QUY ĐỊNH
VỀ
CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN PHÁT TRIỂN CÂY CHÈ, CÂY MÍA TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2007-2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 29/2007/QĐ-UBND ngày 28/8/2007 của Ủy ban
nhân dân tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về chính sách khuyến khích đầu
tư trồng, chăm sóc, thâm canh cây chè đạt năng suất bình quân trên 10
tấn/ha/năm, cây mía đạt năng suất mía bình quân trên 60 tấn/ha/năm đối với mía
trồng trên đất đồi, 100 tấn/ha/năm trở lên đối với mía trồng trên đất ruộng,
đất soi bãi, theo quy hoạch được phê duyệt.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các hợp tác xã, liên hộ gia đình, hộ gia đình; các
doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân trong và ngoài tỉnh trực tiếp tham gia
đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chè, mía theo quy hoạch được phê duyệt,
trong giai đoạn từ năm 2007 đến hết năm 2010 (sau đây gọi chung là người sản
xuất chè, mía).
Điều 3. Điều kiện được hưởng
chính sách của người sản xuất chè, mía
1. Có dự án đầu tư trồng, thâm canh cây chè, cây mía
theo quy trình kỹ thuật được phê duyệt, để đạt năng suất chè bình quân từ 10 tấn/ha/năm
trở lên và năng suất mía bình quân trên 60 tấn/ha/năm đối với mía trồng trên
đất đồi, từ 100 tấn/ha/năm trở lên đối với mía trồng trên đất ruộng, đất soi
bãi.
2. Đối với các hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức
kinh tế phải có diện tích trồng chè, trồng mía từ 20 ha trở lên, tự chế biến
hoặc có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn
tỉnh (thời hạn hợp đồng từ 03 năm trở lên).
3. Đối với liên hộ gia đình, hộ gia đình, cá nhân phải
có diện tích trồng chè, trồng mía từ 01 ha trở lên và ký hợp đồng tiêu thụ sản
phẩm với các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh với thời hạn từ 03 năm trở
lên.
Điều 4. Những nội dung không nêu trong bản Quy định này được thực
hiện theo các chính sách, pháp luật hiện hành của Nhà nước.
Chương II
CHÍNH SÁCH CỤ THỂ
Điều 5. Về đất đai
1. Khuyến khích người sản xuất chè, mía nhận đất, thuê
đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai để đầu tư
trồng mới, thâm canh cải tạo vườn chè, mía và đầu tư cơ sở chế biến.
2. Người sản xuất chè, mía được sử dụng giá trị quyền
sử dụng đất, tài sản trên đất trồng chè, trồng mía để liên doanh, liên kết với
các doanh nghiệp chế biến theo quy định của pháp luật.
3. Khi người sản xuất chè, mía mua lại giá trị vườn
chè, mía và tài sản gắn liền trên đất của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh
chè, mía được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.
4. Đối với diện tích đất trồng chè, mía đang được giao
khoán cho hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định số 01/CP ngày 04 tháng 01 năm
1995 của Chính phủ, nếu bên nhận khoán thực hiện đúng hợp đồng khoán, sử dụng
đất đúng mục đích thì tiếp tục được sử dụng đất theo hợp đồng đã ký và điều
chỉnh nội dung hợp đồng khoán theo quy định của Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày
08 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản
xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông lâm trường quốc
doanh.
Điều 6. Về hỗ trợ sau đầu tư
1. Hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay để thực hiện khai
hoang, cải tạo, chuyển đổi diện tích đất trồng các loại cây kém hiệu quả kinh
tế sang trồng mía, trồng chè trong vùng quy hoạch nguyên liệu tập trung theo dự
án được phê duyệt.
2. Hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay đầu tư thâm canh cây
chè, cây mía trong năm đầu thực hiện theo dự án được phê duyệt.
3. Hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay đầu tư mua mới, nâng
cấp, cải tiến máy móc, dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại để sản xuất ra
sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ đáp ứng được thị trường tiêu thụ theo
dự án đầu tư được phê duyệt; thời gian được hỗ trợ lãi suất trong 3 năm kể từ
khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động.
Điều 7. Về hỗ trợ đầu tư kỹ
thuật và khuyến nông
1. Người sản xuất chè, mía được ưu tiên tham gia các
chương trình dự án của Nhà nước về khuyến nông, khuyến công và được hưởng các
chính sách về khuyến nông, khuyến công theo quy định của Nhà nước và Ủy ban nhân
dân tỉnh về chính sách khuyến nông, khuyến công.
2. Người sản xuất chè, mía thực hiện ứng dụng kỹ
thuật công nghệ mới, cải tiến thiết bị nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm
chè, mía được ưu tiên đưa vào danh mục đề tài, dự án khoa học công nghệ và được
xem xét hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học theo quy định của
Nhà nước và Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức thực hiện và quản lý các đề
tài, dự án khoa học công nghệ.
3. Người sản xuất chè, mía được hỗ trợ chi phí xây dựng
mô hình trình diễn, mô hình công nghệ cao, chuyển giao kết quả khoa học công
nghệ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển cây chè, cây mía của tỉnh; mức
chi hỗ trợ cụ thể thực hiện theo quy định của Thông tư số
30/2006/TTLT-BTC-BNN&PTNT-BTS ngày 06/4/2006 của liên bộ: Bộ Tài chính - Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Thủy sản về Hướng dẫn việc quản lý và
sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến nông, khuyến ngư.
