Quyết định 338/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt "Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 338/QĐ-TTg
Ngày ban hành 19/02/2013
Ngày có hiệu lực 19/02/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Quyền dân sự

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 338/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN LÝ LỊCH TƯ PHÁP ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật lý lịch tư pháp ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030” kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện Quyết định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
 - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, PL (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

CHIẾN LƯỢC

PHÁT TRIỂN LÝ LỊCH TƯ PHÁP ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ)

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH CHIẾN LƯỢC

1. Bối cảnh

Lý lịch tư pháp có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống dân sự của công dân, trong quản lý nhân sự và hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự, đáp ứng yêu cầu chứng minh về nhân thân tư pháp của cá nhân cũng như tạo điều kiện cho người bị kết án trong việc xóa án tích, tái hòa nhập cộng đồng.

Ở hầu hết các nước, hệ thống quản lý lý lịch tư pháp đã được thiết lập, phát triển từ hàng chục đến hàng trăm năm nay, có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tính minh bạch, bảo đảm thực hiện các quyền dân chủ của công dân; là phương tiện để thực hiện xóa án tích trong trường hợp người bị kết án đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích. Lý lịch tư pháp cũng chính là công cụ hỗ trợ các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác định các tình tiết tái phạm hay tái phạm nguy hiểm khi giải quyết các vụ việc cụ thể.

Chế định lý lịch tư pháp ở Việt Nam đã có lịch sử hơn 100 năm nay, nhưng trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà nước ta vẫn duy trì chế độ lý lịch tư pháp do Bộ Tư pháp và Tòa án đảm nhiệm. Ngày 02 tháng 11 năm 1955, Bộ Tư pháp và Bộ Công an đã ban hành Thông tư liên bộ số 1909-VHC về việc theo dõi lý lịch tư pháp và căn cước của bị can và những người bị tình nghi. Theo đó, nhiệm vụ quản lý lý lịch tư pháp được chuyển giao, tập trung vào một đầu mối do Bộ Công an đảm nhiệm.

Bước vào thời kỳ đổi mới, bắt đầu từ Nghị định số 38/CP ngày 04 tháng 6 năm 1993 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp cho đến nay, Chính phủ đã giao nhiệm vụ quản lý lý lịch tư pháp cho Bộ Tư pháp.

Luật lý lịch tư pháp được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2009 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2010 đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế về lý lịch tư pháp tại Việt Nam. Sự ra đời của Luật lý lịch tư pháp và tiếp sau là các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, đầy đủ để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp từng bước vững chắc theo đúng nguyên tắc của hoạt động lý lịch tư pháp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trước mắt và lâu dài; gắn việc quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp với cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành cải cách tư pháp mạnh mẽ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

2. Cơ sở chính trị, pháp lý

Ngày 02 tháng 6 năm 2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó, đặt ra một trong những định hướng quan trọng là “tổ chức các cơ quan tư pháp và các chế định bổ trợ tư pháp hợp lý, khoa học và hiện đại”. Để thể chế hóa nội dung của Nghị quyết này, tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật lý lịch tư pháp.

Một trong những phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW là “hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự và dân sự phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Luật lý lịch tư pháp đã khẳng định: lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. Mục đích quản lý lý lịch tư pháp không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu cần chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản; ghi nhận việc xóa án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hòa nhập cộng đồng mà còn hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự; hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Nhằm thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp theo phương hướng coi trọng việc hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, hoạt động lý lịch tư pháp cần phát triển theo hướng là công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động tư pháp hình sự.

Ngày 08 tháng 11 năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, trong đó trọng tâm là “... nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công”. Điều này đòi hỏi cần thiết phải phát triển lý lịch tư pháp để bảo đảm công tác quản lý lý lịch tư pháp được thông suốt, chuyên nghiệp, hoạt động ngày càng hiệu quả, từng bước hiện đại hóa, cải cách, thủ tục giải quyết yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo hướng minh bạch, đơn giản, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức, bảo đảm tôn trọng quyền dân chủ, bảo đảm bí mật đời tư của công dân.

3. Thực trạng công tác lý lịch tư pháp trong thời gian qua

[...]