Quyết định 31/2003/QĐ-UB ban hành Kế hoạch chỉ đạo triển khai công tác Tư pháp năm 2003 trên địa bàn Thành phố Hà Nội do Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 31/2003/QĐ-UB
Ngày ban hành 21/02/2003
Ngày có hiệu lực 21/02/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Hoàng Văn Nghiên
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 31/2003/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 2003 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2003 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ vào Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội;
Căn cứ Chỉ thị số 01/2003/CT-BTP ngày 20 tháng 01 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm công tác Tư pháp năm 2003;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 151/TTr-TP ngày 22 tháng 01 năm 2003,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1 : Ban hành kèm theo Quyết định này "Kế hoạch chỉ đạo triển khai công tác Tư pháp năm 2003 trên địa bàn Thành phố Hà Nội".

Điều 2 : Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 3 : Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

T/M. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Nghiên

 

KẾ HOẠCH

CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2003 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2003/QĐ-UB của UBND Thành phố Hà Nội ngày 21 tháng 02 năm 2003)

 Sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 11 CT/TU ngày 19/6/2002 của Thành uỷ Hà Nội về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác Tư pháp trong thời gian tới; Công tác Tư pháp của Thành phố trong năm qua đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên mọi lĩnh vực công tác, đạt được nhiều tiến bộ mới.

 Tuy nhiên, trước đòi hỏi của thực tiễn về cải cách hành chính và cải cách Tư pháp, nhằm nâng cao chất lượng công tác Tư pháp của Thành phố; Năm 2003, công tác Tư pháp của Thành phố cần phải tiếp tục có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa để đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới của Thủ đô và đất nước, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách Tư pháp; từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

 Thực hiện chỉ thị số 01/2003/CT-BTP ngày 20/01/2003 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm công tác Tư pháp năm 2003; UBND Thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch chỉ đạo triển khai công tác Tư pháp trên địa bàn thành phố năm 2003 như sau :

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU :

 - Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của công tác Tư pháp trong hoạt động quản lý Nhà nước ở Thủ đô, xây dựng đội ngũ cán bộ Tư pháp trong sạch, vững mạnh, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, cải cách Tư pháp, phát huy dân chủ, tăng cưởng pháp chế xã hội chủ nghĩa, phục vụ đắc lực hơn nữa nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của Thành phố; xác định rõ ý thức trách nhiệm phục vụ của mỗi cán bộ, công chức ngành Tư pháp đối với nhiệm vụ được giao; khẳng định trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, trong việc tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức tốt công tác Tư pháp từ cơ sở đến thành phố.

 - Quán triệt nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX; Nghị quyết 15/NQ-TW ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị về Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 11/CT/TU ngày 19/6/2002 của Thành uỷ Hà Nội về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác Tư pháp trong thời gian gới; Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội, Chỉ thị số 01/2003/CT-BTP ngày 20/01/2003 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm công tác Tư pháp năm 2003 và các văn bản qui phạm pháp luật hiện hành của Trung ương và Thành phố có liên quan để triển khai công tác Tư pháp ở Thủ đô đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

 Công tác Tư pháp của Thành phố năm 2003 cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây :

1. Nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ trong công tác xây dựng, thẩm định, ban hành, rà soát văn bản pháp qui của Thành phố.

 1.1. Triển khai có hiệu quả qui trình soạn thảo, ban hành VBQPPL của Thành phố, các quận huyện đã được qui định tại Quyết định số 157/2002/QĐ-UB ngày 21/11/2002 của UBND Thành phố; Đưa công tác xây dựng Chương trình, Kế hoạch ban hành văn bản qui phạm pháp luật của Thành phố, quận huyện đi vào nề nếp, có chất lượng cao, đúng tiến độ đề ra; năm 2003, cần tập trung xây dựng, thẩm định, rà soát các văn bản qui phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực : Quản lý kinh tế, đô thị, giải phóng mặt bằng, phòng chống tội phạm và tệ nạn ma tuý, mại dâm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thực hiện Hiệp định thương mại Việt Mỹ..v..v.. trên địa bàn Thành phố;

 1.2. Kiện toàn, củng cố hoạt động của Ban soạn thảo, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và khoa học của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố;

 1.3. Xây dựng Tổ kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật ở Sở Tư pháp theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, hình thành đội ngũ cán bộ chuyên trách kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật ở các Sở , ngành, quận, huyện, kiểm tra đánh giá chất lượng, tiến độ thẩm định, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố, các sở, ngành, quận, huyện;

 1.4. Hoàn thành việc tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố 5 năm (1997 - 2002). Duy trì công tác rà soát bản pháp quy năm 2003.

2. Tập trung thực hiện đồng bộ 6 giải pháp lớn của Chính phủ về tăng cường, nâng cao hiệu quả, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác Thi hành án dân sự.

