giường và đạt tiêu
chuẩn bệnh viện hạng 2).
- Thành lập các bệnh viện
chuyên khoa: bệnh viện Lao và bệnh phổi 100 giường, bệnh viện Tâm thần 100 giường,
bệnh viện Nhi 200 giường, bệnh viện Phụ sản 300 giường, bệnh viện Y học cổ truyền
50 giường (sau năm 2010 phát triển lên 100 giường).
- Hoàn thành xây dựng mới các bệnh
viện huyện Thoại Sơn, An Phú, Châu Phú, Châu Thành, thị xã Châu Đốc.
- Đầu tư nâng cấp bệnh viện Tim
mạch tỉnh, bệnh viện Mắt-TMH-RHM thành bệnh viện chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao
- Đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ
sở vật chất và trang thiết bị các bệnh viện tuyến huyện từ nguồn ngân sách cuả
địa phương và nguồn vốn hỗ trợ cuả Trung ương giai đoạn 2005 – 2008. Tranh thủ
nguồn đầu tư cuả Dự án hỗ trợ phát triển hệ thống y tế vùng đồng bằng Cửu Long
do ngân hàng Thế giới tài trợ đầu tư nâng cấp trang thiết bị cho bệnh viện đa
khoa trung tâm tỉnh, bệnh viện Tim mạch, Trung tâm Y tế dự phòng, đào tạo cán bộ
y tế.
Phấn đấu đến năm 2010 số giường
bệnh đạt 3.940 giường, giường bệnh bình quân/vạn dân đạt 16,96 giường (trong đó
giường bệnh cuả bệnh viện tư nhân chiếm 8- 9%).
Khuyến khích các cơ sở khám chữa
bệnh công lập huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, hợp tác và liên
kết với các doanh nghiệp, cá nhân để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp
trang thiết bị, phát triển các khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu và cung cấp các
dịch vụ y tế phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thủ trưởng
đơn vị có trách nhiệm pháp lý về nguồn vốn huy động.
Sắp xếp lại mạng lưới hành nghề
y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh theo quy định cuả pháp luật, khuyến khích đầu
tư cơ sở y tế tư nhân, dân lập, đặc biệt ưu đãi đối với cơ sở y tế ngoài công lập
hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận: Phòng khám nhân đạo, bệnh viện nhân đạo Chữ
thập đỏ…Củng cố nâng cao chất lượng hoạt động các bệnh viện tư nhân, phòng khám
tư nhân; khuyến khích đầu tư kỹ thuật nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phát
triển thêm quy mô giường bệnh. Định hướng phát triển thêm từ 1- 2 bệnh viện tư
nhân.
Thực hiện tốt việc các cơ sở y
tế công lập hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật, đào tạo cho các cơ sở y tế ngoài
công lập, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế ngoài công lập phát triển ổn định
lâu dài. Thực hiện các chính sách bình đẵng giữa khu vực y tế công lập và ngoài
công lập về thi đua khen thưởng, đào tạo…
d/- Phát triển mạng lưới y tế
cơ sở:
Tiếp tục củng cố và hoàn thiện
mạng lưới y tế cơ sở cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ y tế để
nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe
cơ bản cuả ngưòi dân, đặc biệt là người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội,
nhân dân vùng sâu, vùng biên giới.
Củng cố tổ chức, mạng lưới và
hoạt động chuyên môn y tế xã. Đến năm 2010, 100% Tram Y tế xã phường đều có cơ
sở Trạm và trang thiết bị đạt chuẩn quốc gia. Duy trì 3 chỉ tiêu nhân lực y tế
xã: 100% xã có bác sỹ, nữ hộ sinh (hoặc y sỹ sản nhi), 100% khóm ấp có nhân
viên y tế khóm ấp hoạt động.
Đến năm 2010 có 100 % xã đạt
chuẩn quốc gia y tế xã.
