Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 2369/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án “Xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp” do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 2369/QĐ-TTg
Ngày ban hành 28/12/2010
Ngày có hiệu lực 28/12/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ 
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 2369/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG TRUNG TÂM LÝ LỊCH TƯ PHÁP QUỐC GIA VÀ KIỆN TOÀN TỔ CHỨC THUỘC SỞ TƯ PHÁP ĐỂ XÂY DỰNG, QUẢN LÝ CƠ SỞ DỮ LIỆU LÝ LỊCH TƯ PHÁP”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Lý lịch tư pháp ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp” ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, PL (3) .Q.

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

ĐỀ ÁN

XÂY DỰNG TRUNG TÂM LÝ LỊCH TƯ PHÁP QUỐC GIA VÀ KIỆN TOÀN TỔ CHỨC THUỘC SỞ TƯ PHÁP ĐỂ XÂY DỰNG, QUẢN LÝ CƠ SỞ DỮ LIỆU LÝ LỊCH TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ)

Phần thứ nhất.

CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ THỰC TIỄN, MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Quản lý lý lịch tư pháp ở nước ta đã có lịch sử hơn 100 năm nay, nhưng trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Thời kỳ Pháp thuộc, ở mỗi cấp Tòa án đều có phòng lục sự với chức năng lập, lưu giữ và cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Thời kỳ sau 1945, ở vùng Pháp tạm chiếm, chính quyền Bảo Đại có ban hành Dụ số 14 ngày 01 tháng 09 năm 1951 quy định khá chi tiết về lý lịch tư pháp và phục quyền, theo đó thiết lập ở Trung ương Phòng Văn quỹ lý lịch tư pháp đặt tại Bộ Tư pháp, ở địa phương có Văn quỹ lý lịch tư pháp hàng tỉnh đặt tại mỗi Tòa sơ thẩm và Tòa hòa giải rộng quyền. Mô hình tổ chức và quản lý lý lịch tư pháp này về sau được tiếp tục áp dụng ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà nước ta vẫn duy trì chế độ quản lý lý lịch tư pháp do Tòa án đảm nhiệm. Sắc lệnh số 13 ngày 24 tháng 01 năm 1946 về tổ chức Tòa án và các ngạch thẩm phán ở  nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa có quy định các chức danh về lục sự và các việc lục sự, trong đó có việc lập và quản lý lý lịch tư pháp. Ngày 02 tháng 11 năm 1956, Bộ Tư pháp và Bộ Công an ban hành Thông tư liên bộ số 1909-VHC về việc theo dõi lý lịch tư pháp và căn cước của bị can và những người bị tình nghi. Theo Thông tư này, nhiệm vụ quản lý lý lý lịch tư pháp được chuyển từ ngành Tòa án sang ngành Công an và công tác lý lịch tư pháp, căn cước can phạm được tập trung vào một đầu mối do Bộ Công an đảm nhiệm.

Bước sang thời kỳ đổi mới, bắt đầu từ Nghị định số 38/CP ngày 04 tháng 6 năm 1993, tiếp đến là Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 (thay thế Nghị định số 38), Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 (thay thế Nghị định số 62) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, Chính phủ đã giao nhiệm vụ quản lý lý lịch tư pháp cho Bộ Tư pháp. Trên cơ sở đó, Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 cũng đã giao nhiệm vụ quản lý lý lịch tư pháp cho Bộ Tư pháp.

Nội dung quan trọng nhất trong quản lý lý lịch tư pháp là xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là tập hợp các thông tin lý lịch tư pháp về án tích, thông tin lý lịch tư pháp về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã được cập nhật và xử lý theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp. Theo quy định tại Điều 15 và Điều 36 của Luật Lý lịch tư pháp thì nguồn thông tin lý lịch tư pháp mà Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp phải tiếp nhận, cập nhật, xử lý là 19 loại thông tin lý lịch tư pháp, bao gồm các bản án, quyết định của Tòa án và các loại văn bản, tài liệu của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến quá trình thi hành bản án, quyết định đó. Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao thì chỉ riêng năm 2008 toàn ngành Tòa án đã thụ lý gần 73.000 vụ án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm[1]. Trên thực tế, mỗi vụ án thường có nhiều bị cáo, vì vậy, số lượng người bị kết án thường lớn hơn nhiều lần so với số vụ án.

Bên cạnh số lượng thông tin về án tích, số lượng thông tin về việc thi hành phần dân sự trong bản án hình sự cũng rất lớn. Trong năm 2007 tổng số việc dân sự phải thi hành án đối với các bản án, quyết định hình sự là 242.430 việc; năm 2008 là 239.588 việc[2].

Từ những số liệu trên cho thấy khối lượng thông tin lý lịch tư pháp cần phải được tiếp nhận, cập nhật, xử lý và lưu trữ theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp là rất lớn. Tuy nhiên, do công tác quản lý lý lịch tư pháp ở nước ta chưa ổn định qua các thời kỳ nên đến nay chưa có cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp thống nhất, đầy đủ, được quản lý theo những nguyên tắc, tiêu chí về quản lý lý lịch tư pháp. Các thông tin về lý lịch tư pháp hiện đang được lưu trữ phân tán tại nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau từ Trung ương đến địa phương thuộc các ngành Tòa án, Kiểm sát, Công an, Quốc phòng, Tư pháp …. Việc chưa có một cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp thống nhất đang là cản trở lớn đối với công tác quản lý lý lịch tư pháp và ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động tố tụng hình sự, thi hành án …. Tình hình nêu trên đặt cho cho công tác quản lý lý lịch tư pháp nhiệm vụ xây dựng mới từ đầu hệ thống dữ liệu lý lịch tư pháp.

Luật Lý lịch tư pháp đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ năm thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2009, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2010 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Khoản 2 Điều 11 của Luật Lý lịch tư pháp quy định: “Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được xây dựng và quản lý tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp và tại Sở Tư pháp”.

Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp và Nghị định số 111/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23 tháng 11 năm 2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp (sau đây gọi là Nghị định số 111/2010/NĐ-CP), cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được xây dựng tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và tại các Sở Tư pháp. Để thực hiện việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp (sau đây gọi là cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp) có nhiệm vụ tiếp nhận, cập nhật và xử lý đầy đủ các thông tin về án tích, tình trạng thi hành bản án của người bị kết án và thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Đây là nhiệm vụ hoàn toàn mới, phức tạp và khó khăn, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị chu đáo về tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ chuyên gia cùng với sự phối hợp giữa các cơ quan, cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ chuyên gia cùng với sự phối hợp giữa các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Quốc phòng, các cơ quan, tổ chức khác có liên quan với cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp. Trong khi đó, tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất bảo đảm cho việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp chưa được xây dựng, kiện toàn.

Vì những lý do nêu trên, việc xây dựng Đề án xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toán tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là hết sức cần thiết.

II. MỤC TIÊU VÀ QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu

Việc xây dựng Đề án xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp nhằm bảo đảm thực thi Luật Lý lịch tư pháp và Nghị định số 111/2010/NĐ-CP trên phương tiện cơ bản là xây dựng quản lý, cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

[...]