Quyết định 328/2005/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia kiểm soát ô nhiễm môi trường đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 328/2005/QĐ-TTg
Ngày ban hành 12/12/2005
Ngày có hiệu lực 04/01/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 328/2005/QĐ-TTG

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH QUỐC GIA KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG ĐẾN NĂM 2010  

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 27 tháng 12 năm 1993;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

 QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch quốc gia kiểm soát ô nhiễm môi trường đến năm 2010 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu:

a) Phấn đấu hoàn thành việc điều tra, thống kê, xử lý và quản lý được 70% các nguồn thải, loại chất thải và lượng phát thải nói chung trên phạm vi toàn quốc; phấn đấu thu gom, vận chuyển và xử lý được 90% tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại các đô thị và khu công nghiệp; xử lý được 100% chất thải rắn y tế nguy hại và trên 60% chất thải nguy hại công nghiệp bằng những công nghệ phù hợp.

b) Kiểm soát được cơ bản tình hình ô nhiễm môi trường ở một số lĩnh vực thường xuyên xảy ra ô nhiễm như: công nghiệp hoá chất; công nghiệp dệt, nhuộm, giày da, giấy, chế biến thực phẩm, khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản; y tế; giao thông vận tải; các vùng có chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh và hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu. Kiểm soát được tình hình ô nhiễm môi trường tại các điểm nóng, vùng nhạy cảm và ngăn chặn được sự lan toả của chúng.

c) Tăng cường mạnh mẽ năng lực kiểm soát ô nhiễm môi trường và xử lý chất thải, đặc biệt chất thải ở những vùng kinh tế trọng điểm, khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề và lưu vực sông.

d) Thể chế hoá và thực thi có hiệu quả các điều ước quốc tế có liên quan đến kiểm soát ô nhiễm môi trường mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

2. Nguyên tắc chỉ đạo:

a) Kiểm soát ô nhiễm môi trường phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm; phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế và đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của từng ngành, từng địa phương và của quốc gia trong từng thời kỳ.

b) Kiểm soát ô nhiễm môi trường phải lấy phòng ngừa làm chủ đạo, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường là trọng tâm, coi khoa học và công nghệ là công cụ quan trọng, lấy tiêu chuẩn môi trường làm căn cứ.

c) Kiểm soát ô nhiễm môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, của mọi cấp, mọi ngành, của các địa phương, tổ chức và cá nhân. Nhà nước khuyến khích xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và quản lý chất thải.

3. Nhiệm vụ:

a) Tiếp tục bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm môi trường như: chính sách khuyến khích các hoạt động giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải và phục hồi môi trường; cơ chế công khai thông tin về tình hình ô nhiễm và xử lý ô nhiễm cho cộng đồng dân cư; chính sách thu thuế, thu phí đối với các loại chất thải; quy định bắt buộc các cơ sở tự quan trắc và định kỳ báo cáo kết quả quan trắc môi trường với cơ quan có thẩm quyền; xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn quốc gia về chất thải, tiêu chuẩn phát thải vào môi trường; các hướng dẫn kỹ thuật về kiểm soát ô nhiễm môi trường.

b) Thực hiện nghiêm các quy định về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư phát triển hoặc đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường đối với tất cả các cơ sở sản xuất và dịch vụ có sử dụng tài nguyên thiên nhiên hoặc có nguồn thải; tăng cường công tác hậu kiểm như: thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường sau khi được phê duyệt và triển khai thực hiện dự án đầu tư.

c) Tổ chức điều tra, thống kê các nguồn thải, loại chất thải và lượng phát thải trong phạm vi cả nước, của từng ngành, từng địa phương, trong đó tập trung vào nguồn thải và chất thải nguy hại. Trên cơ sở đó, thực hiện cơ chế quản lý chất thải từ nguồn và có kế hoạch cụ thể để hạn chế, giảm thiểu và xử lý chất thải.

d) Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về các nguồn thải, loại chất thải và lượng phát thải; thực hiện rộng rãi việc cung cấp thông tin về tình hình ô nhiễm môi trường và xử lý ô nhiễm cho cộng đồng dân cư; ban hành cơ chế phù hợp để khuyến khích và thúc đẩy việc tham gia tích cực, chủ động của các đoàn thể quần chúng, cộng đồng dân cư và mọi người dân vào hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường.

đ) Xây dựng, củng cố và hoàn thiện hệ thống các trung tâm, trạm, điểm quan trắc theo quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, trước mắt ưu tiên đầu tư xây dựng các trung tâm, trạm, điểm quan trắc ở các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Thực hiện kết nối thông tin thông suốt trong hệ thống quan trắc môi trường quốc gia.

e) Quy hoạch và triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật về thu gom và xử lý chất thải, ưu tiên xây dựng và vận hành các trung tâm xử lý chất thải nguy hại, các trạm trung chuyển, tiền xử lý, tái chế chất thải rắn; thu gom và xử lý nước thải tại các đô thị và khu công nghiệp.

g) Kiểm soát ô nhiễm xuyên biên giới, trong đó tập trung quan trắc và kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với các dòng sông xuyên biên giới, ô nhiễm biển; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn việc đưa chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại và công nghệ lạc hậu từ nước ngoài vào Việt Nam.

h) Triển khai thực hiện có hiệu quả Công ước Basel về vận chuyển chất thải nguy hại xuyên biên giới, Công ước Stockholm về các chất gây ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ (POP) và các điều ước quốc tế khác về kiểm soát ô nhiễm môi trường mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

i) Phê duyệt về nguyên tắc 19 nội dung, chương trình, đề án, dự án... ưu tiên để triển khai thực hiện Kế hoạch (phụ lục chi tiết kèm theo Quyết định này.

4. Giải pháp:

a) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ sản xuất sạch hơn và thân thiện với môi trường vào sản xuất và ứng dụng trong công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm. Hình thành và phát triển ngành công nghiệp môi trường, ngành kinh tế môi trường; tạo thị trường thuận lợi để thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư cho các hoạt động và dịch vụ bảo vệ môi trường.

b) Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực về chuyên môn và quản lý cho lĩnh vực kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