3. Nâng
cao sức khỏe nhân dân:
a/- Xây dựng làng Văn
hoá- Sức khỏe:
Phát triển mạnh mẽ các phong
trào vệ sinh phòng bệnh, triển khai thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng
Làng Văn hoá - Sức khỏe. Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận
thức cuả chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về mục
đích, ý nghĩa và nội dung cuả phong trào Làng Văn hoá - Sức khỏe. Gắn thực hiện
“ Làng văn hoá sức khỏe” vào phong trào vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời
sống văn hoá ở khu dân cư”. Phấn đấu đến năm 2010 có 80% số khóm ấp được công
nhận đạt danh hiệu “ Khóm, ấp văn hoá sức khỏe”.
b/- Tăng cường luyện tập
thể dục thể thao:
Tăng cường tuyền truyền vận động
mọi người tham gia phong trào rèn luyện thể dục thể thao, giữ gìn sức khoẻ,
nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi cuả mỗi cá nhân để hoạt động này trở
thành nếp sống phổ biến, thường xuyên cuả cộng đồng.
c/- Xây dựng nếp sống có
lợi cho sức khỏe, đảm bảo an toàn cộng đồng:
Tăng cường công tác truyền
thông giáo dục sức khỏe, nâng cao kiến thức và kỹ năng để mổi cá nhân, gia
đình, cộng đồng xây dựng nếp sống lành mạnh, văn minh, hạn chế lối sống và các
thói quen gây tác hại đến sức khỏe như uống rượu, bia, hút thuốc lá, không chấp
hành an toàn lao động, an toàn giao thông. Triển khai thực hiện có hiệu quả
chương trình phòng, chống tác hại cuả thuốc lá; phòng, chống tai nạn, thương
tích.
d-. Sức khỏe môi trường:
Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện
Chỉ thị 200/CT-TTg ngày 29/04/1994 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường chỉ đạo
cuả Chính quyền các cấp trong công tác quản lý về bảo vệ môi trường. Chỉ đạo, vận
động, hướng dẫn, tổ chức cho nhân dân tham gia các hoạt động làm lành mạnh môi
trường sống, môi trường lao động. Gắn bảo vệ môi trường với phong trào “ Toàn
dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; vận động cộng đồng xây dựng
mô hình gia đình sức khoẻ với nội dung: “Có đủ nước sạch + Có cầu tiêu hợp vệ
sinh + Ăn ở hợp vệ sinh + Mọi người biết tự chăm lo sức khoẻ cho bản thân, gia
đình và giữ vệ sinh chung cho cộng đồng”. Phấu đấu thực hiện cho được mục tiêu
đến năm 2010 có 85% hộ gia đình sử dụng nước sạch, 80% hộ gia đình có nhà tiêu
hợp vệ sinh.
đ/- Chăm sóc sức khỏe cho
các đối tượng ưu tiên:
Tăng cường công tác Y tế trường
học, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh sinh viên. Chăm
sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ - trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe
sinh sản vị thành niên, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
e/-. Dinh dưỡng hợp lý và
an toàn thực phẩm:
Đổi mới và kiện toàn cơ quan quản
lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đa dạng hoá các loại hình truyền
thông để nâng cao nhận thức và huy động nhiều hơn nữa sự tham gia cuả cộng đồng
trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến năm 2010 có 90% người sản xuất,
80% người kinh doanh thực phẩm, 100% người quản lý và 80% người tiêu dùng có hiểu
biết và thực hành đúng về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thực hiện tốt công tác phòng chống
suy dinh dưỡng trẻ em, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, các bệnh mãn tính
liên quan đến dinh dưỡng. Đến năm 2010, tình trạng dinh dưỡng của nhân dân được
cải thiện rõ rệt, các gia đình trước hết là trẻ em và bà mẹ được nuôi dưỡng và
chăm sóc hợp lý, bữa ăn của người dân đủ hơn về số lượng, cải thiện hơn về chất
lượng, bảo đảm về an toàn vệ sinh
Đẩy mạnh hoạt động đảm bảo chất
lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, quán triệt và thực hiện triệt để Pháp lệnh vệ
sinh an toàn thực phẩm, thực hiện phân cấp quản lý cơ sở chế biến, sản xuất thực
phẩm, bếp ăn tập thể, từng bước kiểm soát tốt thức ăn đường phố, giảm đáng kể
tình trạng ô nhiễm vi sinh vật ở thức ăn đường phố, thực phẩm chế biến sẵn.
