Quyết định 13/2003/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 13/2003/QĐ-TTg
Ngày ban hành 17/01/2003
Ngày có hiệu lực 07/02/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Quyền dân sự

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13/2003/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 1 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ13/2003/QĐ-TTG NGÀY 17 THÁNG 01 NĂM 2003 PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỪ NĂM 2003 ĐẾN NĂM 2007

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Quyết định này.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỪ NĂM 2003 ĐẾN NĂM 2007
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ)

A. MỤC TIÊU, YÊU CẦU CỦA CHƯƠNG TRÌNH PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

I. MỤC TIÊU:

1. Phổ biến kịp thời, đầy đủ những nội dung pháp luật liên quan đến cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện để công dân sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của nhà nước và xã hội. Nâng cao ý thức tự giác, chủ động tìm hiểu và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

2. Tạo bước phát triển mới trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để hỗ trợ tích cực hơn nữa nhu cầu hiểu biết pháp luật, nâng cao dân trí pháp lý trong cán bộ, nhân dân, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển toàn diện con người Việt Nam, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy nhà nước và trong xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

II. YÊU CẦU:

1. Kế thừa kết quả, bảo đảm tính liên tục và phát triển trong việc thực hiện các nội dung, hình thức, biện pháp đã được đề ra trong Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến năm 2002 ban hành kèm theo Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục thực hiện thường xuyên, liên tục, rộng khắp việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng. Lựa chọn nội dung pháp luật phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; chú trọng phổ biến các quy định pháp luật cụ thể để nâng cao tính hướng dẫn thực hiện.

2. Sử dụng, khai thác hiệu quả các hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật đang phát huy tác dụng với sự đổi mới trong phương thức thực hiện, bảo đảm tính phù hợp, khả thi; kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật đại trà, trên diện rộng với tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoà giải, giải quyết tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật trong từng vụ việc cụ thể; từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Chọn điểm chỉ đạo và đối tượng ưu tiên phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ, từng ngành, từng địa phương.

3. Lồng ghép hợp lý và hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật trong thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Gắn chặt hơn nữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, xử lý vi phạm pháp luật, thực hiện Quy chế dân chủ.

B. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, HÌNH THỨC, BIỆN PHÁP PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

I. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

1. Phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân

a) Nội dung chung cho các tầng lớp nhân dân: tiếp tục phổ biến sâu rộng các quy định pháp luật gắn trực tiếp với cuộc sống của nhân dân, nhất là các quy định pháp luật về đất đai, khiếu nại, tố cáo, an toàn giao thông, phòng chống ma tuý, phòng chống các tệ nạn xã hội, lao động, việc làm, bảo vệ môi trường, các chính sách, chế độ mà người dân được hưởng, các quy định về thực hiện Quy chế dân chủ phù hợp với đặc thù địa bàn nông thôn, miền núi, thành thị; trong đó chú trọng phổ biến và hướng dẫn nhân dân thực hiện các quyền, nghĩa vụ cụ thể theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

b) Nội dung cho một số đối tượng cụ thể:

- Đối với nông dân: tập trung phổ biến, hướng dẫn các trình tự, thủ tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, trong đó chú trọng quyền liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng đất như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất; giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải toả, đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất; xử lý vi phạm hành chính, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong quản lý, sử dụng đất đai; nghĩa vụ nộp thuế, bảo vệ đê điều, các công trình thuỷ lợi.

[...]