BỘ
NGOẠI GIAO
*****
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
******
|
Số:
2985/2007/QĐ-BNG
|
Hà
Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG QUỸ BẢO HỘ CÔNG DÂN VÀ
PHÁP NHÂN VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
Căn cứ:
Nghị định số 189/HĐBT ngày 04/6/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ)
quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Lãnh sự;
Nghị định số 183/CP ngày 18/11/1994 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành
Pháp lệnh về cơ quan đại diện nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ở nước ngoài;
Nghị định số 21/2003/NĐ-CP ngày 10/3/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;
Quyết định số 119/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc
thành lập Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Lãnh sự và Vụ trưởng Vụ Quản trị-Tài vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế tổ chức và hoạt
động Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài”.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3.
Các ông/bà Cục trưởng Cục Lãnh sự, Chánh Văn phòng Bộ,
Vụ trưởng các Vụ Tổ chức-Cán bộ, Quản trị-Tài vụ và người đứng đầu các cơ quan
đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài chịu trách nhiệm thi hành
quyết định này./.
Nơi nhận:
- PTTg, BTNG Phạm Gia Khiêm (để báo
cáo);
- Các đ/c Thứ trưởng;
- Văn phòng Quốc hội, VP Chủ tịch nước;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Công báo;
- Lưu: VP, LS, TC-CB, QT-TV.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Phú Bình
|
QUY CHẾ
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG QUỸ BẢO HỘ CÔNG DÂN VÀ PHÁP NHÂN VIỆT
NAM Ở NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2985/2007/QĐ-BNG ngày 29/11/2007 của Bộ trưởng
Bộ Ngoại giao)
Điều 1. Phạm
vi áp dụng
1. Quy chế này quy định việc tổ chức
và hoạt động của Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài (gọi tắt
là Quỹ Bảo hộ công dân) do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số
119/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007. Tên giao dịch quốc tế là Fund for Assisting
Overseas Vietnamese Citizens and Legal Entities – viết tắt là FAOV).
2. Công dân Việt Nam thường trú ở
nước ngoài đã đóng bảo hiểm ở nước ngoài không thuộc phạm vi áp dụng của Quy chế
này.
Điều 2. Mục
đích
Quỹ Bảo hộ công dân hoạt động không
vì mục đích lợi nhuận, thực hiện theo quy chế “Quản lý tài chính Quỹ” và được
thành lập nhằm:
1. Hỗ trợ cho các hoạt động của cơ
quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, các cơ quan được Bộ Ngoại giao ủy
quyền thực hiện chức năng lãnh sự ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là CQĐD) để thực
hiện việc bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân và pháp
nhân Việt Nam ở nước ngoài;
2. Hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cho
công dân, pháp nhân gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà họ không thể tự khắc phục
được tại thời điểm đó.
3. Hỗ trợ cho các hoạt động khác
theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phù hợp với Điều 4
Quyết định số 119/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. Bộ
máy của Quỹ Bảo hộ công dân
1. Quỹ Bảo hộ công dân có tư cách
pháp nhân, có con dấu riêng, Quỹ được mở tài khoản tại kho bạc nhà nước và tại
ngân hàng theo quy định tại điều 2, Quyết định số
119/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
2. Quỹ chịu sự quản lý nhà nước của
Bộ Ngoại giao về tổ chức và hoạt động. Cục Lãnh sự là cơ quan được Bộ trưởng Bộ
Ngoại giao ủy quyền quản lý công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước
ngoài giúp lãnh đạo Bộ trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tổ chức
và hoạt động của Quỹ.
3. Quỹ có Ban Giám đốc gồm Giám đốc,
02 (hai) Phó Giám đốc và bộ phận chuyên môn nghiệp vụ - Văn phòng Quỹ (gồm kế
toán, nhân viên văn phòng, thông tin-tuyên truyền, quản lý Quỹ).
4. Giám đốc, các Phó Giám đốc do Bộ
trưởng Bộ Ngoại giao bổ nhiệm, miễn nhiệm.
5. Biên chế của Văn phòng Quỹ tối
đa là 07 (bảy) người thuộc biên chế của Cục Lãnh sự. Trong trường hợp cần thiết,
Quỹ có thể tuyển dụng cán bộ chuyên môn làm việc theo chế độ hợp đồng sau khi
được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Điều 4. Chức
năng và nhiệm vụ của Quỹ Bảo hộ công dân
1. Chức năng:
a. Chủ trì, phối hợp với các CQĐD
trong việc:
- Xây dựng phương hướng và các
chương trình hoạt động của Quỹ để trình Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phê duyệt.
- Dự trù kinh phí hàng năm của Quỹ
bao gồm: Dự toán thu, chi từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác cho hoạt
động bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài; tổng hợp chung vào dự
toán ngân sách hàng năm của Bộ Ngoại giao gửi Bộ Tài chính.
