Quyết định 29/2007/QĐ-UBND về Đề án phát triển xã hội hóa bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2010

Số hiệu 29/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/06/2007
Ngày có hiệu lực 15/06/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Huỳnh Tấn Thành
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do – Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2007/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 05 tháng 6 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN XÃ HỘI HÓA BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao;

Căn cứ Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập;

Căn cứ Quyết định số 2194/QĐ-BYT ngày 21/6/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án phát triển xã hội hóa bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân;

Căn cứ Thông tư số 91/2006/TT-BTC ngày 02/10/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Công văn số 788/YT-NVY ngày 04/5/2007 về việc xem xét Đề án xã hội hóa y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án phát triển xã hội hóa bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2010.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN XÃ HỘI HÓA BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 29/2007/QĐ-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2007 của UBND tỉnh Bình Thuận)

Phần I

MỘT SỐ KẾT QUẢ THỰC HIỆN XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC Y TẾ

I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân (BVCSNCSK) được Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm chỉ đạo và động viên các ban, ngành, đoàn thể xã hội cùng tham gia phối hợp với ngành y tế trong các hoạt động BVCSNCSK nhân dân; nhiều chương trình y tế đạt được mục tiêu đề ra và tiếp tục duy trì, các hoạt động trong lĩnh vực dự phòng được nhân dân tích cực hưởng ứng và đạt hiệu quả cao như: tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, lao, phong, sinh đẻ có kế hoạch... Nhà nước tiếp tục đầu tư mạng lưới khám chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Song song với việc kiện toàn mạng lưới y tế Nhà nước, chính sách xã hội hóa về y tế theo chủ trương của Chính phủ cũng thu được những kết quả đáng kể. Mạng lưới dược tư nhân (nhà thuốc tây, đại lý thuốc, quầy thuốc) phát triển rộng khắp, tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh ở mọi vùng, mọi miền trong tỉnh không còn là mối quan tâm. Trong lĩnh vực khám chữa bệnh, đã có 02 bệnh viện đa khoa tư nhân hình thành và 451 phòng khám tư, dịch vụ y tế, y học cổ truyền... hoạt động góp phần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh. Trung bình hàng năm đã khám và điều trị 1.682.273 lượt người; tương đương 73% số bệnh nhân được khám và điều trị tại các cơ sở y tế công lập.

Đóng góp viện phí, tham gia bảo hiểm y tế là một trong những nội dung quan trọng và thiết thực của vấn đề xã hội hóa công tác khám chữa bệnh. Nguồn thu viện phí hàng năm chiếm từ 50 - 60% tổng kinh phí Nhà nước cấp cho công tác khám chữa bệnh, việc thu viện phí đã góp phần xóa bỏ bao cấp, góp phần nâng cao thu nhập và ý thức trách nhiệm của toàn ngành. Bảo hiểm y tế đã từng bước nhanh chóng mở rộng về quy mô số người tham gia bảo hiểm, tính đến ngày 30/9/2006 đã có 58.963 người tham gia, nâng tổng số người có thẻ bảo hiểm y tế còn hạn sử dụng lên 462.763 người (tính cả người nghèo), chiếm khoảng 39,45% dân số toàn tỉnh; nếu tính cả 160.000 trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí, thì tỷ lệ người có thẻ bảo hiểm y tế còn hạn sử dụng chiếm 45,68% dân số toàn tỉnh; nguồn thu bảo hiểm y tế đạt khá, từ 10 tỷ đồng những năm trước tăng lên 22 - 23 tỷ đồng vào năm 2006. Đã có 96% số xã triển khai công tác khám chữa bệnh cho đối tượng bảo hiểm y tế. Công tác khám chữa bệnh cho người nghèo được tổ chức triển khai đều khắp đến các xã miền núi, dân tộc thiểu số, vùng cao, hải đảo,...với sự hỗ trợ của các Hội từ thiện đã tổ chức các đợt khám chữa bệnh, mổ các di tật về răng, hàm mặt, mắt miễn phí cho các xã nghèo và đảo Phú Quý trong chương trình “Vì nụ cười và ánh mắt tuổi thơ” và chương trình “Phòng, chống mù lòa”.

Huy động sự tài trợ của các tổ chức nước ngoài, các tổ chức từ thiện, phi chính phủ và cộng đồng xã hội đã mang lại cho ngành y tế một lượng lớn trang thiết bị, trang bị cho các cơ sở khám chữa bệnh từ xã đến tỉnh góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và các hoạt động dự phòng khác; đã mang lại ánh sáng cho hàng ngàn người mù do đục thủy tinh thể không đủ khả năng chi trả cho chi phí phẩu thuật; đã thực hiện đạt một số kết quả nhất định trong công tác phòng chống HIV/AIDS, phòng chống sốt rét, lao; làm sạch môi trường hưởng ứng ngày thế giới sạch hơn, thu gom vật phế thải, diệt trừ bọ gậy nhằm phòng - chống dịch sốt xuất huyết...

II. NHỮNG TỒN TẠI, VƯỚNG MẮC

Nội dung, phương pháp, tổ chức điều hành, huy động cộng đồng tham gia các chương trình chăm sóc sức khỏe còn thiếu đồng bộ, chưa phát triển cả chiều rộng cũng như chiều sâu và chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và cơ sở. Chưa phát động được phong trào nhân dân tham gia rộng rãi vào các mặt: vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch, xây dựng hố xí hợp vệ sinh, dinh dưỡng...

Tiềm năng của thu viện phí và bảo hiểm y tế chưa được khai thác hết: chỉ thu một phần viện phí, đối tượng tham gia bảo hiểm y tế chưa đầy đủ; mới chỉ giới hạn trong phạm vi các đối tượng bắt buộc, học sinh, người nghèo... chính sách thu viện phí chậm sửa đổi, mang tính bình quân, dàn đều cho các loại đối tượng... dẫn đến việc thiếu kinh phí và không đủ điều kiện để chăm lo tốt hơn cho các đối tượng chính sách, người nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn. Mạng lưới của bảo hiểm y tế còn mỏng, số người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện còn ít. Công tác quản lý Nhà nước về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện còn nhiều sơ hở, thiếu chặt chẽ, nên dẫn đến việc lạm dụng cấp phát, sử dụng thẻ BHYT tự nguyện, mặt khác người dân cũng chưa nhận thức đúng ý nghĩa của bảo hiểm y tế, nên đa phần chỉ có người già, người mắc bệnh mãn tính mới muốn mua bảo hiểm y tế tự nguyện; hoặc khi đã mua thì dù không bệnh tật vẫn đi khám bệnh để được cấp thuốc.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