Quyết định 2893/QĐ-BNN-TCCB năm 2015 về phân công công tác đối với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Số hiệu 2893/QĐ-BNN-TCCB
Ngày ban hành 22/07/2015
Ngày có hiệu lực 22/07/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2893/QĐ-BNN-TCCB

Hà Nội, ngày 22 tháng 07 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CÔNG CÔNG TÁC ĐỐI VỚI LÃNH ĐẠO BỘ

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18/4/2012 của Chỉnh phủ quy định chức năng, nhiệm vụ. quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CPngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Căn cứ ý kiến của Ban cán sự Đảng Bộ tại Tờ trình ngày 02/7/2015 của Vụ Tổ chức cán bộ về phân công công tác đối với lãnh đạo Bộ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nguyên tắc phân công và quan hệ công tác giữa Bộ trưởng và Thứ trưởng

1. Bộ trưởng là thành viên Chính phủ, chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, trước Quốc hội về toàn bộ công việc thuộc chức năng, thẩm quyền của mình: chỉ đạo toàn diện công tác của Bộ; trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ mang tính chiến lược thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

2. Thứ trưởng có trách nhiệm giúp Bộ trưởng theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác theo sự phân công của Bộ trưởng. Trong phạm vi quyền hạn và nhiệm vụ được giao, các thứ trưởng chủ động giải quyết công việc; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công: những vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm phải kịp thời báo cáo, xin ý kiến Bộ trưởng trước khi xử lý, quyết định.

Khi giải quyết công việc, những vấn đề liên quan đến công tác địa phương hoặc các lĩnh vực cần sự phối hợp, Thứ trưởng được giao chủ trì chủ động trao đổi ý kiến với Thứ trưởng phụ trách khối, lĩnh vực trước khi quyết định. Trong trường hợp cần thiết, Thứ trưởng được giao chủ trì và Thứ trưởng phụ trách khối cùng chủ trì làm việc với các đơn vị để giải quyết công việc, khi các Thứ trưởng có ý kiến khác nhau, Thứ trưởng được giao chủ trì giải quyết công việc báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định.

Khi làm việc với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan. Thứ trưởng được giao chủ trì chủ động trao đổi, thống nhất về nội dung và thông báo kết quả làm việc với Thứ trưởng phụ trách khối, lĩnh vực và Thử trưởng được giao theo dõi địa phương.

3. Trong trường hợp cần thiết hoặc khi Thứ trưởng phụ trách khối, lĩnh vực vắng mặt. Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo xử lý hoặc giao Thứ trưởng khác chỉ đạo xử lý công việc sau đó thông báo lại kết quả làm việc.

4. Thứ trưởng có trách nhiệm và quyền hạn trong phạm vi lĩnh vực được phân công như sau:

- Chỉ đạo việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; xây dựng cơ chế chính sách và các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình Bộ trưởng để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền.

- Chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp Iuật các nhiệm vụ kế hoạch và ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực. công tác mình phụ trách; xử lý theo thẩm quyền các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực được phân công.

- Thứ trưởng được ký các văn bản thuộc lĩnh vực, công tác được phân công chỉ đạo giải quyết và các văn bản do Bộ trưởng phân công sau đó báo cáo lại Bộ trưởng.

- Thứ trưởng không giải quyết các công việc Bộ trưởng không phân công và thực hiện các quyết định của Bộ trưởng.

5. Bộ trưởng có thể phân công một Thứ trưởng làm nhiệm vụ thường trực để giúp Bộ trưởng điều phối các hoạt động chung của Bộ theo chương trình công tác của Bộ và theo yêu cầu chỉ đạo của Bộ trưởng khi Bộ trưởng công tác vắng. Thứ trưởng thường trực được Bộ trưởng phân công ký văn bản của Bộ và giải quyết các công việc do Bộ trưởng phân công ký văn bản của Bộ và giải quyết các công việc do Bộ trưởng trực tiếp phụ trách khi Bộ trưởng vắng mặt.

Điều 2. Phân công nhiệm vụ của lãnh đạo Bộ

1. Bộ trưởng Cao Đức Phát:

- Phụ trách chung, chịu trách nhiệm trước Quốc hội; Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về quản lý nhà nước ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn;

- Công tác tổ chức và cán bộ;

- Công tác qui hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển ngành;

- Công tác xây dựng Đảng, quan hệ với Trung ương Đảng, Chính phủ, Ban Cán sự Đảng các Bộ, ngành Trung ương, địa phương; trực tiếp làm việc với Quốc hội khi có yêu cầu liên quan đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Chủ nhiệm chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn:

- Trưởng ban  Ban chỉ đạo Trung ương về Kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng;

[...]