- Tổ chức thực hiện việc tổng kết,
rút kinh nghiệm định kỳ hàng năm, từng giai đoạn hay đột xuất và đề ra kế hoạch
trọng tâm của công tác bảo hộ công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, nhất
là ở các địa bàn trọng điểm tập trung đông công dân Việt Nam.
b. Nhận tiền đặt cọc của thân nhân,
tổ chức bảo lãnh cho đương sự sau đó đề nghị CQĐD chi tạm ứng trong trường hợp
nêu tại mục a khoản 2 điều 7 Quy chế này và phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện
việc thu hồi các khoản chi tạm ứng nêu tại mục b khoản 2 điều 7 Quy chế này.
c. Thực hiện việc quản lý tài chính
theo quy định của pháp luật.
d. Kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ Ngoại
giao quyết định về những vấn đề vượt thẩm quyền.
2. Nhiệm vụ:
a. Quản lý kinh phí, tài sản và các
nguồn lực hợp pháp để thực hiện nhiệm vụ được giao.
b. Kiểm tra, giám sát các khoản chi
cho công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.
c. Lập báo cáo quyết toán hàng năm
báo cáo Bộ Tài chính về việc sử dụng kinh phí Quỹ.
d. Tổ chức các hoạt động nhằm vận động
xây dựng Quỹ.
e. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ
khác theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Nhiệm vụ,
quyền hạn của Ban Giám đốc và Văn phòng Quỹ Bảo hộ công dân
1. Giám đốc Quỹ:
a. Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng
Bộ Ngoại giao trong việc chỉ đạo thực hiện các chức năng, nhiệm vụ nêu tại Điều
4 của Quy chế này và điều hành công việc hàng ngày của Quỹ. Trường hợp bận công
tác hoặc vì lý do đột xuất, Giám đốc Quỹ ủy quyền cho một Phó Giám đốc thay mặt
mình chỉ đạo toàn bộ công việc hàng ngày của Quỹ.
b. Là người đại diện của Quỹ theo
pháp luật và là chủ tài khoản của Quỹ. Giám đốc có thể ủy quyền cho một Phó
Giám đốc ký thay chủ tài khoản.
c. Có quyền duyệt chi theo quy định
của Quỹ với mức chi không quá 10.000 USD (mười nghìn đô-la Mỹ) cho mỗi vụ việc.
Trường hợp cần chi hơn 10.000 USD, Giám đốc Quỹ phải báo cáo Lãnh đạo Bộ Ngoại
giao xem xét quyết định.
d. Đại diện cho Quỹ Bảo hộ công dân
trong các quan hệ liên quan đến hoạt động của Quỹ.
e. Thông báo và hướng dẫn các CQĐD
thực hiện một số hoạt động của Quỹ tại nước ngoài sau khi được Bộ trưởng Bộ Ngoại
giao phê duyệt.
f. Thực hiện báo cáo định kỳ về hoạt
động của Quỹ theo quy định hiện hành.
2. Các Phó Giám đốc Quỹ:
Thực hiện công việc của Quỹ do Giám
đốc Quỹ giao và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Giám đốc Quỹ
về phần việc được giao.
3. Văn phòng Quỹ là bộ phận chuyên
môn, giúp việc cho Ban Giám đốc. Cán bộ Văn phòng Quỹ có nhiệm vụ sau:
a. Thường xuyên theo dõi, tổng hợp
và báo cáo Ban Giám đốc Quỹ về hoạt động của Quỹ ở trong và ngoài nước.
b. Chuẩn bị và làm công tác thư ký
cho các cuộc họp định kỳ và đột xuất của Quỹ.
c. Tham mưu về phương hướng, nhiệm
vụ và đề xuất kế hoạch hoạt động hàng năm của Quỹ trình Giám đốc duyệt.
d. Thực hiện những công việc khác
theo sự phân công của Ban Giám đốc Quỹ.
4. Phương thức làm việc của Quỹ:
a. Giám đốc, các Phó Giám đốc và
cán bộ văn phòng Quỹ làm việc theo nguyên tắc thủ trưởng kết hợp với nguyên tắc
tập trung dân chủ.
b. Các cán bộ Văn phòng Quỹ với
nghĩa vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mình phải hoàn thành các công việc được
giao và chịu trách nhiệm trước Ban Giám đốc.
Điều 6. Chức
năng và quyền hạn sử dụng Quỹ của CQĐD
1. Thủ trưởng CQĐD là người chịu
trách nhiệm về việc sử dụng và quyết toán các khoản chi do Quỹ tạm ứng trong
kinh phí sử dụng cho công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước
ngoài.
2. Thủ trưởng CQĐD có quyền quyết định
mức chi không quá 3.000 USD (ba nghìn đô-la Mỹ) cho mỗi vụ việc, trường hợp vượt
quá 3.000 USD thì kiến nghị Giám đốc Quỹ hoặc Lãnh đạo Bộ Ngoại giao xem xét
quyết định.
