Thứ 4, Ngày 06/11/2024

Quyết định 2989/QĐ-BTNMT năm 2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường

Số hiệu 2989/QĐ-BTNMT
Ngày ban hành 04/11/2022
Ngày có hiệu lực 01/01/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký Trần Hồng Hà
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2989/QĐ-BTNMT

Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA THANH TRA BỘ

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra;

Căn cứ Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành;

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Thanh tra Bộ là tổ chức hành chính trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ; thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực của Bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

2. Thanh tra Bộ chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng và chịu sự chỉ đạo về công tác, hướng dẫn về tổ chức, nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.

3. Thanh tra Bộ có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về công tác thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo phân công của Bộ trưởng.

2. Đề xuất Bộ trưởng sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời khắc phục các vướng mắc, bất cập được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra; kiến nghị Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành hoặc hủy bỏ các văn bản trái với quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường.

3. Xây dựng, trình Bộ trưởng phê duyệt chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm của Bộ; tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra thuộc trách nhiệm của Thanh tra Bộ; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuộc trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ.

4. Thực hiện công tác tiếp công dân của Bộ; xử lý và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân theo quy định của pháp luật.

5. Thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Bộ; hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

6. Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo phân công của Bộ trưởng.

7. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ; thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

8. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Bộ trưởng, Thanh tra Bộ.

9. Thanh tra lại vụ việc đã được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Bộ trưởng giao.

10. Thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường hoặc được Bộ trưởng giao.

11. Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với vụ việc thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ khi cần thiết.

12. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

13. Kiến nghị cấp có thẩm quyền đình chỉ hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; kiến nghị xử lý cán bộ, công chức có vi phạm trong thi hành công vụ đã bị phát hiện qua thanh tra, kiểm tra.

[...]