QUY CHẾ
ĐIỀU ĐỘNG GIÁO VIÊN, NHÂN VIÊN CÔNG TÁC TRONG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP GIÁO
DỤC CÔNG LẬP TỪ NƠI THỪA SANG NƠI THIẾU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2962/QĐ-UBND ngày 19/12/2018 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Quảng Trị)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định đối tượng, nguyên
tắc, điều kiện, thời gian, quy trình điều động giáo viên, nhân viên đang công
tác tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập (sau đây gọi tắt là giáo viên,
nhân viên) thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (sau đây gọi tắt là
đơn vị, địa phương).
2. Đối tượng áp dụng
Giáo viên, nhân viên thuộc trường hợp
dôi dư chỉ tiêu số người làm việc so với định mức và chỉ tiêu được giao hoặc
dôi dư vị trí việc làm thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị, địa phương.
Điều 2. Nguyên
tắc điều động
1. Các đơn vị, địa phương phải thực
hiện việc sắp xếp, điều động giáo viên, nhân viên từ nơi thừa sang nơi thiếu
thuộc các cơ sở giáo dục công lập thuộc thẩm quyền quản lý trước khi trình Ủy
ban nhân dân tỉnh xem xét điều động đến công tác tại các đơn vị, địa phương
khác.
2. Việc điều động giáo viên, nhân
viên giữa các trường, các vùng được tiến hành công khai, dân chủ, bình đẳng,
đúng đối tượng, đúng quy trình, theo quy định của pháp luật.
3. Dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch
phát triển trường lớp, nhu cầu giảng dạy, cơ cấu giáo viên, vị trí việc làm của
các trường học, kiện toàn công tác tổ chức cán bộ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu
quả giáo dục, đào tạo, đi đôi với phát triển mạng lưới trường, lớp, các ngành học,
cấp học, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu
số và miền núi.
4. Đảm bảo đủ số lượng, ổn định biên
chế và cân đối về cơ cấu đội ngũ theo quy định, không làm xáo trộn hoạt động,
không làm tăng biên chế. Đảm bảo tỷ lệ đồng đều về trình độ đào tạo và chất lượng
đội ngũ giữa các trường, các vùng.
5. Việc điều động giáo viên, nhân
viên từ đơn vị, địa phương thừa sang đơn vị, địa phương thiếu phải được thực hiện
hàng năm và hoàn thành trước đầu năm học mới.
6. Ưu tiên điều động trước những giáo
viên, nhân viên dôi dư có đơn tình nguyện thực hiện việc điều động.
7. Không điều động đến công tác tại
các thôn, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi đối với trường
hợp giáo viên, nhân viên đã từng có thời gian công tác tại các thôn, xã đặc biệt
khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
8. Trường hợp sau khi đã thực hiện việc
điều động mà vẫn còn dôi dư hoặc giáo viên, nhân viên không chấp hành việc điều
động của tổ chức thì thực hiện chính sách tinh giản biên chế hoặc chính sách
thôi việc theo quy định của Chính phủ.
Chương II
ĐIỀU KIỆN, THỜI
HẠN, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH CỦA GIÁO VIÊN, NHÂN VIÊN THỰC HIỆN ĐIỀU ĐỘNG
Điều 3. Điều động
đến công tác tại vùng đặc biệt khó khăn (làm nghĩa vụ vùng khó)
1. Vùng đặc biệt khó khăn quy định tại
Quy chế này là các thôn, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi
trên địa bàn tỉnh Quảng Trị theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc cấp có
thẩm quyền.
Việc xác định vùng đặc biệt khó khăn
áp dụng theo hiệu lực của văn bản tại thời điểm xem xét việc điều động.
2. Thời hạn điều động đến công tác tại
vùng đặc biệt khó khăn là 02 năm đối với nữ, 03 năm đối với nam (số năm tính
theo năm học). Trong quá trình thực hiện việc điều động nếu đơn vị, địa phương mà
giáo viên, nhân viên công tác trước khi thực hiện việc điều động thiếu vị trí
việc làm phù hợp thì thời gian điều động có thể rút ngắn.