3. Kế toán của các CQĐD có trách
nhiệm gửi hóa đơn, chứng từ gốc về Quỹ theo từng quý để Quỹ hoạch toán theo quy
định tài chính và lập báo cáo thu, chi hàng năm theo quy định quản lý tài chính
hiện hành.
4. Khi có hoạt động đột xuất có
tính chất và phạm vi ảnh hưởng lớn thì Thủ trưởng CQĐD thông báo cho Giám đốc
Quỹ dự kiến và kế hoạch hoạt động cùng dự toán kinh phí. Giám đốc Quỹ có trách
nhiệm xem xét và trả lời trong thời gian sớm nhất yêu cầu này theo thẩm quyền.
Chỉ khi có sự đồng ý bằng văn bản của Giám đốc Quỹ hoặc Lãnh đạo Bộ Ngoại giao
thì Thủ trưởng CQĐD mới thực hiện.
Điều 7. Nội
dung chi của Quỹ Bảo hộ công dân
1. Khoản chi không hoàn lại:
a. Chi cho việc bảo đảm an toàn
tính mạng của công dân và chuyển họ đến nơi an toàn khi xảy ra chiến tranh,
xung đột, thiên tai, dịch bệnh, khủng bố, bắt cóc,…;
b. Chi cho công dân trong trường hợp
đột xuất, khẩn cấp mà đương sự được chứng minh là hoàn toàn không còn khả năng
tài chính để chi trả và không có thân nhân, tổ chức đứng ra bảo lãnh.
c. Chi cho cán bộ lãnh sự của CQĐD;
cán bộ từ trong nước hoặc từ một nước có CQĐD gần nhất ra nước ngoài thực hiện
việc bảo hộ công dân và pháp nhân, tìm hiểu tình hình đối với các trường hợp
công dân bị bắt, bị tạm giam, tạm giữ, bị xét xử, thi hành án phạt tù, và các
trường hợp cần thiết khác liên quan đến công tác bảo hộ.
d. Chi cho các hoạt động đối ngoại
phục vụ công tác bảo hộ công dân, pháp nhân.
2. Khoản chi phải hoàn trả:
a. Tạm ứng kinh phí thanh toán tiền
viện phí, thuốc men, vé về nước, tiền ăn, ở trong thời gian chờ về nước; tang lễ,
hỏa thiêu, chuyển thi hài, di hài về nước, v.v… cho công dân trong các trường hợp
khẩn cấp mà đương sự không có khả năng tài chính vào thời điểm đó nhưng có đặt
cọc, bảo lãnh của gia đình, tổ chức trong nước về việc hoàn trả các khoản tiền
này.
b. Trường hợp đặc biệt, đương sự
không có bảo lãnh, đặt cọc thì đương sự phải có cam kết bằng văn bản việc hoàn
trả các khoản tiền này.
3. Chi cho công tác quản lý Quỹ
(không quá 10% tổng kinh phí được phê duyệt hàng năm của Quỹ):
a. Người kiêm nhiệm được hưởng 30%
mức lương cơ bản của mình đang hưởng hiện hành;
b. Chi lương, bảo hiểm và phụ cấp
theo quy định của pháp luật cho cán bộ, nhân viên hợp đồng (nếu có) của Quỹ;
c. Chi cho hoạt động tuyên truyền để
xây dựng Quỹ;
d. Chi cho các hoạt động đoàn ra,
đoàn vào phục vụ công tác xây dựng Quỹ, kiểm tra sử dụng Quỹ; khảo sát, nghiên
cứu tình hình thực tế và hoạt động của công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt
Nam ở các địa bàn;
e. Tỷ lệ này sẽ được điều chỉnh
hàng năm cho phù hợp với tình hình thực tế theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại
giao và sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
4. Các khoản chi khác phù hợp với
chế độ quản lý tài chính Quỹ và phù hợp với mục đích, quy định của Quỹ do Lãnh
đạo Bộ Ngoại giao hoặc Giám đốc Quỹ quyết định.
Điều 8. Khen
thưởng, kỷ luật
1. Quỹ Bảo hộ công dân có sổ vàng
danh dự, các kỷ niệm chương và có thể đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khen
thưởng các tổ chức, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước có thành tích xuất sắc
trong hoạt động xây dựng và phát triển Quỹ, có nhiều đóng góp trong công tác bảo
hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.
2. Mọi hành vi vi phạm các quy định
của Nhà nước về hoạt động của Quỹ và các quy định tại Quy chế này, tùy theo
tính chất, mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
theo pháp luật hiện hành.
Điều 9. Khiếu nại
và tố cáo
1. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có
quyền khiếu nại, tố cáo hành vi tham ô, tham nhũng, lợi dụng danh nghĩa của Quỹ
Bảo hộ công dân để trục lợi hoặc các hành vi vi phạm các quy định tại Quy chế
này.
2. Việc giải quyết các khiếu nại, tố
cáo liên quan đến Quỹ Bảo hộ công dân được thực hiện theo quy định của Luật Khiếu
nại và Tố cáo./.