Gắn kết chặt chẽ xây dựng các
mô hình điểm về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm với phong trào toàn dân kết
xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Nhân rộng các điển hình về bảo đảm an
toàn vệ sinh thức ăn đường phố, đặc biệt là tại khu vực đô thị. Đến năm 2010,
có 70% số phường, xã cuả thành phố Long Xuyên và thị xã Châu Đốc đạt tiêu chuẩn
bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
4. Nghiên cứu,
kế thừa bảo tồn và phát triển Y, Dược học cổ truyền:
Trên cơ sở Đề án thực hiện Chính
sách quốc gia về Y, Dược học cổ truyền đến năm 2010 tỉnh An giang (đã được UBND
tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2545/QĐ.UBND ngày 13/9/2005), ngành Y tế xây dựng
kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả việc kế thừa bảo tồn và phát triển Y, Dược
học cổ truyền, kết hợp chẵt chẽ với Y học hiện đại bảo vệ, chăm sóc và nâng cao
sức khỏe nhân dân.
Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản
lý nhà nước về Y, dược học cổ truyền (YDHCT): tại Sở Y tế có phòng hoặc bộ phận
quản lý YDHCT; Phòng Y tế huyện, thị xã, thành phố có cán bộ chuyên trách theo
dõi công tác YDHCT. Về cơ sở khám chữa bệnh YDHCT: Năm 2006 đưa Trung tâm Đông
y châm cứu 50 giường đi vào hoạt động và tiến tới thành lập bệnh viện y học cổ
truyền 50 giường vào năm 2010 và phát triển lên 100 giường sau năm 2010. Củng cố
nâng cao chất lượng hoạt động Khoa YHCT tại 02 bệnh viện đa khoa tỉnh, các khoa
YHCT (bệnh viện huyện trên 150 giường ) hoặc tổ YHCT (bệnh viện huyện dưới 150
giường). Đến năm 2007 có 80% Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (Trạm y tế cơ sở)
có hoạt động khám chữa bệnh y học cổ truyền tại Trạm và đến năm 2010 có 100% Trạm
Y tế cơ sở có hoạt động khám chữa bệnh bằng YHCT. Phấn đấu đạt chỉ tiêu khám chữa
bệnh bằng YHCT hàng năm: tại tuyến tỉnh bằng 20%, tuyến huyện bằng 25% và tuyến
xã phường bằng 40% số người được khám điều trị chung; đạt chỉ tiêu sử dụng thuốc
YHCT tại tuyến tỉnh là 20%, tuyến huyện là 25%, tuyến xã là 40%.
Thành lập bộ môn Y học cổ truyền
Trường Trung học Y tế An Giang, liên kết với Trường Đại học Y Dược TP HCM, Cần
Thơ đảm bảo công tác đào tạo, đào tạo lại cho đội ngũ lương y, lương dược, cán
bộ Y học cổ truyền, đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực làm công tác y học cổ
truyền.
Đẩy mạnh kết hợp Đông Tây y
trong khám chữa bệnh cho nhân dân ở tất cả các cơ sở y tế. Tuyên truyền, vận động
nhân dân khôi phục phong trào “Trồng và sử dụng thuốc Nam” và ứng dụng những
phương pháp phòng, chữa bệnh đơn giản không dùng thuốc để phòng và chữa một số
chứng, bệnh thông thường ở cộng đồng. Sưu tầm kế thừa các bài thuốc, phương
pháp chữa bệnh YHCT có khả năng điều trị hay hỗ trợ điều trị có kết quả các bệnh
nan y: Hen phế quản, Thận hư nhiễm mở, Viêm loét dạ dày tá tràng…, những bệnh
mà y học hiện đại đang gặp khó khăn: cai nghiện ma tuý, cao huyết áp...
Khuyến khích các tổ chức, cá
nhân trong và ngoài nước đầu tư thành lập các loại hình khám chữa bệnh bằng
YHCT theo quy định cuả Pháp luật.
Khuyến khích các cơ sở sản xuất
thuốc Đông Dược đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để sản xuất thuốc đảm bảo chất
lượng, có giá trị cạnh tranh trên thị trường và đến năm 2010 đạt tiêu chuẩn “
Thực hành sản xuất thuốc tốt” (GMP).
Ngành Y tế kết hợp với các
ngành chức năng nghiên cứu khảo sát tổng hợp, phân tích, xác định nhu cầu cần sử
dụng dược liệu, xây dựng kế hoạch bảo vệ, khai thác các nguồn dược liệu tự
nhiên quý hiếm, quy hoạch vùng chuyên trồng dược liệu khu vực Bảy núi.