4. Người sản xuất chè, mía sử dụng giống chè, giống
mía tiến bộ kỹ thuật có năng suất, chất lượng cao để thay thế giống đang sử
dụng theo dự án được phê duyệt, được hỗ trợ một lần bằng 50% chi phí chênh lệch
giá tăng thêm giữa giống mới so với giống đang sử dụng.
Điều 8. Về thuế
1. Được Nhà nước miễn thuế, giảm thuế thu nhập theo
quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư thành lập cơ sở
sản xuất kinh doanh mới; thay đổi dây chuyền thiết bị công nghệ chế biến mới hoặc
di chuyển địa điểm theo quy hoạch.
2. Được miễn thuế theo quy định của Luật Thuế chuyển
quyền sử dụng đất khi thực hiện chuyển quyền sử dụng đất (thuộc các xã nông
thôn ở miền núi) và chuyển đổi đất sản xuất nông lâm nghiệp cho nhau để sản
xuất, chế biến chè, mía phù hợp với điều kiện canh tác.
Điều 9. Về thị trường
1. Ngoài các chính sách hiện hành của Nhà nước, người
sản xuất chè, mía đầu tư vào vùng sản xuất hàng hóa tập trung và có hợp đồng
tiêu thụ nông sản hàng hóa với nông dân ngay từ đầu vụ được hỗ trợ 50% kinh phí
(01 lần/năm) để mở hội nghị khách hàng, được ưu tiên tham gia thực hiện các hợp
đồng thương mại của Chính phủ và các chương trình xúc tiến thương mại do Bộ
Thương mại, Bộ, ngành có liên quan, Hiệp hội ngành hàng và địa phương tổ chức.
2. Hỗ trợ 50% kinh phí đăng ký nhãn hiệu, chất lượng
lần đầu cho sản phẩm được chứng nhận là hàng nông sản Việt Nam chất lượng cao
và uy tín thương mại.
3. Hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng thương hiệu sản phẩm
sau khi thương hiệu sản phẩm được công nhận.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Lập, chấp hành và
quyết toán kinh phí
Việc lập dự toán, cấp phát và quyết toán kinh phí khuyến
khích phát triển cây chè, cây mía thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân
sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước, trong
đó:
1. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã tổng hợp, lập dự toán
kinh phí thực hiện chính sách khuyến khích phát triển cây chè, cây mía của các
hợp tác xã, liên hộ, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn gửi Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư.
2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, tổng hợp dự toán ngân
sách thực hiện chính sách khuyến khích phát triển cây chè, cây mía của các
huyện, thị, các dự án đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để Ủy ban nhân
dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định hiện hành.
3. Kho bạc Nhà nước tỉnh, huyện căn cứ dự toán chi ngân
sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt để kiểm soát, quản lý, cấp phát,
thanh toán kinh phí khuyến khích phát triển cây chè, cây mía theo đúng định
mức, chế độ chi tiêu và quy định hiện hành của Nhà nước, của Ủy ban nhân dân
tỉnh.
4. Các đơn vị được giao dự toán kinh phí khuyến khích
phát triển cây chè, cây mía chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục
đích, có hiệu quả và quyết toán kinh phí thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
Điều 11. Giao trách nhiệm
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thị
xã:
Thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dự án
đầu tư phát triển cây chè, cây mía của các doanh nghiệp đủ điều kiện được hỗ trợ
kinh phí theo quy định này; thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ đối với
dự án mua mới, cải tiến máy móc dây chuyền công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản
xuất (theo khoản 3 Điều 6 của Quy định này).
Căn cứ quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu
chè, mía toàn tỉnh để hướng dẫn và triển khai việc thực hiện Quy định này.
2. Các Sở, ngành, đơn vị liên quan:
Theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình có trách nhiệm
hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các cơ chế, chính sách tại Quy định này.
3. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã:
a) Có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra
đôn đốc Ủy ban nhân dân các xã, người sản xuất chè, mía trên địa bàn trong việc
thực hiện cơ chế, chính sách tại Quy định này.
b) Thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư trồng mới,
thâm canh cây chè, cây mía cho các hợp tác xã, liên hộ và các hộ gia đình, cá
nhân trên địa bàn để làm cơ sở vay vốn và thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu
tư.
4. Ủy ban nhân dân cấp xã:
a) Xác nhận hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa
người sản xuất và người chế biến.
b) Xác nhận diện tích đầu tư thâm canh chè, mía, diện
tích khai hoang trồng mới, diện tích chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang
trồng chè, trồng mía trên địa bàn.
5. Các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp:
a) Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng nguyên
liệu chè, mía hàng năm để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh và
thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ nguyên liệu ngay từ đầu vụ, đầu năm, đầu chu
kỳ sản xuất.
b) Thực hiện công tác khuyến nông và chuyển giao tiến
bộ khoa học kỹ thuật đối với vùng sản xuất nguyên liệu theo quy hoạch.
c) Chủ động phối hợp với các ngành, UBND các cấp, các
tổ chức tín dụng trong quá trình thực hiện kế hoạch sản xuất nguyên liệu; đảm
bảo tiêu thụ nguyên liệu ổn định theo hợp đồng đã ký.
Điều 12. Trong quá trình thực hiện Quy định này sẽ được điều chỉnh,
bổ sung cho phù hợp với thực tế./.