3. Giáo viên, nhân viên sau khi hết
thời hạn điều động thì cá nhân viết đơn trình bày nguyện vọng, nhà trường (hoặc
trung tâm) lập hồ sơ và gửi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định:
a. Điều động về công tác tại đơn vị,
địa phương cũ.
b. Điều động đến đơn vị, địa phương
khác nếu như giáo viên, nhân viên có nguyện vọng và đơn vị, địa phương mới có
nhu cầu tiếp nhận.
4. Trong thời hạn điều động giáo
viên, nhân viên phát sinh gia đình hoàn cảnh khó khăn đột xuất như: bố, mẹ đẻ của
vợ hoặc chồng (bố, mẹ đang trực tiếp ở cùng nhà), bản thân hoặc vợ, chồng, con
bị tai nạn nặng, mắc bệnh hiểm nghèo theo quy định của Bộ Y tế được Hội đồng
nhà trường và Trung tâm Y tế cấp huyện trở lên xác nhận; vợ hoặc chồng được cơ
quan có thẩm quyền quyết định đi tăng cường, biệt phái tại các xã vùng khó
khăn, đặc biệt khó khăn, tăng cường, biệt phái ra ngoại tỉnh, có đơn trình bày
và được Hội đồng nhà trường xét, có văn bản đề nghị thì được cấp có thẩm quyền
xem xét quyết định điều động trước thời hạn về đơn vị, địa phương công tác cũ
hoặc bố trí sắp xếp đến các đơn vị, địa phương khác phù hợp.
Điều 4. Điều động
đến công tác tại vùng thuận lợi
1. Vùng thuận lợi quy định tại Quy chế
này là các thôn, khóm, khu phố; các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng
Trị trừ các thôn, xã quy định tại khoản 1 Điều 3 Quy chế này.
2. Việc điều động giáo viên, nhân
viên đến công tác tại vùng thuận lợi không đặt vấn đề thời hạn điều động trở lại.
Trường hợp trong quá trình thực hiện việc điều động nếu đơn vị, địa phương mà
giáo viên, nhân viên công tác trước khi thực hiện việc điều động thiếu vị trí
việc làm phù hợp có yêu cầu tiếp nhận trở lại thì có thể xem xét điều động.
3. Thực hiện điều động đến thành phố
Đông Hà tối đa không quá ½ số giáo viên còn thiếu và trong đó ít nhất ½ số giáo
viên điều động đến phải là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện.
Điều 5. Ưu tiên
chưa xem xét điều động
Giáo viên, nhân viên thuộc các trường
hợp sau được ưu tiên chưa xem xét điều động theo thứ tự ưu tiên như sau (trừ
trường hợp có đơn tình nguyện xin điều động):
1. Vợ hoặc chồng của giáo viên, nhân
viên đang công tác tại hải đảo và làm nhiệm vụ quốc tế.
2. Vợ hoặc chồng của giáo viên, nhân
viên đang công tác tại thôn, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền
núi.
3. Cả 2 vợ chồng là giáo viên, nhân
viên thuộc diện điều động thì chỉ thực hiện một người.
4. Giáo viên, nhân viên có tuổi đời
trên 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
5. Gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó
khăn: Người trực tiếp chăm sóc con (con đẻ, con nuôi), bố, mẹ của vợ hoặc chồng
tàn tật phải phục vụ đi lại, ăn uống, sinh hoạt hoặc đang đau ốm, già yếu (bố,
mẹ đang trực tiếp ở cùng nhà); vợ hoặc chồng, con đang điều trị bệnh hiểm nghèo
theo quy định của Bộ Y tế, được Hội đồng nhà trường và Trung tâm Y tế cấp huyện
trở lên xác nhận.
6. Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh trở
lên, giáo viên nòng cốt bồi dưỡng học sinh giỏi các môn văn hóa bậc Trung học cơ
sở, Trung học phổ thông mà đơn vị, địa phương có yêu cầu ở lại.
7. Người có thời gian công tác lâu
năm hơn.
8. Giáo viên, nhân viên nữ.
Điều 6. Các trường
hợp không điều động
Không điều động giáo viên, nhân viên
thuộc một trong các trường hợp sau (trừ các trường hợp quy định tại khoản 2, 3,
4, 5 Điều này có đơn tình nguyện điều động):
1. Giáo viên, nhân viên trong thời
gian đang bị xem xét, xử lý kỷ luật; đang trong thời gian bị khởi tố, điều tra
hoặc có liên quan đến công việc đang bị thanh tra, kiểm tra.