5. Phát triển
nguồn nhân lực:
Phát triển nguồn nhân lực y tế
cân đối và hợp lý. Bảo đảm đạt các chỉ tiêu cơ bản: có từ 5,2 bác sỹ/ 10.000
dân vào năm 2010 ( trong đó y tế tư nhân chiếm 10% ); có 0,8 dược sỹ đại học/10.000
dân vào năm 2010 (trong đó y tế tư nhân chiếm 30-40%), trong đó tuyến huyện có
từ 1-3 dược sỹ đại học.
Đẩy mạnh công tác đào tạo, phát
triển cơ cấu cán bộ y tế cân đối và hợp lý giữa các lĩnh vực dự phòng và điều
trị, giữa các tuyến tỉnh, huyện, xã nhằm nâng cao hiệu quả công tác bào vệ,
chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân
Định hướng về đào tạo cán bộ:
- Điều chỉnh cơ cấu: tăng tỷ lệ
cán bộ có trình độ sau đại học, đại học và trung học, giảm dần trình độ sơ học
trong các cơ sở y tế nhà nước.
- Chuyên khoa hoá sau đại học
cho tuyến tỉnh, huyện.
- Chuẩn hoá cán bộ lãnh đạo đơn
vị, lãnh đạo khoa phòng các tuyến.
- Kỹ năng hoá việc sử dụng
thành thạo trang thiết bị hiện đại.
- Tăng cường đào tạo cán bộ dược,
cán bộ thuộc các lĩnh vực y xã hội học, y tế cộng đồng, vệ sinh dịch tễ, quản
lý chuyên ngành, thanh tra y tế, điều dưỡng chuyên sâu, điều dưỡng cộng đồng...
- Phổ cập kiến thức ngoại ngữ,
tin học, luật, quản lý, hành chính...
- Tăng cường đào tạo cử tuyển
cho con em đồng bào dân tộc thiều số.
- Xây dựng đề àn tuyển chọn,
đào tạo, sử dụng và đãi ngộ nhân tài trong ngành Y tế. Đẩy mạnh việc đưa cán bộ
đi đào tạo tại nước ngoài bằng nguồn kinh phí nhà nước, nguồn viện trợ nước
ngoài; khuyến khích các hình thức du học tự túc.
Dự kiến nguồn đào tạo:
v Cán bộ đại học và sau đại học
:
- Tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp
hàng năm.
- Cử tuyển cán bộ học chuyên tu
tại các Trường của TP HCM, TP Cần thơ, Học viện Quân y Quân khu IX.
- Kết hợp với các Viện, Trường
của Trung ương, TP HCM và TP Cần thơ đào tạo cao học, sau đại học và đào tạo
nâng cao trình độ chuyên môn.
v Cán bộ trung, sơ học:
Do trường Trung học Y tế đảm nhiệm đào tạo tại địa
phương, đào tạo thêm các ngành: y sĩ Y học dân tộc hệ chính quy, kỹ thuật viên
xét nghiệm, kỹ thuật viên phục hình răng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu - phục
hồi chức năng.
Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang
thiết bị và đội ngũ giáo viên nhà trường để đến năm 2008 phát triển lên trường
Cao đẵng Y tế. Đến năm 2010 hoàn thành xây dựng mới Trường Trung học Y tế An
Giang quy mô 800 -900 học sinh.
Xây dựng và đề xuất các chính sách ưu đãi đối với
cán bộ, nhân viên y tế đặc biệt là cán bộ y tế tuyến cơ sở, cán bộ y tế công
tác tại vùng sâu, biên giới, vùng dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt các chế độ
chính sách đối với cán bộ y tế .
6. Sản xuất, cung ứng thuốc:
Đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng sản
xuất thuốc cuả Công ty Dược phẩm tỉnh đạt tiêu chuẩn GMP. Khuyến khích các cơ sở
sản xuất thuốc Đông Dược đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để đạt tiêu chuẩn GMP
đông dược.
Tiếp tục củng cố phát triển mạng lưới cung ứng
thuốc từ tuyến tỉnh đến phường, xã, đảm bảo cung ứng đủ thuốc thiết yếu, thường
xuyên, có chất lượng, đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, đáp ứng nhu cầu bảo
vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Thực hiện đấu thầu cung ứng thuốc tại các đơn vị
sự nghiệp công lập Quy hoạch lại mạng lưới hành nghề Dược ngoài công lập theo
đúng quy định Bộ Y tế: tại địa bàn Thành phố, Thị xã, Thị trấn phải thực hiện
hình thức Nhà thuốc, 100% các cơ sở Đại lý thuốc có người bán thuốc có chuyên
môn từ Dược tá sơ học trở lên.
