Quyết định 14/2006/QĐ-BCN phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tuyến biên giới Việt – Trung đến năm 2010 do Bộ trưởng Bộ Công Nghiệp ban hành

Số hiệu 14/2006/QĐ-BCN
Ngày ban hành 26/05/2006
Ngày có hiệu lực 24/06/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp
Người ký Đỗ Hữu Hào
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị

BỘ CÔNG NGHIỆP

******


Số: 14/2006/QĐ-BCN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TUYẾN BIÊN GIỚI VIỆT – TRUNG ĐẾN NĂM 2010

Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới Việt Trung;
Căn cứ Công văn số 1332/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ về việc ủy quyền phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tuyến biên giới Việt – Trung đến năm 2010;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tuyến biên giới Việt – Trung với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

- Gắn liền với việc bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chú trọng đến mối quan hệ hữu cơ với các vùng xung quanh và cả nước trên cơ sở phân công hợp tác cùng có lợi, từng bước cải thiện đời sống kinh tế và nâng cao dân trí của nhân dân trên địa bàn.

- Huy động mọi nguồn lực của nhân dân các dân tộc trong vùng, các tỉnh khác, các doanh nghiệp miền xuôi thuộc mọi thành phần kinh tế và đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc và các nước ASEAN. Nhà nước tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.

- Phát huy tối đa tiềm năng và ưu thề sẵn có của vùng biên giới, cửa ngõ giao lưu của Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc, đẩy mạnh hợp tác, xuất nhập khẩu với các địa phương vùng biên giới Trung Quốc.

- Tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công ở khu vực những cửa khẩu chính; các khu, cụm công nghiệp; khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp với phát triển du lịch. Chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là bảo vệ rừng và nguồn nước.

2. Định hướng phát triển đến năm 2010

- Tập trung đầu tư phát triển những ngành công nghiệp có lợi thế như: khai thác và chế biến khoáng sản quy mô vừa và nhỏ, công nghiệp chế biến nông lâm sản, vật liệu xây dựng, thủy điện nhỏ, phân bón, hóa chất và cơ khí sửa chữa. Ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, giao công xuất khẩu, sản xuất bao bì và đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Chú trọng phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống có sử dụng nhiều lao động và nguyên liệu tại địa phương như dệt, mây tre đan, chạm khắc gỗ, mộc dân dụng và một số ngành nghề khác góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động trong vùng, tăng thu  nhập cho dân cư.

- Các khu công nghiệp, các dự án sản xuất quy mô lớn và vừa được xây dựng và triển khai chủ yếu ở Lào Cai và Móng Cái. Công nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thủ công nghiệp được phân bố ở các huyện, gắn liền với vùng nguyên liệu và hệ thống công nghiệp của các tỉnh.

- Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc; đào tạo, du nhập nghề mới cho nhân dân trên tuyến biên giới để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

- Đẩy mạnh công tác thăm dò đánh giá trữ lượng tài nguyên khoáng sản để tạo cơ sở phát triển công nghiệp khai khoáng giai đoạn sau năm 2010.

3. Định hướng phát triển của từng tỉnh đến năm 2010

a) Tỉnh Điện Biên

- Đối với huyện Mường Nhé, trước mắt phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp chế biến mây, tre, song và một số loại lâm sản quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu tại chỗ, đồng thời kết hợp với các cơ sở ở trung tâm tỉnh để cung cấp nguyên liệu và một số sản phẩm phục vụ cho các vùng khác và tham gia xuất khẩu.

- Phát triển một số cơ sở sản xuất gạch ngói, sửa chữa cơ khí, sản xuất dụng cụ cầm tay phục vụ nhu cầu tại chỗ. Từng bước xây dựng điểm công nghiệp tại trung tâm huyện và khu vực cửa khẩu quốc gia Sín Thầu để thu hút đầu tư, điểm công nghiệp ở khu vực tái định cư dự án Thủy điện Sơn La. Phát triển sản xuất vật liệu xây dựng để đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương và khu vực di dân, tập trung vào các sản phẩm như đá xây dựng, gạch tuynen, gạch ngói nung và một số loại vật liệu khác. Tận dụng tiềm năng sẵn có cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh để phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản.

b) Tỉnh Lai Châu

Đối với 3 huyện biên giới (Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thể), tập trung phát triển thủy điện nhỏ, khai thác và chế biến khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp chế biến hàng nông, lâm sản như mây tre đan và các lâm sản khác; chế biến thịt, thức ăn gia súc; sửa chữa cơ khí, sản xuất nông cụ phục vụ nhu cầu địa phương. Từng bước xây dựng cụm công nghiệp Mường So tại Phong Thổ để thu hút đầu tư chế biến khoáng sản, sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng; cụm công nghiệp Lê Lợi – Nậm Hằng tại huyện Sìn Hồ và Mường Tè để thu hút sản xuất giấy, đá lợp, cơ khí nhỏ.

c) Tỉnh Lào Cai

Đối với thành phố Lào Cai và 4 huyện giáp biên (Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Thắng, Sa Pa), phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản (apatit, đồng, sắt) chế biến nông lâm sản xuất khẩu, gia công và các sản phẩm xuất khẩu sang Vân Nam – Trung Quốc, thủy điện vừa và nhỏ để cung cấp điện cho nhu cầu tại chỗ, công nghiệp phân bón, hóa chất. Tiếp tục triển khai quy hoạch và xây dựng hạ tầng 3 khu công nghiệp (Đông Phố Mới, Bắc Duyên Hải và Tằng Loỏng).

d) Tỉnh Hà Giang

Đối với các huyện biên giới (Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc), tập trung phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản quy mô vừa và nhỏ; thủy điện nhỏ; chế biến nông lâm sản quy mô nhỏ và hộ gia đình; phát triển tiểu thủ công nghiệp để tạo việc làm cho đồng bào dân tộc. Duy trì gia công xuất khẩu hàng hóa cho Trung Quốc tại khu vực cửa khẩu Thanh Thủy.

đ) Tỉnh Cao Bằng

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của các huyện giáp biên (Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng, Thông Nông, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Phục Hòa, Hạ Lang, Thạch An), đặc biệt tại khu vực cửa khẩu biên giới để phát triển công nghiệp với tốc độ cao, tập trung vào chế biến khoáng sản, nông lâm sản và gia công xuất khẩu. Đồng thời chú trọng phát triển thủy điện nhỏ và tiểu thủ công nghiệp.

e) Tỉnh Lạng Sơn

[...]