Quyết định 33/2007/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2008-2010

Số hiệu 33/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 31/12/2007
Ngày có hiệu lực 10/01/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Công Thuật
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/2007/QĐ-UBND

Đồng Hới, ngày 31 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2008-2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Người Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Căn cứ Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH ngày 8/10/2007 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 59/TTr-LĐTBXH ngày 19 tháng 12 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Chương trình đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2008 - 2010".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Báo Quảng Bình, Đài PT-TH tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu VT, VX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Công Thuật

 

CHƯƠNG TRÌNH ĐƯA LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2008-2010

(Ban hành kèm theo Quyết định số 33 /2007/QĐ-UBND ngày 31/12/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

THỰC TRẠNG ĐƯA LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI TRONG NHỮNG NĂM QUA CỦA TỈNH QUẢNG BÌNH

I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Trong những năm qua, công tác tuyển chọn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã được triển khai, thực hiện trên hầu hết các địa bàn của tỉnh và thu hút được đông đảo sự quan tâm của các cấp, các ngành, của người lao động và toàn xã hội. Toàn tỉnh hiện nay có 03 Trung tâm giới thiệu việc làm: Trung tâm Giới thiệu Việc làm (thuộc Sở LĐ-TB-XH); Trung tâm Giới thiệu Việc làm Thanh niên; Trung tâm Giới thiệu Việc làm Nông dân và 02 đơn vị được cấp giấy phép giới thiệu việc làm: Công ty trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Nam và Công trách nhiệm hữu hạn Anh Thu. Từ 2001 đến 30/11/2007 có 53 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được Sở Lao động TB&XH giới thiệu về các huyện, thành phố tuyển lao động, số đơn vị còn thời hạn tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài đến tháng 6/2008: 4 doanh nghiệp, đến tháng 9/2008: 9 doanh nghiệp, đến tháng 12/2008: 01 doanh nghiệp.

Kết quả: Qua sáu năm có trên 13.000 người lao động đi làm việc ở các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Malaixia, Nhật Bản, Trung Đông và một số nước khác; đông nhất là thị trường Đài Loan, Malaixia.

Ngoài ra, người lao động đi làm việc ở nước ngoài tự do không qua các doanh nghiệp về tuyển lao động trên địa bàn, bình quân mỗi năm ư­ớc khoảng 500 đến 600 người. Như­ vậy, mỗi năm tỉnh ta đưa được khoảng 1.700 - 1.800 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài phần lớn đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật lao động nước sở tại, thực hiện đúng hợp đồng lao động, tích cực lao động, làm thêm ngoài giờ để tăng thêm thu nhập gửi tiền về giúp đỡ gia đình. Số lao động vi phạm hợp đồng lao động, vi phạm pháp luật của nước sở tại tuy có nhưng không đáng kể (chiếm khoảng 1% trong tổng số lao động ra nước ngoài làm việc).

Nguyên nhân đạt được:

* Khách quan: Kinh tế đối ngoại phát triển và mở rộng, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập WTO Việt Nam sẽ thâm nhập vào thị trường nhiều nước, không chỉ xuất khẩu hàng hóa mà còn xuất khẩu lao động, đồng thời các thị trường cũng được mở rộng không chỉ trong khu vực mà còn sang cả Châu Âu và Trung Đông. Một số thị trường Việt Nam đã thâm nhập có nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài lớn như: Hàn Quốc, các nước Trung Đông, Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Úc, Ả rập Xê út, Brunây, Cộng hòa Séc…Đây là cơ hội thuận lợi cho người lao động lựa chọn tham gia đi làm việc ở nước ngoài và các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt hiệu quả.

Quốc hội đã ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; hệ thống văn bản pháp quy về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã từng bước hoàn chỉnh và đồng bộ, có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

* Chủ quan: Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đã quan tâm chỉ đạo, coi vấn đề đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong những giải pháp quan trọng để tạo việc làm và tăng thu nhập, nâng cao trình độ nghề cho người lao động góp phần thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo ở địa ph­ương.

Tỉnh ta có nguồn lực lao động dồi dào, số người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu tìm việc làm bình quân mỗi năm 19.000 - 20.000 người, phần lớn số lao động này đều trẻ, khoẻ, cần cù, chịu khó, có khả năng tham gia đi làm việc ở nước ngoài và cơ bản phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của các nước.

[...]