 2.1. Đảm bảo hoạt động thường xuyên, có hiệu quả của Ban chỉ đạo công tác Thi hành án dân sự Thành phố và quận, huyện. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với công tác Thi hành án dân sự, tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc có điều kiện thi hành; Kịp thời đôn đốc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác Thi hành án dân sự, giảm mạnh án tồn đọng;

 2.2. Đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, chỉ đạo sát sao việc thực hiện thi hành án có giá trị dưới 500.000 đồng đã chuyển giao cho UBND xã, phường, thị trấn đôn đốc thi hành;

 2.3. Tiếp tục rà soát, phân loại, kiểm tra các vụ việc còn tồn đọng, các vụ việc không có điều kiện thi hành, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của Chấp hành viên và Thủ trưởng cơ quan Thi hành án đối với vụ việc có điều kiện thi hành mà chưa được thi hành. Tập trung giải quyết dứt điểm tang, tài vật tồn đọng;

 2.4. Giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng pháp luật mọi khiếu nại, tố cáo trong công tác thi hành án dân sự; Đảm bảo giải quyết đơn khiếu nại ngay tại nơi phát sinh theo Chỉ thị số 09CT/TW ngày 06/3/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch số 1329/KH-TP ngày 03/12/2002 của Bộ Tư pháp.

 2.5. Tiếp tục củng cố kiện toàn các cơ quan Thị hành dự án dân sự Thành phố, bồi dưỡng nghiệp vụ thi hành án dân sự cho cán bộ thi hành án; kiểm tra việc thực hiện chuẩn mực đạo đức chấp hành viên; tăng cường các biện pháp làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nâng cao trách nhiệm công vụ, phẩm chất đạo đức cán bộ thi hành án từ Thành phố đến quận huyện;

 2.6. Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, gây phiền hà, nhũng nhiễu, gây khó khăn, cản trở việc thi hành án của Chấp hành viên, cán bộ, nhân viên các cơ quan thi hành án.

3. Hướng mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật về cơ sở, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia công tác phổ biến giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân Thủ đô.

 3.1. Triển khai mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục, rộng khắp việc thực hiện chương trình phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến 2007 theo Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ;

 3.2. Kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác Phổ biến giáo dục pháp luật ở các cấp; củng cố, phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở.

 3.3. Chú trọng nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trong các lĩnh vực : quản lý đô thị, trật tự an toàn giao thông, giải phóng mặt bằng, xử lý vi phạm hành chính, phòng chống ma tuý, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý đất đai.

 3.4. Đẩy mạnh phổ bién, giáo dục pháp luật trong doanh nghiệp, trường học, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị; Đặc biệt chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật tới nông dân, người lao động trong các doanh nghiệp.

 3.5. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật ở phường, xã, thị trấn, cơ quan đơn vị, tổ chức, trường học, doanh nghiệp;

 3.6. Thực hiện chế độ chính saác cho các Tổ hòa giải theo Quyết định số 172/2002/QĐ-UB ngày 13/12/2002 của UBND Thành phố; Tiếp tục kiện toàn các Tổ hòa giải ở cơ sở, xây dựng, củng cố nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ hòa giải viên; phấn đấu 100% cụm dân cư có tổ hòa giải 80% tổ hòa giải hoạt động tốt, phấn đấu : 100% các vụ mâu thuẫn, xích mích được hòa giải; tỷ lệ hòa giải thành 80% trở lên.

4. Coi trọng công tác trợ giúp pháp lý ở cơ sở, góp phần nâng cao ý thức pháp luật, giải toả vướng mắc về pháp luật của nhân dân.

 4.1. Củng cố, kiện toàn tổ chức trợ giúp pháp lý ở cơ sở; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

 4.2. Xây dựng các mô hình và nâng cao chất lượng, hiệu quả trợ giúp pháp lý ở cơ sở; Tiếp tục xây dựng, kiện toàn, mở rộng mạng lưới trợ giúp pháp lý; Tập trung triển khai công tác trợ giúp pháp lý gắn với việc thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố;

 4.3. Triển khai công tác trợ giúp pháp lý miễn phí ở cơ sở gắn với thực hiện Chương trình 09/Ctr-TU của Thành ủy Hà Nội về thực hiện những nhiệm vụ xã hội bức xúc.

5. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các Lĩnh vực Hộ tịch, Công chứng, chứng thực, dịch vụ bán đấu giá tài sản, thi hành án dân sự, giám định tư pháp, luật sư...; Nâng cao trách nhiệm công vụ, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ trong lĩnh vực này.

 5.1. Rà soát, hoàn chỉnh, bổ sung các qui chế có liên quan đến trình tự, thủ tục giải quyết các công việc có liên quan đến dân, công khai để dân biết, thực hiện và kiểm tra, giám sát;

 5.2. Tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với lĩnh vực hộ tịch, công chứng, chứng thực, giải quyết dứt điểm tình trạng không kịp thời đăng ký hộ tịch trên địa bàn Thành phố;

 5.3. Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức của đội ngũ luật sư, giám định viên, công chứng viên nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của Thủ đô và đất nước;

 5.4. Tiếp tục triển khai thực hiện Pháp lệnh Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành, đưa công tác quản lý các văn phòng luật sư, công ty luật họp danh trên địa bàn thành phố đi vào hoạt động có nề nếp;

 5.5. Tiến hành sơ kết, đánh giá việc thực hiện Đề án Dịch vụ hành chính công tại 3 Phòng công chứng Thành phố; Xây dựng đề án thành lập phòng công chứng số 4 của Thành phố, đáp ứng tốt như cầu về công chứng, chứng thực của các cơ quan, tổ chức và nhân dân Thủ đô.