Đầu tư xây dựng mới cơ sở Trung tâm Kiểm nghiệm
Dược phẩm - Mỹ phẩm của tỉnh, nâng cấp trang thiết bị đạt tiêu chuẩn thực hành
kiểm nghiệm thuốc tốt (GLP) để đủ khả năng giúp Sở quản lý toàn bộ chất lượng
thuốc sản xuất tại địa phương và các loại thuốc lưu hành trên địa bàn.
7. Trang thiết bị và ứng dụng
khoa học công nghệ trong y tế:
Đẩy mạnh việc tiếp cận, sử dụng hiệu quả những
trang thiết bị y tế hiện đại, chuyên sâu tại các bệnh viện.
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chuyên
môn về lĩnh vực trang thiết bị y tế, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ có trình
độ chuyên môn, kỹ năng khai thác, sử dụng và bảo trì các trang thiết bị hiện đại
để sử dụng được lâu dài và khai thác tối đa công suất sử dụng trang thiết bị .
Phát triển khoa học công nghệ và khoa học ứng dụng
với trình độ kỹ thuật cao tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh nhằm giải quyết được hầu
hết các bệnh tật đòi hỏi phải có kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị: chẩn
đoán hình ảnh, trang thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán, phẫu thuật, kỹ thuật can
thiệp tim mạch, sọ não, phẫu thuật lồng ngực, phẫu thuật nội soi, máy giúp thở,
lọc thận nhân tạo, máy theo dõi bệnh nhân, xét nghiệm đa chức năng…
Song song với đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao
cho tuyến tỉnh đầu tư phát triển y tế phổ cập cho tuyến y tế cơ sở. Tiếp tục đầu
tư các trang thiết bị cần thiết cho các bệnh viện huyện: X quang, siêu âm, máy
giúp thở, xét nghiệm sinh hoá, huyết học, máy theo dõi bệnh nhân, trang bị phẫu
thuật… để đảm bảo chức năng cấp cứu ban đầu đối với các trường hợp bệnh nặng,
phức tạp; đầu tư các trang thiét bị cơ bản cho các Trạm Y tế phường xã theo chuẩn
quốc gia y tế xã để đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Tăng cường công tác thông tin y tế, ứng dụng các
phần mềm tin học trong chuyên môn, quản lý, củng cố hệ thống báo cáo thống kê,
cung cấp thông tin kịp thời với độ tin cậy cao.
8. Tăng cường sự lãnh đạo,
chỉ đạo đối với công tác y tế:
a/- Đổi mới cơ chế chính sách:
Tăng nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho
ngành Y tế, trong đó ưu tiên đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, cho các vùng
nghèo, vùng sâu, biên giới, vùng dân tộc thiểu số và chú trọng phát triển y tế
kỹ thuật cao.
Thực hiện tốt việc giao quyền tự chủ, tự chịu
trách nhiệm về tổ chức, bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự
nghiệp có thu trong lĩnh vực y tế. Riêng các cơ sở khám chữa bệnh công lập, từng
bước thực hiện tự chủ về tài chính song song với bảo đảm hỗ trợ người nghèo,
ngưỡng nghèo, các đối tượng chính sách xã hội và tiến trình phát triển bảo hiểm
y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2010.
Khuyến khích các cơ sở y tế huy động các nguồn vốn
ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp trang thiết
bị và cung cấp các dịch vụ y tế phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cuả đơn vị trong
tình hình mới.
Tổ chức thực hiện tốt việc khám chữa bệnh cho
người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội; xây dựng
chính sách hỗ trợ đối với những người có thu nhập thấp, đảm bảo công bằng trong
khám chữa bệnh.
Quản lý sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cuả
TW để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng, bảo đảm môi
trường lao động và sức khỏe người lao động.
Tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị định số
63/2005/NĐ-CP cuả Chính phủ về Điều lệ Bảo hiểm y tế. Xây dựng lộ trình tiến tới
Bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2010. Tổ chức tốt việc cung cấp dịch vụ khám chữa
bệnh bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế
trong khám, chữa bệnh.
9. Cải cách hành chính, tăng
cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về y
tế
Đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính
trong các lĩnh vực cuả ngành Y tế phù hợp với chương trình cải cách hành chính
của UBND tỉnh giai đoạn II (2006 – 2010).