2. Phụ nữ đang mang thai, đang nuôi
con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Trường hợp giáo viên, nhân viên nam phải nuôi con
nhỏ dưới 36 tháng tuổi (do vợ mất hoặc ly hôn) thì cũng được áp dụng như giáo
viên, nhân viên nữ.
3. Bản thân giáo viên, nhân viên là
Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, thương bệnh binh.
4. Đang điều trị bệnh hiểm nghèo theo
quy định của Bộ Y tế (có bệnh án hoặc giấy xác nhận của Trung tâm y tế cấp huyện
trở lên).
5. Đang tham gia các lớp đào tạo, học
tập dài hạn do cấp có thẩm quyền quyết định.
Điều 7. Chế độ,
chính sách
Giáo viên, nhân viên khi thực hiện điều
động theo Quy chế này được ưu tiên bố trí nhà ở công vụ (nếu có); nếu hoàn
thành tốt nhiệm vụ thì được ưu tiên xem xét khen thưởng, nâng bậc lương trước thời
hạn; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, quy hoạch, bổ nhiệm các chức vụ
quản lý khi có yêu cầu.
Điều 8. Quy trình
tổ chức thực hiện
1. Trước ngày 30 tháng 6 hàng năm
a. Đơn vị, địa phương căn cứ chức
danh, số người làm việc hiện có theo vị trí việc làm của từng cấp học, đối chiếu
với định mức quy định để thực hiện việc điều động, sắp xếp giáo viên, nhân viên
từ nơi thừa sang nơi thiếu tại các đơn vị trường học, trung tâm thuộc thẩm quyền
quản lý.
b. Sau khi thực hiện quy trình tại điểm
a khoản này, các đơn vị, địa phương báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh (qua
Sở Nội vụ): Số lượng giáo viên, nhân viên theo từng vị trí việc làm, từng cấp học
dôi dư; Số lượng giáo viên, nhân viên theo từng vị trí việc làm, từng cấp học
thiếu; Số lượng giáo viên, nhân viên theo từng vị trí việc làm, từng cấp học đề
nghị điều động đến công tác tại đơn vị, địa phương khác (vùng thuận lợi và
nghĩa vụ vùng đặc biệt khó khăn) và số lượng từng vị trí việc làm theo từng cấp
học thiếu đề nghị điều động đến hoặc tuyển dụng mới.
Trường hợp số lượng giáo viên, nhân
viên theo từng vị trí việc làm, từng cấp học thừa, thiếu chênh lệch so với số
lượng giáo viên, nhân viên theo từng vị trí việc làm, từng cấp học đề nghị điều
động đi, đến hoặc tuyển dụng mới, thì phải báo cáo rõ lý do, phương án sắp xếp,
bố trí, tinh giản biên chế cho từng vị trí việc làm cụ thể.
2. Trước ngày 15 tháng 7 hàng năm
Trên cơ sở, báo cáo, đề xuất của các
đơn vị, địa phương (điểm b khoản 1 Điều này), Sở Nội vụ cân đối, xây dựng phương
án điều động và giao chỉ tiêu điều động cụ thể cho từng đơn vị, địa phương theo
từng vị trí việc làm, từng cấp học.
3. Trước ngày 30 tháng 7 hàng năm
a. Căn cứ chỉ tiêu thực hiện điều động
mà cấp trên giao, mỗi đơn vị trường học tiến hành xem xét, đề xuất danh sách
giáo viên, nhân viên thực hiện điều động (bao gồm trường hợp giáo viên, nhân
viên hết thời hạn điều động (nghĩa vụ) đến công tác tại vùng đặc biệt khó
khăn). Việc xem xét, đề xuất danh sách giáo viên, nhân viên thực hiện điều động
thông qua Hội đồng xét điều động giáo viên, nhân viên (Hội đồng). Hội đồng do
Thủ trưởng đơn vị quyết định thành lập, thành phần Hội đồng gồm có: Ban giám hiệu
nhà trường (Ban Giám đốc đối với các trung tâm), đại diện Cấp ủy, đại diện Ban
Chấp hành Công đoàn, đại diện Đoàn thanh niên (nếu có), tổ trưởng tổ chuyên môn
có giáo viên thực hiện điều động.
b. Căn cứ danh sách và hồ sơ giáo
viên, nhân viên đề nghị điều động các đơn vị gửi lên, Sở Giáo dục và đào tạo, Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp gửi Sở Nội vụ: Danh sách
giáo viên, nhân viên đề nghị điều động; Nhu cầu chỉ tiêu đề nghị tuyển dụng mới.
