Quyết định 29/2007/QĐ-BCN phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung đến năm 2015, có xét đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành.

Số hiệu 29/2007/QĐ-BCN
Ngày ban hành 11/07/2007
Ngày có hiệu lực 16/08/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ CÔNG NGHIỆP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số:     29/2007/QĐ-BCN

Hà Nội, ngày 11 tháng 07 năm 2007

Căn cứ Thông báo số 3174/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ ngày 11 tháng 6 năm 2007 thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định, phê duyệt chiến lược, quy hoạch và uỷ quyền cho Bộ trưởng Bộ Công nghiệp phê duyệt các chiến lược quy hoạch;

Xét tờ trình số 242/TTr-VCL ngày 10 tháng 7 năm 2007 của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công nghiệp;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,     

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung đến năm 2015, có xét đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

Phát triển công nghiệp Vùng với tốc độ cao, hiệu quả và bền vững, phát huy được lợi thế của từng tỉnh trong vùng. Đảm bảo tính liên kết vùng trên cơ sở phân bố hợp lý về không gian lãnh thổ, về cơ cấu các ngành công nghiệp. Hình thành được một số ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn có sức cạnh tranh trong nước và quốc tế, đưa Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung trở thành một trong những vùng phát triển năng động của cả nước, bảo đảm vai trò hạt nhân tăng trưởng và thúc đẩy phát triển khu vực Miền Trung và Tây Nguyên.

Phát triển công nghiệp kết hợp chặt chẽ với phát triển các ngành kinh tế khác, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

2. Mục tiêu phát triển

Tốc độ tăng trưởng GDP công nghiệp và xây dựng giai đoạn 2006-2010 đạt 13,5%; giai đoạn 2011 - 2015 đạt 12,5%;

Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong cơ cấu GDP năm 2010 chiếm 40,91%; năm 2015 chiếm 43,70% (trong đó công nghiệp là 30,73% và 34,28%);

Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp giai đoạn 2006-2010 là 16,90%, giai đoạn 2011-2015 là 15,0%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2006-2010 là 20,16%, giai đoạn 2011 - 2015 là 19,35%.

3. Định hướng phát triển

Phát triển công nghiệp theo phương châm huy động tối đa mọi nguồn lực của các địa phương trong vùng, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, coi trọng và nâng cao hiệu quả của hợp tác quốc tế, hợp tác liên vùng và liên ngành.

Phát triển các khu công nghiệp tập trung gắn với nguồn nguyên liệu để giảm chi phí sản xuất. Chú trọng phát triển các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn nông thôn, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, rút ngắn dần khoảng cách về kinh tế - xã hội giữa nông thôn và thành thị, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá nông nghiệp và nông thôn.

Chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực có hàm lượng chất xám cao như kỹ thuật điện tử, cơ điện tử, sản xuất thiết bị máy móc siêu trường, siêu trọng, đóng và sửa chữa tầu thủy, sản xuất thép, vật liệu xây dựng cao cấp.

Khẩn trương xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành cơ khí chế tạo thiết bị và phụ tùng cho sản xuất ô tô, xe máy, linh kiện điện tử, động cơ điện.

Đa dạng hoá về quy mô và loại hình sản xuất công nghiệp. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.

4. Quy hoạch phát triển các ngành

4.1. Quy hoạch ngành công nghiệp cơ khí, luyện kim

a) Quan điểm phát triển

Phát triển công nghiệp cơ khí và luyện kim thành ngành công nghiệp chủ lực của Vùng, từng bước trang bị các máy móc thiết bị và công nghệ tiên tiến; tăng cường liên kết sản xuất các linh kiện, phụ kiện; từng bước hội nhập vào tiến trình phân công sản xuất quốc tế.

b)  Mục tiêu phát triển

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2006 - 2010 khoảng 22,94%; giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 20,50%.

Phấn đấu đến năm 2010 và 2015, các sản phẩm chủ yếu như máy động lực, máy nông nghiệp, linh kiện ô tô, xe máy, van công nghiệp, thiết bị y tế, thép cán đáp ứng đủ nhu cầu trong vùng và một phần cho xuất khẩu.

c) Định hướng phát triển 

 -  Khai thác thế mạnh của vùng để đầu tư phát triển ở những nơi có hạ tầng cơ sở tốt. Hình thành mạng lưới doanh nghiệp sản xuất hỗ trợ phục vụ cho nhu cầu phát triển ngành.

- Từng bước trang bị lại và hiện đại hoá các trang thiết bị, đổi mới công nghệ, ứng dụng kỹ thuật số trong khâu thiết kế, chế tạo.

Đầu tư mới cơ sở sản xuất thép tấm với công nghệ hiện đại, phục vụ nhu cầu trong vùng và cả nước.

d) Quy hoạch phát triển

[...]