Kế hoạch số 20/KH-UBND về việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới giai đoạn 2006-2010 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 20/2006/KH-UBND
Ngày ban hành 17/04/2006
Ngày có hiệu lực 17/04/2006
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Ngô Thị Thanh Hằng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20/2006/KH-UBND

Hà Nội, ngày 17 tháng 04 năm 2006 

 

KẾ HOẠCH BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN  TRONG TÌNH HÌNH MỚI GIAI ĐOẠN 2006-2010

Thực hiện nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về công tác Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 15/8/2005 của Thành uỷ Hà Nội và Quyết định số 243/QĐ-TTg ngày 05/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới giai đoạn 2006-2010 như sau:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU:

1. Mục tiêu: Xây dựng và phát triển hệ thống y tế Thủ đô hoàn chỉnh; Phát triển một số kỹ thuật chuyên sâu đạt trình độ y tế các nước tiên tiến trong khu vực và tiến tới hội nhập y tế quốc tế, xứng đáng là trung tâm công nghệ cao về y học của cả nước; Nâng cao thể lực, giảm tỷ lệ mắc bệnh, tăng tuổi thọ, người dân được phát triển tốt về thể chất và tinh thần, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và cả nước.

2. Chỉ tiêu:

- Các chỉ tiêu về sức khỏe cần đạt được vào năm 2010.

+ Tăng tuổi thọ trung bình người dân lên 79 tuổi (toàn quốc là 72 tuổi).

+ Tỷ lệ chết mẹ liên quan đến sinh đẻ giảm xuống dưới 10/100.000 ca trẻ đẻ ra sống (toàn quốc là 70/100.000 ca trẻ đẻ sống).

+ Tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi giảm xuống dưới 7,8%o (toàn quốc là 16%o).

+ Tỷ lệ chết trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống dưới 9,3%o (toàn quốc là 25%o).

+ Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống 10,0% (toàn quốc là 20%).

- Các chỉ tiêu dịch vụ y tế đến năm 2010 (chỉ tính các cơ sở thuộc Hà Nội).

+ Đạt tỷ lệ trên 15 bác sỹ/10.000 dân (toàn quốc 7 bác sỹ/10.000 dân).

+ Đạt tỷ lệ trên 6,0 dược sỹ đại học/10.000 dân (toàn quốc là 1,0/10.000 dân).

+ Đạt tỷ lệ giường bệnh 25/10.000 dân trong đó 30% là giường độc lập (toàn quốc 20,5 giường/10.000 dân trong đó 10% là giường độc lập). Phấn đấu đạt 12 bệnh viện tư nhân hoặc đầu tư nước ngoài với trên 3.000 giường bệnh.

+ Phấn đấu có 01 bệnh viện hạng đặc biệt, 07 bệnh viện hạng I, còn lại là các bệnh viện hạng II.

+ Đầu tư phát triển các trung tâm kỹ thuật chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ gen, di truyền; y tế dự phòng và khám chữa bệnh có chất lượng và trình độ cao.

+ Đào tạo sau đại học cho cán bộ, công chức Ngành y tế tăng 26 tiến sỹ, 41 thạc sỹ và trên 450 cán bộ chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II.

+ Phấn đấu 100% xã, phường đạt Chuẩn quốc gia về y tế vào năm 2008 (toàn quốc phấn đấu đạt 75% vào năm 2010).

+ Phấn đấu hàng năm tăng từ 15% đến 18% ngân sách chi thường xuyên cho công tác y tế.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trong tình hình mới:

Tổ chức quán triệt phổ biến rộng rãi Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Thành ủy và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội, cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe trong tình hình mới.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là tuyến cơ sở, phải xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, coi trọng phát triển y tế là nhân tố tích cực góp phần đảm bảo an ninh chính trị, ổn định xã hội, đưa các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vào chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đa dạng hóa các loại hình truyền thông để nhân dân tự giác và tích cực tham gia vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe như phong trào vệ sinh môi trường, rèn luyện thân thể, phòng chống dịch bệnh, phòng chống các tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống văn minh người Hà Nội, phong trào làng văn hóa – làng sức khỏe, đảm bảo an toàn cộng đồng, xây dựng phong trào "Toàn dân vì sức khỏe".

2. Phát triển nguồn nhân lực y tế:

Phát triển nguồn nhân lực y tế cân đối và hợp lý, đảm bảo đạt được các chỉ tiêu cơ bản: có trên 15 bác sỹ trên 10.000 dân vào năm 2010 và có trên 18 bác sỹ vào năm 2020; 6,0 dược sỹ đại học trên 10.000 dân vào năm 2010 và 8,0 dược sỹ đại học trên 1.000 dân vào năm 2020; Đảm bảo cơ cấu cán bộ y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh từ 3,0 đến 3,5 Điều dưỡng - Hộ sinh trên 1 Bác sỹ.

Sắp xếp, mở rộng, nâng cấp Trường Trung học Y tế Hà Nội thành Trường Cao đẳng Y Hà Nội để đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ y tế về số lượng và chất lượng phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành y tế.

[...]