Quyết định 1309/QĐ-BGTVT năm 2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ Giao thông vận tải

Số hiệu 1309/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 05/10/2022
Ngày có hiệu lực 01/10/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Văn Thể
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1309/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA THANH TRA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra;

Căn cứ Nghị định số 57/2013/NĐ-CP ngày 31 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của thanh tra Ngành Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Kết luận số 50-KL/BCSĐ ngày 27/9/2022 của Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Thanh tra Bộ là cơ quan của Bộ, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiến hành thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải; tiến hành thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực của Bộ Giao thông vận tải; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kiểm toán nội bộ theo quy định của pháp luật.

2. Thanh tra Bộ chịu sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và chịu sự chỉ đạo về công tác, hướng dẫn về tổ chức, nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.

3. Thanh tra Bộ có con dấu riêng, có tài khoản tại Kho bạc Nhà nước; được sử dụng con dấu của Bộ khi Chánh Thanh tra ký văn bản thừa lệnh Bộ trưởng.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Chủ trì tham mưu để Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giao.

2. Xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành Hướng dẫn việc lập kế hoạch thanh tra ngành Giao thông vận tải; tổng hợp, tham mưu trình Bộ trưởng phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm của Bộ Giao thông vận tải và tổ chức thực hiện.

3. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Giao thông vận tải.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, kiểm tra hoạt động thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ, Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Thanh tra Sở Giao thông vận tải và Xây dựng.

5. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho Thanh tra viên, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, công chức làm công tác thanh tra và cộng tác viên thanh tra thuộc Bộ, ngành Giao thông vận tải; cấp, quản lý các loại thẻ nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra theo quy định.

6. Tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Bộ thực hiện các quy định pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm toán nội bộ.

7. Về công tác thanh tra, kiểm tra:

a) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ; thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước do Bộ trưởng quyết định thành lập theo quy định;

b) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải;

c) Thanh tra, kiểm tra các vụ việc khác do Bộ trưởng giao;

d) Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với vụ việc thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải khi cần thiết;

đ) Quyết định thanh tra lại vụ việc thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải đã được Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Bộ trưởng giao;

8. Giúp Bộ trưởng tổ chức công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo; thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định.

[...]