Nghị định 183-CP năm 1994 hướng dẫn pháp lệnh cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Số hiệu 183-CP
Ngày ban hành 18/11/1994
Ngày có hiệu lực 18/11/1994
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 183-CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 1994

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 183-CP NGÀY 18-11-1994 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH VỀ CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh về Cơ quan Đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 2 tháng 12 năm 1993;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ ngoại giao
,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

TỔ CHỨC, BỘ MÁY CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

Điều 1.

1- Cơ quan Đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (dưới đây gọi tắt là cơ quan Đại diện) gồm: Cơ quan Đại diện ngoại giao, Phái đoàn đại diện thường trực tại tổ chức quốc tế liên Chính phủ và Cơ quan Lãnh sự.

2- Trong một số trường hợp cần thiết, Cơ quan Đại diện có thể có tên gọi khác theo sự thoả thuận giữa Việt Nam và nước tiếp nhận để thực hiện một phần hoặc toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 7 của Pháp lệnh về Cơ quan Đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (dưới đây gọi tắt là Pháp lệnh).

Thủ tướng Chính phủ quyết định quy chế hoạt động của các Cơ quan Đại diện nói tại Khoản 2 Điều này theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

3- Ngoài các cơ quan quy định tại các Khoản 1 và 2 Điều này, không một cơ quan nào khác có tư cách và thẩm quyền thực hiện chức năng, nhiệm vụ cơ quan quản lý Nhà nước ở nước ngoài.

Điều 2.

1- Căn cứ vào yêu cầu hoạt động đối ngoại và triển vọng phát triển quan hệ giữa Việt Nam với từng nước hoặc tổ chức quốc tế, Bộ tưởng Bộ Ngoại giao trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập hoặc đình chỉ hoạt động của Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

2- Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm tiến hành các thủ tục ngoại giao cần thiết để thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu tại Khoản 1 Điều này.

Điều 3.

1- Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có trách nhiệm trao đổi ý kiến với Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và tham khảo ý kiến Thủ trưởng các cơ quan hữu quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định về tổ chức, bộ máy và biên chế của Cơ quan Đại diện, trong đó quy định rõ chức danh tiêu chuẩn của từng bộ phậm công tác và chỉ tiêu biên chế của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cần có cán bộ chuyên môn để đảm nhiệm các lĩnh vực công tác của Cơ quan Đại diện.

2- Trong trường hợp do yêu cầu đối ngoại cấp bách, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao được phép điều chỉnh biên chế giữa các Cơ quan Đại diện trong phạm vi tổng biên chế do Thủ tướng Chính phủ duyệt cho Bộ Ngoại giao. Đối với biên chế của các Bộ, ngành khác trong các Cơ quan Đại diện, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng được phép điều chỉnh sau khi trao đổi thống nhất ý kiến với Thủ trưởng các Bộ, cơ quan hữu quan.

3- Quy định tại Khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với các trường hợp điều chỉnh, bổ sung biên chế của các Cơ quan Đại diện đã được thành lập.

Điều 4.

1- Bộ trưởng Bộ Ngoại giao căn cứ vào mức độ và tầm quan trọng của từng lĩnh vực quan hệ giữa Việt Nam với nước hoặc tổ chức quốc tế tiếp nhận để quyết định cử viên chức và chức vụ ngoại giao cho công chức làm việc trong các bộ phận công tác thuộc Cơ quan Đại diện theo quy định tại các Điều 10 và Điều 17 của Pháp lệnh.

2- Khi cần thiết, người đứng đầu Cơ quan Đại diện có quyền điều chỉnh việc phân công công tác đối với các viên chức, nhân viên làm việc trong các bộ phận công tác thuộc Cơ quan Đại diện cho phù hợp với yêu cầu công tác của từng thời điểm, nhưng không để ảnh hưởng đến công tác chuyên môn của bộ phận công tác đó. Các viên chức, nhân viên đó phải chấp hành sự phân công công tác của người đứng đầu Cơ quan Đại diện.

Điều 5.

1- Tiêu chuẩn của viên chức Cơ quan Đại diện:

a) Phải là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam và không có vợ, chồng hoặc bố, mẹ là người nước ngoài;

b) Phải là công chức Nhà nước Việt Nam;

c) Trung thành với Tổ quốc và lợi ích dân tộc;

d) Có trình độ lý luận từ sơ cấp trở lên; có lập trường chính trị vững vàng và phẩm chất đạo đức tốt;

[...]