Tăng cường đào tạo cán bộ quản lý các cấp về kiến
thức tổ chức và quản lý trong lĩnh vực y tế. Phân cấp quản lý rõ ràng cho các
tuyến y tế để các địa phương phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc xây
dưng và thực hiện kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Tiếp tục nâng cao năng lực lập kế hoạch (ngắn hạn,
dài hạn) và quản lý tài chính trong các lĩnh vực hoạt động cuả ngành Y tế. Thường
xuyên theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả hoạt động để thúc đẩy việc thực hiện
kế hoạch theo đúng tiến độ thời gian và đạt hiệu quả cao. Tăng cường quản lý chất
lượng dịch vụ y tế, quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả nguồn tài chính tại
các cơ sở y tế công lập nhằm đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Kiện toàn hệ thống thanh tra y tế, tăng cường đội
ngũ cán bộ thanh tra y tế để đảm bảo thực hiện tốt quản lý nhà nước bằng pháp
luật. Nâng cao hiệu lực hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện
các chế độ, chính sách cuả Nhà nước trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe
nhân dân. Nâng cao kiến thức về quản lý nhà nước và kiến thức về pháp luật cho
cán bộ ngành Y tế.
Song song với việc đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá
các hoạt động y tế, tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với các cơ sở hành
nghề Y dược ngoài công lập để các cơ sở hành nghề ngoài công lập hoạt động theo
đúng quy định cuả pháp luật. Khuyến khích các cơ sở ngoài công lập tham gia
khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và các hoạt động nhân đạo vì sức khỏe.
10. Tăng cường hợp tác quốc
tế:
Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ
chức phi chính phủ, các tổ chức ngân hàng quốc tế …đã và đang có chính sách hỗ
trợ, hợp tác trong đầu tư phát triển các lĩnh vực cuả ngành y tế tại An Giang
Tiếp tục thực hiện tốt các dự án đã và đang triển
khai: các dự án về Sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS, nghiên cứu Sốt xuất
huyết, Thương hàn, nước sạch - vệ sinh môi trường…quản lý chặt chẽ và sử dụng
có hiệu quả các nguồn vốn viện trợ nước ngoài.
Chuẩn bị tốt việc tiếp nhận dự án hỗ trợ hệ thống
y tế vùng đồng bằng sông Cửu Long do ngân hàng Thế giới tài trợ.
Xây dựng một số đề án đầu tư trọng điểm kêu gọi
đầu tư phát triển y tế tuyến tỉnh, huyện và cho từng lĩnh vực cuả ngành Y tế
trong từng giai đoạn phát triển. Mở rộng liên doanh, liên kết với các tổ chức,
cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư phát triền các lĩnh vực cuả ngành y tế tại địa
phương.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị,
thành phố có trách nhiệm:
- Nghiên cứu, triển khai quán triệt các nội dung
cuả Nghị quyết 46-NQ/TW cuả Bộ Chính trị, Chỉ thị số 35-CT/TU cuả Tỉnh ủy,
Chương trình hành động cuả UBND tỉnh; cụ thể hoá các quan điểm, mục tiêu cuả
Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình hành động này trong kế hoạch 5 năm, hàng năm
cuả từng Sở, ngành, địa phương.
- Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm
vụ, chương trình, đề án, dự án đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.
- Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố, phường,
xã trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phân bổ, bố trí ngân sách nhà nước cho hoạt
động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, bảo đảm phù hợp với yêu cầu
thực tế tại điạ phương, phù hợp với định hướng mục tiêu đã được xác định tại
Nghị quyết số 46-NQ/TW.
2/- Sở Y tế có trách nhiệm:
- Phối hợp với Ban Tuyên giáo tỉnh
ủy, Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, các Sở ngành, đoàn thể tổ chức phổ biến rộng
rãi nội dung Nghị quyết 46-NQ/TW cuả Bộ Chính trị, Chỉ thị số 35-CT/TU cuả Tỉnh
ủy và Chương trình hành động này.
- Xây dựng kế hoạch thực hiện
cuả ngành Y tế, phối hợp các Sở ngành, đoàn thể tổ chức triển khai thực hiện.
Xây dựng và trình UBND tỉnh các dự án, đề án theo sự phân công cuả UBND tỉnh.
Chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ cuả Nghị quyết
cuả Bộ Chính trị, Chỉ thị cuả Tỉnh ủy, Chương trình hành động cuả UBND tỉnh cho
các CBCNV trong ngành. Chỉ đạo cho các Phòng Y tế huyện, thị, thành phố tham
mưu giúp Ủy ban nhân dân huyện tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể
trong Chương trình hành động cuả UBND tỉnh trên địa bàn mình phụ trách.
