Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 2881/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển Ngành Y tế tỉnh Bình Thuận đến năm 2020

Số hiệu 2881/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/12/2011
Ngày có hiệu lực 29/12/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Lê Tiến Phương
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2881/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 29 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH Y TẾ TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 120/2009/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận thời kỳ đến năm 2020;

Căn cứ Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) về Quy hoạch phát triển Ngành Y tế tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 (Thông báo số 155-TB/TU ngày 04/11/2011);

Căn cứ Nghị quyết số 19/2011/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX - kỳ họp thứ 3 về Quy hoạch phát triển Ngành Y tế tỉnh Bình Thuận đến năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển Ngành Y tế tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm:

a) Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và của mỗi người dân; do vậy, đồng thời với sự đầu tư của nhà nước, phải đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp y tế dưới nhiều hình thức phù hợp, đa dạng và có hiệu quả, trong đó xác định y tế công lập giữ vai trò nòng cốt.

b) Đầu tư cho y tế là trực tiếp đầu tư cho con người, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đất nước và địa phương. Dó đó, việc đầu tư cho y tế chính là một trong những giải pháp đầu tư cho phát triển.

c) Phát triển ngành y tế một cách hợp lý về quy mô, đi đôi với không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của ngành y tế; tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận các loại dịch vụ y tế một cách thuận lợi, công bằng. Từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch về lợi ích được chăm sóc sức khỏe giữa thành thị với nông thôn; giữa vùng kinh tế phát triển với các vùng sâu, vùng xa; giữa người giàu với người nghèo; giữa các thành phần dân tộc,…

d) Gắn kết chặt chẽ giữa công tác phòng bệnh và chữa bệnh, trong đó đặc biệt chú ý khâu phòng bệnh; gắn phát triển y tế phổ cập với phát triển y tế chuyên sâu; gắn phát triển y học hiện đại với phát triển y học cổ truyền.

e) Quan tâm đúng mức đối với tuyến y tế cơ sở, nhất là tuyến huyện; tăng cường công tác y tế dự phòng và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến huyện.

2. Mục tiêu chung:

a) Xây dựng hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở từng bước hiện đại và đồng bộ cả về trang thiết bị và đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, công nhân viên Ngành Y tế để đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao và đa dạng các hoạt động chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân và cả khách vãng lai. Tạo điều kiện cho mọi người được tiếp cận các loại dịch vụ y tế một cách thuận lợi, công bằng; trong đó, hết sức chú ý đến vùng sâu, vùng xa, các đối tượng chính sách và người nghèo.

b) Phát triển y tế cần gắn kết chặt chẽ giữa công tác phòng bệnh và chữa bệnh (trong đó đặc biệt chú ý khâu phòng bệnh), gắn phát triển y tế phổ cập với phát triển y tế chuyên sâu, gắn phát triển y học hiện đại với y học cổ truyền. Kiểm soát có hiệu quả các dịch bệnh, không để các dịch bệnh nguy hiểm bùng phát và diễn ra trên diện rộng.

c) Thực hiện mô hình gia đình ít con, khỏe mạnh; tiến tới ổn định quy mô dân số và nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

d) Đẩy mạnh xã hội hóa y tế với nhiều hình thức, quy mô phù hợp, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để huy động sự đóng góp của các thành phần kinh tế cả trong và ngoài nước, các tổ chức xã hội và nhân dân đầu tư phát triển cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập.

3. Mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể:

a) Các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể chung của ngành:

- Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, không để dịch lớn xảy ra. Chú trọng vệ sinh môi trường, tăng cường quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng tuổi thọ bình quân 72 tuổi năm 2010 lên 74 tuổi năm 2015 và năm 2020 là 76 tuổi. Duy trì vững chắc xu thế giảm sinh để đạt mức sinh thay thế bình quân trong toàn quốc; nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Tăng cường các hoạt động truyền thông - giáo dục sức khỏe với nội dung và hình thức phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt chú ý đến nhân dân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao ý thức tự phòng bệnh của nhân dân.

- Tỷ lệ chết trẻ dưới 1 tuổi là 4‰ năm 2010 giảm xuống 3‰ năm 2015 và năm 2020 là <3‰; tỷ lệ chết trẻ dưới 5 tuổi là 5‰ năm 2010 giảm xuống 4‰ năm 2015 và năm 2020 là <4‰.

- Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em <5 tuổi là 14 % năm 2010 giảm xuống 9% năm 2015 và năm 2020 là <7%.

[...]