Nghị định 38-CP năm 1993 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp

Số hiệu 38-CP
Ngày ban hành 04/06/1993
Ngày có hiệu lực 04/06/1993
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 38-CP

Hà Nội, ngày 04 tháng 6 năm 1993

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 38-CP NGÀY 4-6-1993 VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA BỘ TƯ PHÁP 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị định số 15-CP ngày 2 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ tư pháp và Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước thống nhất về công tác tư pháp; xây dựng và tham gia xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý về mặt tổ chức Toà án nhân dân địa phương, Toà án quân sự quân khu và tương đương, Toà án quân sự khu vực (gọi chung là Toà án địa phương); đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp lý và quản lý các công tác tư pháp khác được Chính phủ giao.

Điều 2.- Bộ Tư pháp có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Về xây dựng và tham gia xây dựng pháp luật.

Tổng hợp chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cùng Văn phòng Chính phủ dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh dài hạn và hàng năm để Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

Trình Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh về dân sự, các dự án luật, pháp lệnh khác theo sự phân công của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đó.

Xem xét và có ý kiến về mặt pháp lý của các dự án luật, pháp lệnh, văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì soạn thảo trước khi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trình Chính phủ.

Phối hợp với Văn phòng Chính phủ trong việc tổ chức chỉ đạo công tác hệ thống hoá văn bản pháp luật.

Hệ thống hoá văn bản pháp luật trong phạm vi chức năng của Bộ; kiến nghị sửa đổi, bổ xung hoặc huỷ bỏ các văn bản pháp luật không phù hợp với Hiến pháp và pháp luật.

2. Về quản lý Toà án nhân dân địa phương.

Xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện hoạt động của các Toà án địa phương, thống nhất quản lý ngân sách Toà án địa phương.

Trình Chính phủ quyết định tổng biên chế Toà án của các địa phương sau khi thống nhất ý kiến với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ. Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, quy định biên chế cho từng Toà án địa phương sau khi trao đổi ý kiến với Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chế độ, chính sách đối với thẩm phán, hội thẩm nhân dân và cán bộ Toà án địa phương; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và giải quyết việc thực hiện các chế độ, chính sách đó.

Sau khi thống nhất ý kiến với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định danh sách các thành viên Hội đồng tuyển chọn thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các Toà án quân sự quân khu và tương đương, Toà án quân sự khu vực; xem xét và đề nghị bổ nhiệm hoặc cách chức thẩm phán Toà án tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để Hội đồng tuyển chọn thẩm phán xem xét và trình Chủ tịch nước quyết định.

Trong phạm vi chức năng kiểm tra hoạt động của các Toà án địa phương thực hiện chế độ khen thưởng và kỷ luật đối với tập thể, cá nhân của Toà án địa phương.

3. Về tổ chức, thi hành án dân sự.

Trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chế độ, chính sách cụ thể, các văn bản pháp luật hướng dẫn về công tác tổ chức thi hành án dân sự; xây dựng tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện hoạt động cho công tác thi hành án và đội ngũ thi hành án dân sự.

4. Về công tác tư pháp khác.

Thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động luật sư, công chứng, giám định, hộ tịch và các hoạt động tư pháp khác; trình Chính phủ quyết định (hoặc quyết định theo sự uỷ quyền của Chính phủ) quy chế tổ chức và hoạt động của các tổ chức luật sư, công chứng, giám định; thống nhất quản lý các biểu mẫu, sổ sách về công chứng, hộ tịch, thống hê tư pháp, lý lịch tư pháp; quản lý các công việc về quốc tịch theo quy định.

5. Về công tác hoà giải.

Trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn công tác hoà giải các tranh chấp trong nhân dân; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tổng kết hoạt động của các tổ hoà giải.

6. Về đào tạo, nghiên cứu khoa học, phổ biến giáo dục pháp luật.

Trình Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật dài hạn và hàng năm; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình giảng dạy pháp luật trong các trường học.

Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo viên chức tư pháp của cả nước, tổ chức đào tạo cán bộ pháp lý bậc đại học, cao học và sau đại học theo sự phân công của Chính phủ; thống thất việc quản lý bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ Toà án, tư pháp, pháp chế, luật sư, công chứng giám định, hộ tịch, chấp hành viên; tổ chức việc nghiên cứu khoa học pháp lý, phát triển công tác thông tin pháp lý.

[...]