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra
việc thực hiện Chương trình này và định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ
trì, phối hợp với Sở Tài chính bố trí đủ vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm
theo kế hoạch ngân sách đã được Bộ Tài chính, Bộ Y tế, UBND tỉnh phê duyệt, tạo
bước bức phá để nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng , các
bệnh viện tuyến tỉnh, huyện.
4. Sở Tài chính chủ trì phối hợp
với Sở Y tế và các Sở ngành có liên quan tham mưu đề xuất các chính sách về tài
chính y tế theo hướng tăng nhanh các nguồn đầu tư tài chính từ ngân sách nhà nước,
bảo hiểm y tế; bảo đảm cấp đủ, kịp thời kinh phí đã được phê duyệt cho các hoạt
động thuộc lĩnh vực cuả ngành y tế.
5. Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với
Sở Y tế và các cơ quan có liên quan, căn cứ vào các văn bản hướng dẫn cuả các Bộ,
ngành TW tham mưu đề xuất UBND tỉnh ban hành các Quy định cụ thể về tăng cường
tính tự chủ cho các bệnh viện.
6. Sở Giáo dục & Đào tạo chủ
trì phối hợp với Sở Y tế đẩy mạnh hoạt động y tế trường học, tăng cường đào tạo
cán bộ y tế sơ học và trung học.
7. Sở Văn hoá - Thông tin phối
hợp với Sở Y tế, UBND các huyện, thị, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông
giáo dục sức khỏe trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp với Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Y tế tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả phong trào
xây dựng “ Làng Văn hoá - Sức khỏe” ở mọi khóm, ấp.
8. Tỉnh đội phối hợp với Sở Y tế
đẩy mạnh hoạt động Chương trình kết hợp quân - dân y trong bảo vệ, chăm sóc và
nâng cao sức khỏe nhân dân và lực lượng vũ trang.
9. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội xây dựng kế hoạch thực hiện
phòng, chống tai nạn lao động, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người lao động;
thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh cho người nghèo. Phối hợp với Sở Y tế và
Sở ngành liên quan triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động cuả Trung tâm cai
nghiện, chữa bệnh cho đối tượng tệ nạn ma tuý, mại dâm; đề án cai nghiện ma tuý
tại cộng đồng.
10. Sở Thể dục thể thao phối hợp
chặt chẽ với Sở Y tế và các Sở ngành có liên quan tổ chức đẩy mạnh các phong
trào rèn luyện thể dục, thể thao, hạn chế các lối sống, thói quen có tác hại đến
sức khỏe: hút thuốc lá, rượu bia…; thực hiện hiệu quả đề án “Nâng cao tầm vóc
và thể chất người Việt Nam”.
11. Ủy ban Dân số - Gia đình và
Trẻ em phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế tổ chức thực hiện tốt công tác bảo vệ sức
khỏe bà mẹ trẻ em và dân số-KHHGĐ, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi.
12. Bào hiểm xã hội tỉnh có nhiệm
vụ triển khai thực hiện tốt các chính sách về bảo hiểm y tế, xây dựng lộ trình
thực hiện tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2010.
13. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị, thành phố có trách nhiệm:
- Xây dựng Kế hoạch thực hiện cụ
thể Nghị quyết cuả Bộ Chính trị và Chương trình hành động cuả UBND tỉnh về công
tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân tại địa phương huyện, thị,
thành phố trước ngày 31/12/2005. Kế hoạch cần được cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm
vụ và giải pháp thành nội dung phù hợp với từng địa phương; quy định rõ trách
nhiệm cuả từng ngành và các tổ chức chính trị xã hội trong công tác bảo vệ,
chăm sóc và nâng cao sức khỏe cuả nhân dân trong địa phương
- Huy động các nguồn lực cuả địa
phương, bảo đảm bố trí ngân sách cho các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe
nhân dân trên địa bàn huyện.
- Tổ chức chỉ đạo, kiểm tra,
giám sát, định kỳ sơ tổng kết báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả hoạt động
chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ
quốc Việt Nam tỉnh huy động các thành viên cuả Mặt trận tích cực tham gia thực
hiện Chương trình hành động này trong phạm vi hoạt động cuả mình.