4. Trước ngày 15 tháng 8 hàng năm
Căn cứ danh sách giáo viên, nhân viên
các đơn vị, địa phương đề nghị điều động, Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Giáo
dục và Đào tạo, tổng hợp, xem xét hồ sơ, điều kiện cụ thể của từng giáo viên,
nhân viên để ban hành quyết định điều động phù hợp.
5. Trước ngày 20 tháng 8 hàng năm
Sở Nội vụ căn cứ số người làm việc hiện
có (bao gồm số giáo viên, nhân viên được điều động theo quy định tại khoản 4 Điều
này), đối chiếu kế hoạch số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao và
nhu cầu của từng đơn vị, địa phương, thực hiện thống nhất chỉ tiêu, số người
làm việc để các đơn vị, địa phương tổ chức tuyển dụng mới.
Điều 9. Hồ sơ điều
động
1. Tờ trình đề nghị điều động, tuyển
dụng của các đơn vị, địa phương, trong đó báo cáo rõ các nội dung: Danh sách
giáo viên, nhân viên đề nghị điều động; Số lãnh đạo quản lý trường học, giáo
viên, nhân viên hiện có so với định mức; Chỉ tiêu, số người làm việc đề nghị
tuyển mới.
2. Hồ sơ cá nhân của giáo viên, nhân
viên đề nghị điều động, bao gồm: Sơ yếu lý lịch (Mẫu số 2 ban hành kèm theo
Thông tư số 12/2012/TT-BNV ngày 18/12/2012 của Bộ Nội vụ); Đơn trình bày nguyện
vọng nơi được điều động đến (nếu có); Biên bản họp xét điều động giáo viên,
nhân viên của Hội đồng xét điều động giáo viên nhà trường.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Thời
gian thực hiện
Các đơn vị, tổ chức thực hiện đảm bảo
theo mốc thời gian quy định tại Điều 8 Quy chế này, riêng năm học 2018 - 2019 tổ
chức thực hiện ngay khi Quy chế này có hiệu lực thi hành.
Điều 11. Trách
nhiệm triển khai thực hiện
1. Các cơ sở giáo dục công lập thuộc
thẩm quyền quản lý của Sở Giáo dục và đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố có trách nhiệm phổ biến, quán triệt, hướng dẫn giáo viên, nhân
viên rõ nội dung Quy chế này; kịp thời nắm bắt thông tin, tâm tư nguyện vọng của
giáo viên, nhân viên báo cáo những khó khăn, vướng mắc (nếu có) với cấp có thẩm
quyền.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Làm tốt công tác tuyên truyền, quán
triệt và công tác tư tưởng để giáo viên, nhân viên thông suốt, thống nhất về nhận
thức, đề cao trách nhiệm tự giác, quyết tâm thực hiện; vừa làm tốt việc động
viên, khuyến khích tính tự giác của giáo viên, nhân viên, vừa yêu cầu giáo
viên, nhân viên nghiêm túc chấp hành quyết định điều động của tổ chức.
- Hướng dẫn các trường, trung tâm thực
hiện đúng Quy chế này;
- Tổ chức thực hiện các quy trình, nội
dung quy định tại khoản 1, điểm b khoản 3 Điều 8 Quy chế này.
- Căn cứ quy định tại Quy chế này,
xây dựng Quy chế điều động giáo viên, nhân viên thuộc thẩm quyền quản lý để thực
hiện có nề nếp tại đơn vị, địa phương.
3. Sở Nội vụ
- Hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm
tra các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện Quy chế này.
- Trực tiếp tham mưu, tổ chức thực hiện
các quy định tại khoản 2, khoản 4, khoản 5 Điều 8 Quy chế này.
4. Sở Tài chính; Phòng Tài chính - Kế
hoạch và Kho bạc Nhà nước các huyện, thị xã, thành phố tham mưu, giải quyết kịp
thời chế độ, chính sách tiền lương đối với giáo viên, nhân viên thực hiện việc
điều động.
Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc,
các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh, báo cáo với Ủy
ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.