Quyết định 30/2008/QĐ-UBND phê duyệt Đề án "Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Yên Bái giai đoạn 2008 - 2010" do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành

Số hiệu 30/2008/QĐ-UBND
Ngày ban hành 25/11/2008
Ngày có hiệu lực 05/12/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Hoàng Thương Lượng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2008/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 25 tháng 11 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "ÁP DỤNG HỆ THỐNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG THEO TIÊU CHUẨN TCVN ISO 9001:2000 VÀO HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2008 - 2010"

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 900:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 111/2006/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn công tác quản lý tài chính đối với việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 900:2000 vào hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 23/TTr-SKHCN ngày 16 tháng 10 năm 2008;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Yên Bái giai đoạn 2008 - 2010" ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành chức năng và các cơ quan có liên quan của tỉnh hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Hoàng Thương Lượng

 

ĐỀ ÁN

“ÁP DỤNG HỆ THỐNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG THEO TIÊU CHUẨN TCVN ISO 9001:2000 VÀO HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2008 - 2010"
(Ban hành kèm theo Quyết định số 30 /2008/QĐ-UBND ngày25 tháng11 năm 2008 của UBND tỉnh Yên Bái)

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong những năm gần đây công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, đã có bước tiến bộ rõ rệt. Cơ chế "một cửa" được thực hiện ở hầu hết các cơ quan hành chính, thu được nhiều kết quả khích lệ. Hồ sơ, quy trình, thời gian giải quyết công việc được công khai. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính, nhiệm vụ của cán bộ, công chức ở nhiều cơ quan bước đầu được xác định, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu về dịch vụ hành chính công của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, nhìn chung công tác cải cách hành chính vẫn còn bộc lộ những khuyết điểm, yếu kém. Tiến độ cải cách hành chính còn chậm. Quy trình xử lý công việc ở một số cơ quan hành chính nhà nước còn bất hợp lý, người đứng đầu cơ quan chưa kiểm soát được quá trình giải quyết công việc. Chất lượng và hiệu quả công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công còn hạn chế. Tệ phiền hà, sách nhiễu, cửa quyền, gây khó khăn cho tổ chức và cá nhân chưa được đẩy lùi.

Thực tế cho thấy việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001:2000) vào hoạt động của các cơ quan hành chính ở một số nước trong khu vực cũng như tại một số cơ quan hành chính của Việt Nam thời gian qua đã tạo bước chuyển biến tích cực trong hoạt động quản lý, giúp các cơ quan hành chính xây dựng một phương pháp làm việc khoa học, loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, rút ngắn thời gian xử lý công việc, giảm chi phí; Đồng thời nâng cao năng lực, trách nhiệm, ý thức phục vụ của công chức nhà nước. Chính nhờ những tác dụng trên mà hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001:2000) hiện nay được xem là một trong những giải pháp cần thiết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Với mục tiêu xây dựng và thực hiện qui trình xử lý công việc một cách khoa học, hợp lý tạo điều kiện để người đứng đầu cơ quan kiểm soát được quá trình giải quyết công việc trong nội bộ đơn vị, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý và cung ứng dịch vụ hành chính công, ngày 20 tháng 6 năm 2006 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg về việc "Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước".

Căn cứ Quyết định nói trên của Thủ tướng Chính phủ, để tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh thông qua Đề án "Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Yên Bái giai đoạn 2008-2010" với các nội dung dưới đây:

II. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ÁP DỤNG HỆ THỐNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG (HTQLCL) THEO TIÊU CHUẨN ISO 9001:2000

1. Mục tiêu tổng quát

Đề án "Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Yên Bái giai đoạn 2008-2010" được xây dựng nhằm hệ thống hóa quy trình xử lý công việc hợp lý, phù hợp với quy định của pháp luật, tạo điều kiện để người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước kiểm soát được quá trình giải quyết công việc trong cơ quan, thông qua đó từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tại địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tạo bước chuyển biến tích cực trong quan hệ phối hợp và đơn giản hoá thủ tục giải quyết công việc giữa các bộ phận trong cơ quan và giữa cơ quan với các đơn vị, tổ chức, cá nhân khác.

- Từng bước xây dựng các qui trình xử lý công việc một cách khoa học, hợp lý, tạo điều kiện để lãnh đạo cơ quan kiểm soát được quá trình giải quyết công việc trong phạm vi thẩm quyền quản lý của mình, thông qua đó từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý.

- Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ phận, cá nhân trong mỗi cơ quan tạo môi trường thuận lợi để cán bộ, công chức phát huy năng lực, chia sẻ kinh nghiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao làm cơ sở cho việc tinh giản tổ chức và biên chế trong các cơ quan hành chính.

- Cải tiến phương thức và phương pháp làm việc, công khai, minh bạch hoá các thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian giải quyết công việc, giảm chi phí cho cả các đối tượng khách hàng, nâng cao trình độ, kỹ năng và ý thức phục vụ của cán bộ công chức.

[...]