6. Tiếp tục kiện toàn, củng cố hệ thống các cơ quan Tư pháp từ Thành phố đến cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ Tư pháp Thủ đô trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ.

 6.1. Tiến hành tổng rà soát đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tư pháp theo Nghị quyết số 08 NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác Tư pháp trong thời gian tới.

 6.2. Củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế của các Sở, Ngành, cơ quan thuộc thành phố, từ đó tạo sự phối hợp đồng bộ trong triển khai công tác Tư pháp ở địa phương. Tập trung kiện toàn tổ chức các đơn vị thuộc Sở Tư pháp, cơ quan thi hành án dân sự, đặc biệt chú trọng củng cố kiện toàn Tư pháp quận huyện và Ban tư pháp phường, xã, thị trấn, để các đơn vị này đủ sức hàon thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò chủ động tham mưu, phục vụ nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội ở địa phương.

 6.3. Làm tốt công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Tư pháp các cấp; Xây dựng đội ngũ cán bộ Tư pháp từ Thành phố đến các quận, huyện vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ chuyên môn, có phẩm chất năng lực ngang tầm nhiệm vụ, đề cao kỷ luật, kỷ cương trong ngành Tư pháp;

 6.4. Củng cố, kiện toàn Ban vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Tư pháp; Lồng ghép các mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ vào các hoạt động chuyên môn; đưa hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp thành hoạt động thường xuyên;

 6.5. Tiến hành sơ kết, đánh giá thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện Quyết định số 64/2001/QĐ-UB ngày 16/8/2001 của UBND Thành phố về việc sáp nhập phòng Tư pháp của các quận, huyện vào Văn phòng HĐND và UBND quận, huyện;

7. Nâng cao trách nhiệm xem xét đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng qui định của pháp luật; Tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác Tư pháp;

 7.1. Tập trung xem xét, giải quyết dứt điểm mọi khiếu nại, tố cáo ngay tại nơi phát sinh; Tập trung rà soát, phân loại, xử lý, ấn định mốc thời gian giải quyết, trách nhiệm giải quyết của từng cấp;

 7.2. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch của ngành và sự chỉ đạo của UBND Thành phố đối với các hoạt động của ngành Tư pháp.

8. Từng bước triển khai áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành của các cơ quan Tư pháp.

 8.1. Đầu tư cung cấp trang, thiết bị công nghệ thông tin cho các cơ quan Tư pháp nhằm đưa công tác quản lý, khai thác, sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành các hoạt động tư pháp;

 8.2. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ Tư pháp các cấp đáp ứng kịp thời, có hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ Tư pháp;

 8.3. Xây dựng và triển khai trang Web (Web site) của Sở Tư pháp để kịp thời chuyển tải các thông tin trong lĩnh vực Tư pháp đến các cơ quan, tổ chức và công dân.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN :

 Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên đây UBND Thành phố yêu cầu :

1. Giám đốc Sở Tư pháp :

 Chịu trách nhiệm xây dựng chương trình công tác cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này trong ngành Tư pháp; Giúp UBND Thành phố hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị của Thành phố trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tư pháp; HĐND và UBND thành phố.

2. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Thành phố.

 Có trách nhiệm củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế của cơ quan đơn vị; Tuỳ theo chức năng nhiệm vụ của mình, chủ động phối hợp với Sở Tư pháp triển khai những nhiệm vụ có liên quan như : Rà soát, soạn thảo, thẩm định các văn bản qui phạm pháp luật của Trung ương và Thành phố; Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, triển khai công tác hòa giải, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách, công tác hộ tịch, chùng thực, thi hành án, thanh tra và các hoạt động Tư pháp khác v.v...

3. Chủ tịch UBND các quận, huyện có kế hoạch chỉ đạo các đơn vị của địa phương thực hiện công tác Tư pháp năm 2003; Cân đối ngân sách, tổ chức triển khai Kế hoạch này; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về UBND thành phố (qua Sở Tư pháp để tổng hợp chung).

4. Đề nghị các Ban của Thành ủy, HĐND, MTTQ Thành phố và các đoàn thể của Thành phố phối hợp chỉ đạo các cấp, các ngành trực thuộc triển khai thực hiện Kế hoạch này.

 Đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với ngành Tư pháp Thành phố tổ chức thực hiện Kế hoạch này.

5. Sở Tài chính vật giá phối hợp với Sở Tư pháp có kế hoạch bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch này.

6. Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng Thành phố theo dõi, tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai thực hiện kế hoạch này để kịp thời biểu dương, khen thưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có nhiều thành tích trong quá trình triển khai công tác Tư pháp năm 2003./.

11
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